Phớt lờ lệnh cấm, nhiều cơ sở gỗ băm dăm không phép ở Hà Tĩnh vẫn hoạt động

Phớt lờ lệnh cấm, nhiều cơ sở gỗ băm dăm không phép ở Hà Tĩnh vẫn hoạt động
8 giờ trướcBài gốc
Trong thời gian qua, mặc dù UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện và các sở, ban ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, rà soát tình hình hoạt động các cơ sở chế biến gỗ băm dăm trái phép trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi phạm; kiên quyết đóng cửa, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở chưa đầy đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định... song trên thực tế vẫn có nhiều doanh nghiệp bất chấp lệnh cấm, vẫn duy trì hoạt động.
Cơ sở gỗ băm dăm bên trong khuôn viên của Công ty CP gỗ Phượng Nguyên tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ đang hoạt động.
Trước thực trạng đó, ngày 10/12/2024, đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tại địa bàn các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn và Đức Thọ là những địa phương tập trung nhiều cơ sở hoạt động sản xuất, chế biến gỗ băm dăm trái phép nhất trên địa bàn Hà Tĩnh.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra thực địa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà cho biết, về quản lý nhà nước đối với các cơ sở chế biến gỗ không phép trên địa bàn, từ đầu năm 2024 đến nay UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành 6 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc các địa phương chủ động kiểm tra, xử lý theo đúng quy định. Tuy vậy, qua kiểm tra cho thấy các địa phương vẫn chưa thực hiện nghiêm túc, một số cơ sở chế biến gỗ không phép vẫn đang tiếp tục hoạt động.
Dù không được phép nhưng Cơ sở chế biến gỗ của Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn tại thị trấn Tây Sơn tự ý lắp đặt dây chuyền, thiết bị sản xuất băm dăm gỗ trong khuôn viên nhà máy.
Cụ thể, tại địa bàn huyện Hương Khê, từ ngày 4/10/2024, UBND huyện này đã ban hành văn bản về việc chấm dứt các hoạt động đối với 5 cơ sở chế biến gỗ băm dăm trái phép trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các xã: Gia Phố, Hương Long, Hương Bình, Phúc Trạch, Hà Linh kiểm tra thông báo chấm dứt hoạt động tại các cơ sở nói trên.
Tuy nhiên, theo báo cáo ngày 14/2/2025 của UBND huyện Hương Khê, sau khi siết chặt việc quản lý, chỉ có 2 doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc là hộ ông Nguyễn Đức Thiện tại xã Phúc Trạch và hộ ông Hoàng Duy Viết tại xã Hà Linh. Đối 3 các cơ sở còn lại gồm: Công ty TNHH TM&DV Trà My tại xã Hương Bình; Công ty TNHH Hoàng Sơn Hải tại xã Hương Long và Công ty DVTM Ngàn Phố tại CCN Gia Phố, vẫn tổ chức tập kết, chế biến thô gỗ keo và chưa chấp hành nghiêm túc, có thời điểm vẫn lén lút hoạt động.
Công ty DVTM Ngàn Phố cho Công ty TNHH Trần Thanh Thanh thuê đất thực hiện dự án trưng bày sản phẩm gỗ rừng tự nhiên tại CCN Gia Phố. Dù đang trong quá trình lập hồ sơ xin điều chỉnh dự án (trong đó có hạng mục chế biến gỗ rừng trồng) nhưng doanh nghiệp này đã lắp đặt máy móc, tổ chức các hoạt động chế biến gỗ băm dăm dù chính quyền đã yêu cầu ngừng hoạt động.
Để chấm dứt tình trạng này, ngày 20/2/2025, UBND huyện Hương Khê đã ban hành Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra các cơ sở chế biến lâm sản gỗ rừng trồng chưa được cấp phép trên địa bàn. Nhiệm vụ là phối hợp với UBND các xã, liên quan tổ chức kiểm tra, tham mưu xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm. Sau xử lý, nếu các cơ sở tiếp tục tái phạm, có phương án cắt lưới điện, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định.
Tương tự, tại huyện Hương Sơn, thời gian qua dù đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý các hoạt động sản xuất kinh doanh chế biến gỗ, gỗ băm dăm trái phép, tuy nhiên vẫn có những cơ sở lén lút hoạt động ngoài những khung giờ hành chính.
Công ty TNHH TM&DV Trà My tại xã Hương Bình vẫn lén lút hoạt động dù UBND huyện Hương Khê đã có văn bản yêu cầu ngừng các hoạt động liên quan từ tháng 10/2024.
Trong số 4 cơ sở hoạt động sản xuất gỗ băm dăm trên địa bàn, ngoại trừ Nhà máy chế biến gỗ rừng trồng VBE Hà Tĩnh tại CCN Khe Cò qua các đợt kiểm tra chưa phát hiện hoạt động kinh doanh gỗ dăm trái phép (theo báo cáo của Công ty thì việc sản xuất gỗ băm dăm hiện nay là một trong công đoạn của sản xuất gỗ viên nén).
Các cơ sở còn lại, bao gồm Cơ sở chế biến gỗ của Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn tại thị trấn Tây Sơn, dù giấy chứng nhận đầu tư không có hạng mục sản xuất gỗ băm dăm nhưng đã tự ý lắp đặt dây chuyền, thiết bị sản xuất băm dăm gỗ trong khuôn viên nhà máy.
Bên trong cơ sở sản xuất gỗ dăm của hộ bà Nguyễn Thị Mai Hà tại xã Quang Diệm, dù không được phép nhưng đã ngang nhiên hoạt động công khai trong nhiều năm trở lại đây.
Quá trình hoạt động không phép, tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Mai Hà đã xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng khiến nữ công nhân Lê Thị L. (37 tuổi) bị đứt lìa cánh tay.
Đặc biệt, cơ sở chế biến gỗ băm dăm tại xã Sơn Tây của Công ty TNHH MTV TM&DV Hoài Luyến và Cơ sở sản xuất gỗ băm dăm của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hà tại xã Quang Diệm, dù không được phép nhưng đã ngang nhiên hoạt động công khai trong nhiều năm trở lại đây.
UBND huyện Hương Sơn cho biết, từ tháng 10/2024 đã chỉ đạo chính quyền các địa phương đã đình chỉ hoạt động của 2 cơ sở này và tháo dỡ máy móc, trang thiết bị. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên, những ngày đầu năm 2025 đến nay, các cơ sở này vẫn đang hoạt động.
Trước đó, trong tháng 7/2024, UBND xã Quang Diệm đã kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính. Đến nay chủ cơ sở chưa chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả và cơ sở vẫn tiếp tục hoạt động.
Cơ sở chế biến gỗ băm dăm trái phép tại xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn của Công ty TNHH MTV TM&DV Hoài Luyến.
Thậm chí, đầu tháng 12/2024, tại cơ sở này, trong quá trình lén lút hoạt động, nữ công nhân Lê Thị L. (37 tuổi), trú tại xã Quang Diệm đang vận hành máy cắt, xay cây keo thì cánh tay trái bị máy cuốn, dẫn đến đứt lìa 1/3 giữa cánh tay trái, gãy xương vai. May mắn, nạn nhân do được sơ cứu và đưa đến bệnh viện kịp thời nên đã được các bác sĩ nối liền cánh tay thành công.
Nguyên liệu là cây keo, tràm được thu mua, tập kết để phục vụ cho hoạt động băm dăm tại Nhà máy chế biến gỗ rừng trồng VBE Hà Tĩnh.
Ngoài ra, tại huyện Đức Thọ, trong thời gian vừa qua bên trong khuôn viên của Công ty CP gỗ Phượng Nguyên (nằm trên diện tích của nhà máy đường Linh Cảm trước đây), một doanh nghiệp cũng đã lắp đặt dây chuyền hoạt động thu mua, chế biến gỗ băm dăm trái phép.
Điều đáng nói, cơ sở này chỉ cách trụ sở UBND xã Tùng Ảnh khoảng 150m và cách UBND huyện Đức Thọ khoảng 2km nhưng quá trình hoạt động không gặp phải bất cứ trở ngại nào từ phía chính quyền.
Hoạt động thu mua, sản xuất băm dăm tại Nhà máy chế biến gỗ rừng trồng VBE Hà Tĩnh tại CCN Khe Cò, huyện Hương Sơn đang gây ra nhiều hệ lụy.
Trước thực trạng nhức nhối này, ngay sau chuyến kiểm tra thực tế của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà, ngày 21/1/2025 địa phương này đã tiếp tục ban hành tiếp văn bản, yêu cầu các huyện tập trung, kịp thời thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn, khẩn trương xử lý dứt điểm đối với các cơ sở chế biến gỗ hoạt động không phép theo đúng quy định.
Cùng với đó, hàng chục cơ sở thu mua keo, tràm trái phép để cung cấp nguồn nguyên liệu cho các cơ sở băm dăm trái phép mọc lên nhan nhản nhưng không được chính quyền địa phương các cấp ngăn chặn.
Đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở chưa có hoặc chưa đảm bảo các hồ sơ, thủ tục theo quy định của pháp luật; chỉ đạo tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép. Các địa phương nói trên cũng phải làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc để các cơ sở chế biến gỗ tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng không được kiểm tra, xử lý. Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu không xử lý kịp thời, dứt điểm đối với các cơ sở chế biến gỗ hoạt động không phép trên địa bàn.
Thiên Thảo
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/ban-doc-cand/phot-lo-lenh-cam-nhieu-co-so-go-bam-dam-khong-phep-o-ha-tinh-van-hoat-dong-i759914/