Phù điêu Kala Núi Bà – bảo vật quốc gia đầu tiên của Phú Yên

Phù điêu Kala Núi Bà – bảo vật quốc gia đầu tiên của Phú Yên
một ngày trướcBài gốc
Đây là kala được giới nghiên cứu đánh giá rất độc đáo, thoát khỏi một vật phẩm của tôn giáo, tín ngưỡng, rất gần gũi với đời sống xã hội và là bảo vật quốc gia đầu tiên tại Phú Yên.
Mặt trước và mặt sau của phù điêu Kala đang trưng bày tại Bảo tàng Phú Yên. Ảnh: Trần Thanh Hưng
Di tích Núi Bà
Văn hóa Chăm được hình thành từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Hiện nay, sau thời gian dài nghiên cứu, phần lớn các nhà khoa học đều cho rằng văn hóa Chăm kế thừa văn hóa Sa Huỳnh, ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ.
Văn hóa Chăm là nền văn hóa lớn, từng đóng vị trí quan trọng trong suốt thời gian dài trên dải đất miền Trung. Những giá trị của văn hóa Chăm đã góp phần tạo nên nền văn hóa phong phú, đa dạng của các tộc người cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Ngày nay, những di tích văn hóa Chăm đã trở thành một phần di sản của nền văn hóa Việt Nam và di sản văn hóa của thế giới.
Phú Yên là tỉnh nằm trong vùng phân bố của di tích văn hóa Chăm. Tỉnh này nổi lên với các di tích nằm ở hạ lưu sông Đà Rằng thuộc vùng đồng bằng Tuy Hòa với hai di tích nổi tiếng là tháp Nhạn và thành Hồ. Ngoài ra, còn hàng chục phế tích kiến trúc khác, trong đó có di tích Núi Bà.
Di tích Núi Bà thuộc thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Núi Bà là một ngọn núi nhỏ, có độ cao khoảng 60m nằm sát bờ Nam sông Đà Rằng, đối diện bên bờ bắc chính là núi Ông và di tích thành Hồ. Từ đỉnh núi Bà, có thể bao quát được toàn bộ đồng bằng Tuy Hòa rộng lớn.
Đầu thế kỷ 20, di tích này đã được H.Pacmentier, nhà khảo cổ người Pháp, khảo sát nghiên cứu, những ghi chép của ông về di tích Núi Bà cho thấy kiến trúc Chăm ở đây đã bị đổ sụp từ trước, chỉ còn lại dấu tích của một ngôi tháp và ngay trên nền tháp đã được dựng lên một ngôi chùa, lấy tên là chùa Bà. Tại ngôi chùa này, còn một số hiện vật kiến trúc, điêu khắc Chăm.
Trong đó, có sáu hiện vật đáng chú ý được H.Pacmentier đánh số thứ tự. Đó là một pho tượng đất nung có hình Phật; một lá nhĩ chạm hình sư tử; một pho tượng đứng trên tấm bia cao 1,3m, trên tấm bia này có 34 dòng chữ Chăm; một hình Laksmi bốn tay ngồi xếp bằng trên một đài sen; một tượng thần Siva ngồi trên thần bò Nanđin, và một tượng Ganesa (mình người, đầu voi) đã bị gãy đầu.
Ngoài ra H.Pacmentier còn cho biết, có một lá nhĩ chạm hình Mukhalinga, một số đá điểm góc hình Makara và một số chóp đá trang trí trên mái tháp. Toàn bộ số hiện vật này có thể vẫn được giữ nguyên tại đây, vì vào các năm 1990 và 1993, một số hiện vật được đưa về Bảo tàng Phú Yên từ di tích này có đặc điểm và kích thước giống như những hiện vật mà H.Pacmentier đã mô tả.
Cuộc khảo sát nghiên cứu lần thứ hai tại di tích Núi Bà do Bảo tàng Phú Yên phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành vào năm 1990.
Kết quả khảo sát đã phát hiện được móng tháp còn tương đối nguyên vẹn, được xây chính giữa mặt bằng đỉnh đồi có bình đồ vuông, mỗi cạnh dài 8,6m, tường dày 2,3m. Gạch xây móng có kích thước 33cmx15cmx6cm và 40cmx19cmx8cm. Kỹ thuật xây chồng gạch đè khít lên nhau. Cuộc khảo sát cũng đã tìm thấy số lượng khá lớn các loại vật liệu kiến trúc cũng như một số tác phẩm điêu khắc.
Đặc biệt, đến năm 1993, trên đỉnh Núi Bà, ngay vị trí của nền móng di tích, công nhân thi công trụ điện cao thế 110KV vượt sông Đà Rằng đã đào các hố lớn để phục vụ công trình. Cuộc “khai quật chữa cháy” do Viện Khảo cổ học thực hiện nhằm tiếp tục nghiên cứu di tích này đã thu được nhiều hiện vật giá trị.
Hiện vật thu được tại cuộc “khai quật chữa cháy” này bao gồm thủy quái Makara, thần bò Nanđin, ngựa, chim thần Garuđa, rắn thần Naga, Kỳ đà, phù điêu hoa sen, lá đề, trụ nóc hình hoa sen, thiên nga, tượng mặt người, hình đuôi phụng, trụ cửa…và đặc biệt là chiếc Kala.
Trong tổng số các hiện vật trên đây, nhóm hiện vật làm bằng đá, ngoài việc mô tả về hình dáng, các nhà nghiên cứu còn xác định phần lớn hiện vật được chế tác bằng đá Ryôlit. Báo cáo khai quật đã ước đoán chiều cao của ngôi tháp ở Núi Bà vào khoảng 25m, thuộc phong cách kiến trúc chuyển tiếp từ Bình Định sang phong cách Pô Klong Garai, có niên đại vào khoảng thế kỷ 14. Ngoài ra, qua cuộc khai quật cũng đã biết được cấu trúc nền móng của tháp Chăm ở Núi Bà, trong đó có đá ong đã được sử dụng như một loại vật liệu gia cố nền móng.
Như vậy, tại Núi Bà đã từng tồn tại một công trình kiến trúc tháp Chăm có quy mô khá lớn, di tích này có niên đại vào khoảng thế kỷ 14. Căn cứ vào những hiện vật phát hiện tại di tích này còn cho thấy, có thể trước thế kỷ 14 tại khu vực này đã có những công trình kiến trúc tôn giáo, và tại di tích này, ngoài việc thờ phụng các vị thần Bà-la-môn giáo, Phật giáo, còn có thể có thêm tín ngưỡng bản địa thờ Thiên Yana. Di tích Núi Bà có thể là một trung tâm tôn giáo tín ngưỡng của người Chăm ở vùng đồng bằng Tuy Hòa.
Độc đáo Kala Núi Bà
Như trình bày ở trên, phù điêu Kala Núi Bà được phát hiện trong hố khai quật tại di tích Núi Bà, thuộc thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa và được Bảo tàng tỉnh Phú Yên tiếp nhận, đưa về năm 1993.
Theo hồ sơ trình Chính phủ phê duyệt bảo vật quốc gia, phù điêu Kala là tác phẩm điêu khắc đá thời Champa, chất liệu đá Ryolit (một loại đá magma phun trào, tên gọi ryolit (Rhyolite) là do nhà du lịch, địa chất Đức- Ferdinand von Richthofen - đặt vào những năm 1860).
Về đặc điểm tạo hình, phù điêu Kala được chế tác trên một khối đá hình lá nhĩ, đế bằng, đỉnh nhọn. Ảnh: Trần Thanh Hưng
Kích thước của kala Núi Bà cao 60cm, rộng 44cm, dày 17cm. Trọng lượng 105,5 kg. Về đặc điểm tạo hình, phù điêu Kala được chế tác trên một khối đá hình lá nhĩ, đế bằng, đỉnh nhọn. Mặt phía trước thể hiện khuôn mặt Kala nhìn thẳng về phía trước.
Kala có miệng rộng, 8 răng chạm nổi to, dài, thò ra ngoài, bao gồm 2 răng nanh và 6 răng cửa; 2 răng nanh ở hai bên dài hơn và nhọn. Môi trên cong, râu xung quanh miệng dày, xếp thành từng đường thẳng. Hai bên miệng mỗi bên có 3 sừng ngắn mọc từ dưới lên.
Mũi Kala to tròn, sống mũi ngắn và gãy. Hai mắt to tròn, lồi ra phía trước, đuôi mắt xếch ngược lên phía trên. Lông mi quanh mắt rậm, đuôi lông mi xoắn lại hình ốc. Trán dô, trên trán có chuỗi hạt hình tròn. Bờm dày tạo thành 4 lớp. Niên đại của hiện vật được xác định trên cơ sở niên đại theo niên đại di tích tháp Núi Bà, nơi tìm thấy Kala này, là vào khoảng thế kỷ 14.
Trong tôn giáo, tín ngưỡng, nghệ thuật điêu khắc Champa, Kala là biểu hiện của thần Siva, đấng hủy diệt và tái tạo vũ trụ của Ấn Độ giáo. Kala có nghĩa là thời gian, tượng trưng cho sự hủy diệt, sự chết chóc, hủy diệt để tái tạo và chết để tái sinh. Phù điêu Kala có giá trị đặc biệt trong tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa Champa, là một thành phần quan trọng, có mối quan hệ mang lại vẻ đẹp linh thiêng, hoàn hảo trong kiến trúc đền tháp.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo ngành VH-TT-DL, Bảo tàng Phú Yên thực hiện việc quản lý nghiêm ngặt đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Đồng thời, quảng bá cho nhiều người cùng biết, nhất là thế hệ trẻ, về giá trị to lớn của bảo vật quốc gia trong di sản văn hóa Việt Nam nói chung, di sản văn hóa trên vùng đất Phú Yên nói riêng.
____________
Tài liệu tham khảo: Báo cáo kết quả khảo sát phế tích tháp Núi Bà 1990, TS Lê Đình Phụng, Nguyễn Tiến Đông, Viện Khảo cổ học VN; Đề tài khoa học “Di tích văn hóa Chăm ở Phú Yên”, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên, 2003.
Trần Thanh Hưng
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị : https://sgtt.thesaigontimes.vn/phu-dieu-kala-nui-ba-bao-vat-quoc-gia-dau-tien-cua-phu-yen/