Từ trào lưu Hàn - Nhật đến dấu ấn văn hóa giới trẻ Việt
Xuất phát từ Nhật Bản và nhanh chóng lan sang Hàn Quốc, những buồng chụp ảnh nhỏ nhắn với hiệu ứng dễ thương từng khiến giới trẻ Châu Á "phát cuồng" vào đầu những năm 2000. Tại Việt Nam, photobooth cũng từng là một hiện tượng. Tuy nhiên, sau giai đoạn phát triển ngắn ngủi, xu hướng này đã bị lu mờ bởi sự bùng nổ của smartphone và mạng xã hội.
Không gian tại tiệm chụp photobooth.
Thế nhưng, vài năm gần đây, photo booth bất ngờ quay trở lại. Lần này không chỉ với một diện mạo mới mà còn mang theo cả một làn sóng văn hóa đặc trưng: sự hoài niệm, cá nhân hóa và tinh thần lưu giữ kỷ niệm thực sự.
Không còn là một thú vui thoáng qua, photo booth hiện diện như một phần của lối sống. Nó xuất hiện trong những dịp trọng đại lẫn những ngày rất đỗi bình thường – khi người trẻ muốn biến một khoảnh khắc thành một ký ức cụ thể, hữu hình và đầy cảm xúc.
Ngày lễ là phải có photo booth
Hiếm có xu hướng nào lại có sức sống bền bỉ và sự lan tỏa mạnh mẽ như photobooth ở thời điểm hiện tại. Mỗi dịp lễ lớn như Giáng sinh, Tết, Trung thu, Valentine hay sinh nhật, lễ kỷ niệm tình bạn, tình yêu, các tiệm chụp photobooth tại Hà Nội, TP. HCM,… hay các thành phố lớn đều trong tình trạng "cháy slot," đặc biệt vào cuối tuần hoặc các khung giờ vàng từ 17h đến 21h.
Giới trẻ xếp hàng chụp photo booth trong các dịp lễ.
Tại các trung tâm thương mại như Vincom, Lotte, Aeon Mall hay khu phố trẻ như Đặng Văn Ngữ, Tống Duy Tân, Ấu Triệu,.. hàng dài bạn trẻ xếp hàng trong tiệm photo booth là hình ảnh không còn lạ. Nhiều bạn sẵn sàng chờ hơn một giờ đồng hồ chỉ để được 5 phút chụp hình và mang về vài tấm ảnh xinh xắn – như một minh chứng cho việc "ngày lễ này mình đã thật sự vui".
"Sinh nhật năm nay, thay vì đi ăn như mọi năm, tụi mình chọn đi chụp booth đôi. Nhìn ảnh in ra mà vừa buồn cười vừa xúc động, vì nó ghi lại đúng cái vibe hai đứa lúc ấy – tự nhiên và thật nhất", Mai Trang (21 tuổi) chia sẻ.
Nhận cảm xúc thật trong thế giới ảo
Một trong những yếu tố then chốt giúp photobooth được yêu thích chính là sự đầu tư công phu vào thiết kế không gian và trải nghiệm khách hàng. Dù chỉ vỏn vẹn vài mét vuông, mỗi booth đều mang một concept riêng biệt, thường xuyên thay đổi theo mùa lễ hoặc trend hiện hành: có booth phong cách Hàn Quốc tinh tế, có booth đậm chất retro hoài niệm, có booth ngập tràn màu sắc pastel cho hội "bánh bèo" hay cả những booth tone đen trắng tối giản cho team "cool ngầu".
Bên cạnh phông nền, các phụ kiện đi kèm cũng được chuẩn bị chỉn chu: mũ, kính, bảng chữ, hoa cầm tay, thậm chí cả đạo cụ cosplay nhẹ nhàng. Một số địa điểm còn cung cấp máy ảnh gắn hiệu ứng làm đẹp sẵn, hệ thống ánh sáng chuyên nghiệp và chỉnh ảnh tự động, giúp người chụp có ngay những bức hình đẹp mắt mà không cần qua các app chỉnh sửa.
Photobooth ngày càng đổi mới sáng tạo.
Không chỉ dừng lại ở sự tiện lợi và thú vị, photobooth còn đánh trúng tâm lý "chịu chơi" của giới trẻ hiện nay. Mỗi lượt chụp dao động từ 50.000 - 150.000 đồng, tùy vào concept, số lượng ảnh in và dịch vụ đi kèm. Thế nhưng, nhiều bạn sẵn sàng quay lại mỗi tháng một lần, hoặc "săn" các địa điểm mới để trải nghiệm đủ style.
Một số nhóm bạn còn có "truyền thống" chụp booth mỗi dịp tụ họp – để mỗi tấm ảnh là một "dấu ấn thời gian" cho tình bạn, tình yêu hay đơn giản chỉ là những tháng năm tuổi trẻ. Dù là tình cờ hay có chủ đích, sự lặp lại của hành động chụp photo booth đang dần biến nó thành một thói quen mang tính văn hóa rõ nét.
Trong thời đại công nghệ số, nơi mọi tấm ảnh đều có thể bị chỉnh sửa, bị lướt qua trên màn hình chỉ trong vài giây, thì những bức ảnh in từ photo booth lại có sức mạnh gợi nhớ và gắn kết kỳ lạ. Đó là cảm xúc thật – không quá hoàn hảo, không qua filter, nhưng đủ để khiến người ta mỉm cười khi nhìn lại.
Có thể nói, sự trỗi dậy mạnh mẽ của photo booth không đơn thuần là sự phục hưng của một trào lưu cũ, mà là sự định hình của một phần văn hóa mới – nơi con người được sống chậm lại, ghi dấu từng khoảnh khắc và trao nhau những ký ức chân thành nhất.
Bảo Nhi