Phụ huynh Hà Nội 'mở cờ trong bụng' trước gợi ý bữa trưa miễn phí

Phụ huynh Hà Nội 'mở cờ trong bụng' trước gợi ý bữa trưa miễn phí
4 giờ trướcBài gốc
Tổng Bí thư gợi ý Hà Nội có thể miễn phí ăn trưa cho học sinh. Ảnh minh họa: Y Kiện.
"Tôi phấn khởi! Nếu miễn học phí, miễn thêm tiền ăn trưa, gia đình tôi giảm gánh nặng, có thêm chi phí cho con học những môn năng khiếu", chị Linh Nga (phụ huynh tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ trước thông tin Tổng Bí thư gợi ý Hà Nội có thể miễn phí ăn trưa cho học sinh.
Hôm 17/4, tại buổi tiếp xúc cử tri 3 quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng trước kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 15, Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở Hà Nội nghiên cứu miễn phí bữa ăn trưa tại các trường công lập, song song với việc miễn học phí, nhằm đảm bảo dinh dưỡng và phát triển toàn diện cho học sinh.
Phụ huynh phấn khởi
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, chị Linh Nga cho biết hiện tại, mỗi tháng, chị đóng khoảng gần 2 triệu đồng tiền ăn trưa cho hai con đang học tiểu học và THCS.
Tổng chi phí học hành của hai con (cả ở trường và học thêm) hết gần 10 triệu đồng. Nếu gợi ý của Tổng Bí thư được thực hiện, chị sẽ tiết kiệm được một khoản, có thể đầu tư thêm cho con học các môn năng khiếu như võ, vẽ, bơi lội...
Tổng Bí thư Tô Lâm tính toán Hà Nội hiện có 1,2-1,3 triệu học sinh cấp tiểu học và THCS, mỗi bữa ăn miễn phí khoảng 30.000 đồng. Thu ngân sách của thành phố quý 1/2025 khoảng 250.000 tỷ đồng, "hoàn toàn có thể thực hiện được chính sách nhân văn trên".
Ông đề nghị thành phố Hà Nội nghiên cứu để triển khai từ năm học 2025-2026.
Chị Hồ Huyền (phụ huynh ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cũng mong mỏi đề nghị này sớm được thực hiện.
Hai con của chị Huyền học tiểu học, đều học 2 buổi/ngày, tuy nhiên, trường lại chưa tổ chức bán trú. Ngày nào, các con cũng phải mất 4 lượt đạp xe từ nhà đến trường và từ trường về nhà, có thể đối mặt với rủi ro.
Trong khi đó, chị không yên tâm đi làm, trưa nào cũng phải hớt hải về nhà để lo cơm nước cho các con.
Nếu nhà trường tổ chức bán trú và miễn phí bữa trưa, chị cho rằng cả phụ huynh, học sinh đều thuận tiện. Các con sẽ được ăn, ngủ đúng giờ dưới sự giám sát của giáo viên phụ trách.
"Bữa ăn ở trường sẽ đầy đủ dinh dưỡng theo từng khẩu phần ăn. Việc đi lại, đưa đón các con chỉ còn là lúc đến và về thay vì ngày 4 lượt. Có như vậy, phụ huynh mới yên tâm với công việc", chị Huyền chia sẻ.
Tác động lớn hơn một bữa ăn
Chia sẻ về gợi mở của Tổng Bí thư, cô Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhìn nhận đây là chủ trương nhân văn, cho thấy Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến giáo dục, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Cùng với miễn học phí, miễn phí bữa trưa là "mơ ước của tất cả người dân có con đang trong độ tuổi đi học".
Cô Hồng tin rằng nếu chính sách này được thực hiện, phụ huynh sẽ hoàn toàn yên tâm khi con em được chăm sóc, học tập, ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ ngay tại trường.
Đồng quan điểm, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên nhìn nhận bữa trưa miễn phí tại trường học, nếu được thực hiện đồng loạt, sẽ là một chính sách “vì dân” lớn tiếp theo, ngay sau chính sách miễn học phí cho học sinh cả nước.
Chủ trương này cũng thể hiện tấm lòng của người làm chính sách với trẻ em, với giáo dục, và xa hơn là với cơ hội phát triển của đất nước.
"Một vấn đề tuy nhỏ như một bữa ăn có giá 30.000 đồng, nhưng sẽ có tác động và hiệu ứng lớn hơn thế nhiều lần", theo ông Nguyên.
Hà Nội hiện có 1,2-1,3 triệu học sinh cấp tiểu học và THCS. Ảnh minh họa: Việt Linh.
Vị chuyên gia nhìn nhận trường học vốn như một xã hội thu nhỏ. Trong đó, sẽ có cả những trẻ em thiệt thòi hay yếu thế tại trường.
Với các em này, khả năng lớn là bữa ăn tại nhà dưới chuẩn dinh dưỡng, vì cha mẹ các em có thể rất vất vả mới lo được đủ ba bữa ăn mỗi ngày, chưa thể quan tâm đến chất lượng hay tiêu chuẩn dinh dưỡng theo khoa học.
Trong khi đó, bữa ăn học đường thường có tiêu chuẩn rõ ràng của khoa học dinh dưỡng, được giám sát theo quy trình. Do vậy, nếu chủ trương được thực hiện, đây sẽ là một sự hỗ trợ lớn với những học sinh khó khăn về sức khỏe và kinh tế.
Bên cạnh đó, bữa ăn học đường cũng là cơ hội để nhà trường dạy cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng như lịch sử địa phương, khoa học dinh dưỡng, giao tiếp, xếp hàng, chia sẻ…
“Bữa ăn trưa ở trường không chỉ là chuyện ăn uống, dinh dưỡng, sức khỏe mà còn là một phần của hoạt động giáo dục toàn diện tại trường phổ thông”, vị chuyên gia nhận định.
Theo ông Nguyên, không hiếm quốc gia đã sử dụng bữa ăn học đường để tạo ra tác động trên quy mô lớn về cải thiện chiều cao, thể lực cho thế hệ trẻ. Ví dụ, Nhật Bản đã ban hành và thực hiện Luật Bữa trưa trường học từ năm 1954.
Một bữa ăn khoa học, được hướng dẫn bài bản về dinh dưỡng và văn hóa ăn uống lành mạnh tại trường, sẽ giúp trẻ hình thành những thói quen tốt trở lại gia đình. Về lâu dài, điều này góp phần xây dựng ý thức chủ động và khoa học trong việc chăm sóc sức khỏe cho các em.
Sau cùng, bữa ăn trưa miễn phí còn giúp giảm đáng kể gánh nặng đưa đón con của phụ huynh. Với việc học hai buổi, nếu không có bữa trưa tại trường, cha mẹ phải đưa đón con 4 lượt mỗi ngày, cộng thêm sắp xếp bữa trưa, là cả một vấn đề lớn của các gia đình cũng như giao thông xã hội.
Thực hiện thế nào để hiệu quả?
Nhìn chung, ông Nguyên đánh giá cao vai trò của bữa ăn học đường trong việc đạt được nhiều mục tiêu giáo dục và xã hội tích cực.
Là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp và nông sản, thực phẩm, ông cho rằng Việt Nam có khá nhiều thuận lợi trong việc tổ chức bữa ăn học đường khoa học và miễn phí để cải thiện sức khỏe người dân và thế hệ tương lai.
Để thực hiện được chủ trương, ông Nguyên nhìn nhận tài chính là điều cần được tính đến. Có thể khó khăn, song vị chuyên gia gợi ý Hà Nội có thể phân hóa theo nhóm học sinh và thực hiện theo lộ trình nếu cần, bởi nhu cầu với bữa trưa ở trường của các nhóm học sinh là khác nhau.
Ông lấy ví dụ những học sinh thuộc diện gia đình khó khăn, có thu nhập dưới một ngưỡng cụ thể, sẽ cần bữa trưa miễn phí hơn. Bởi nó giảm gánh nặng cho phụ huynh trong việc đảm bảo và cung cấp bữa ăn cho các em, cả về lượng và chất.
Một số em khác không quá khó khăn, có thể chỉ cần bữa trưa trợ phí một phần là đủ.
Ngoài ra, còn có những hoàn cảnh cụ thể, như trường học hai buổi mỗi ngày sẽ cần bữa trưa hơn trường học một buổi.
“Tóm lại là tùy nguồn lực để thực hiện theo giai đoạn, lộ trình, tập trung vào nhóm ưu tiên cao hơn những nhóm khác. Trường hợp có thể thực hiện được một lần và đồng loạt, tất nhiên là quá tốt”, theo ông Nguyên.
Vị chuyên gia lưu ý thêm ngoài vấn đề tài chính, các cấp cũng cần lưu ý đến quản lý an toàn thực phẩm để tránh ngộ độc thực phẩm số đông hoặc vấn đề minh bạch, liêm chính để tránh bữa ăn bị bớt xén.
Ngọc Bích
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/phu-huynh-ha-noi-mo-co-trong-bung-truoc-goi-y-bua-trua-mien-phi-post1546874.html