Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia Phù điêu Kala núi Bà cho lãnh đạo Sở VHTT&DL và Bảo tàng tỉnh. THIÊN LÝ
Tham dự có các đồng chí: Đinh Thị Thu Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; PGS TS Bùi Chí Hoàng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh cùng đại diện các sở, ban ngành trong và ngoài tỉnh.
Phù điêu Kala núi Bà được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: THIÊN LÝ
Phù điêu Kala được phát hiện trong hố khai quật di tích Núi Bà (thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa); được đưa về Bảo tàng tỉnh năm 1993. Đây là tác phẩm điêu khắc đá thời Champa, chất liệu đá Túp Riolit Đaxit. Kích thước: cao 60cm, đế rộng 44cm và dày 17cm. Trọng lượng 105,5 kg.
Về đặc điểm tạo hình, phù điêu Kala được tạo tác trên một khối đá hình lá nhĩ, đế bằng, đỉnh nhọn. Mặt phía trước thể hiện khuôn mặt Kala nhìn thẳng về phía trước.
Kala có miệng rộng, 8 răng chạm nổi to, dài thò ra ngoài, trong đó gồm có 2 răng nanh và 6 răng cửa; 2 răng nanh ở hai bên dài hơn và nhọn. Môi trên cong, râu xung quanh miệng dày, xếp thành từng đường thẳng. Hai bên miệng mỗi bên có 3 sừng ngắn mọc từ dưới lên.
Mũi Kala to tròn, sống mũi ngắn và gãy, hai mắt to tròn, lồi ra phía trước, đuôi mắt xếch ngược lên phía trên. Lông mi quanh mắt rậm, đuôi lông mi xoắn lại hình ốc. Trán dô, trên trán có chuỗi hạt hình tròn, bờm dày tạo thành 4 lớp.
Các đại biểu cắt băng trưng bày chuyên đề Di sản văn hóa Champa ở Phú Yên. Ảnh: THIÊN LÝ
PGS TS Bùi Chí Hoàng nhận định: Phù điêu Kala núi Bà là một tác phẩm điêu khắc thể hiện rõ nét nghệ thuật và tín ngưỡng Champa, có niên đại từ thế kỷ XIV. Hình tượng Kala mang ý nghĩa sâu sắc về triết lý Hindu giáo, tượng trưng cho sức mạnh thần thánh và sự bảo hộ.
Phú Yên, với hệ thống đền tháp và hiện vật Champa phong phú, đóng vai trò quan trọng trong dòng chảy di sản văn hóa Champa tại Việt Nam. Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản này không chỉ giúp gìn giữ ký ức lịch sử mà còn tạo nền tảng cho nghiên cứu và phát triển du lịch văn hóa.
Đại biểu cùng đông đảo khách tham quan xem BVQG phù điêu Kala núi Bà. Ảnh: THIÊN LÝ
Phát biểu tại lễ công bố, Phó Chủ tịch UBND Đào Mỹ nhấn mạnh: Việc công nhận phù điêu Kala núi Bà là bảo vật quốc gia không chỉ là niềm tự hào của Phú Yên mà còn là cơ hội để địa phương thúc đẩy công tác bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa Champa, đồng thời cho biết tỉnh sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị của bảo vật, gắn với phát triển du lịch và giáo dục cộng đồng.
Dịp này, Bảo tàng tỉnh cũng đã khai mạc trưng bày chuyên đề Di sản văn hóa Champa ở Phú Yên.
THIÊN LÝ