Phỏng vấn ông Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa về kết quả Kỳ họp thứ 9

Phỏng vấn ông Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa về kết quả Kỳ họp thứ 9
9 giờ trướcBài gốc
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV bế mạc vào ngày 27-6-2025, để cử tri và nhân dân tỉnh Khánh Hòa có thêm thông tin về kết quả Kỳ họp thứ 9, Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.
Ông Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.
- Thưa ông, xin ông cho biết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã đạt được những kết quả gì?
Sau 35 ngày làm việc (đợt 1: từ ngày 5-5 đến ngày 29-5-2025; đợt 2: từ ngày 11-6 đến ngày 27-6-2025) với tinh thần đổi mới, trách nhiệm và quyết tâm cao, trên cơ sở chuẩn bị khẩn trương, kỹ lưỡng và sắp xếp chương trình khoa học, hiệu quả, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Quốc hội đã xem xét thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thông qua 34 luật và 13 nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác; xem xét, quyết định sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia; xem xét, quyết định công tác tổ chức, nhân sự thuộc thẩm quyền. Bên cạnh đó, Quốc hội đã xem xét, quyết định các nội dung về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước, chủ trương đầu tư các dự án quan trọng; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.
- Xin ông chia sẻ thêm về những sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại kỳ họp lần này?
Quốc hội đã xem xét thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12-4-2025.
Nghị quyết gồm 2 điều, trong đó:
- Điều 1 quy định về sửa đổi, bổ sung 05/120 điều của Hiến pháp, cụ thể: (i) Sửa đổi, bổ sung Điều 9 để khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp, tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; (ii) Sửa đổi, bổ sung Điều 10 để tiếp tục ghi nhận và thể hiện rõ nét vị trí, vai trò của Công đoàn Việt Nam; (iii) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 84 theo hướng quy định các cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (iv) Sửa đổi, bổ sung Điều 110 để khẳng định các đơn vị hành chính của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức thành 2 cấp (gồm: tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do luật định); (v) Sửa đổi, bổ sung Điều 111 để bổ sung quy định về chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó.
- Điều 2 quy định Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày được Quốc hội thông qua (ngày 16-6-2025); đơn vị hành chính cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động từ ngày 1-7-2025; đồng thời, quy định về điều khoản chuyển tiếp để tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã năm 2025 và kiện toàn tổ chức bộ máy của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 khi không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, bảo đảm các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp hoạt động thông suốt, đồng bộ, không để gián đoạn công việc, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức, xã hội và người dân.
Để bảo đảm quy trình xây dựng Nghị quyết này, Quốc hội đã thông qua 2 nghị quyết, gồm: Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thông qua là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, phản ánh sâu sắc ý chí, nguyện vọng của nhân dân, kết hợp giữa ý Đảng, lòng dân, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; là dấu ấn lịch sử, có ý nghĩa hết sức quan trọng, đã đánh dấu khởi đầu cho cuộc cải cách sâu sắc về thể chế, thể hiện tư duy đổi mới có tính cách mạng trong tổ chức hệ thống chính trị và quản trị quốc gia, là cơ sở hiến định cho việc thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tạo nền tảng để kiến tạo một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân hạnh phúc, yên vui.
- Thưa ông, xin ông cho biết, sau sáp nhập Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa có những thay đổi gì?
Theo Nghị quyết số 1707/NQ-UBTVQH15 ngày 24/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Đoàn Đại biểu Quốc hội và chỉ định Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XV, cụ thể:
Sau khi sáp nhập, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa (mới) có: 12 đại biểu
Chỉ định ông Trần Quốc Nam - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đại biểu Quốc hội khóa XV, giữ chức vụ Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Khánh Hòa.
Chỉ định ông Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, đại biểu Quốc hội khóa XV và bà Đàng Thị Mỹ Hương -Tỉnh ủy viên, đại biểu Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách khóa XV tỉnh Khánh Hòa.
Trong đó:
- Có 5 đại biểu Trung ương:
+ Đại biểu Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
+ Đại biểu Hà Quốc Trị - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương;
+ Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam;
+ Đại biểu Trần Ngọc Khánh - Trung tướng, Cục Trưởng Cục V03 - Bộ Công an;
+ Đại biểu Phan Xuân Dũng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam;
- Có 7 đại biểu địa phương:
+ Đại biểu Trần Quốc Nam - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Khánh Hòa;
+ Đại biểu Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Khánh Hòa;
+ Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Khánh Hòa;
+ Đại biểu Chamaleá Thị Thủy - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Dân tộc - Tôn giáo tỉnh Khánh Hòa;
+ Đại biểu Hà Hồng Hạnh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Khánh Hòa;
+ Đại biểu Lê Xuân Thân - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa;
+ Đại biểu Nguyễn Văn Thuận - Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
TRÍ NGHĨA (Thực hiện)
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202507/phong-van-ong-le-huu-tri-tinh-uy-vien-pho-truong-doan-chuyen-trach-doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-khanh-hoa-ve-ket-qua-ky-hop-thu-9-e0c39b9/