Sách giáo khoa giả, sách in lậu vẫn đang len lỏi vào các môi trường giáo dục, gây nhiều khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng tài liệu học tập. Các hình thức phân phối như qua sàn thương mại điện tử, chợ online hay bày bán ngay trên vỉa hè, khiến người tiêu dùng dễ rơi vào tình huống mua nhầm sách giáo khoa không đảm bảo chất lượng.
Mua nhầm sách giáo khoa giả cho con vì tin lời người bán hàng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoàng Ánh Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Hiện nay, nhà trường chưa gặp phải tình trạng mua phải sách giáo khoa giả, sách in lậu, cũng như chưa nhận được phản hồi tiêu cực về vấn đề này. Sách giáo khoa của trường được cung cấp từ các nguồn đáng tin cậy, nhà trường luôn làm việc trực tiếp với các nhà xuất bản, các đơn vị cung ứng có đầy đủ giấy tờ pháp lý, để đảm bảo học sinh sử dụng những bộ sách chính thống.
Bên cạnh đó, nhà trường không khuyến khích phụ huynh mua sách từ các điểm bán không rõ nguồn gốc, chẳng hạn như ở vỉa hè hoặc các quầy bán lẻ ở khu vực gần các trường học, nơi thường xuất hiện sách in lậu và sách kém chất lượng.
Để hỗ trợ phụ huynh, nhà trường tổ chức giới thiệu và đăng ký mua sách tập trung, đồng thời làm việc với nhà xuất bản để cung cấp đủ số lượng sách cho học sinh. Tuy nhiên, việc mua sách tại trường là không bắt buộc, phụ huynh có thể lựa chọn mua sách ở các cơ sở uy tín khác. Nhờ sự phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh, nên tình trạng mua nhầm sách giả, sách lậu tại trường gần như không xảy ra”.
Cô Hoàng Ánh Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh:NVCC.
Ghi nhận từ thực tế, chị Nguyễn Mai Linh - phụ huynh có con đang theo học tại trường thổ thông song ngữ liên cấp tại Hà Nội không hài lòng khi mua nhầm sách giáo khoa giả, sách in lậu cho con: “Từ đầu năm học, nhà trường đã có kế hoạch tuyên truyền mua sách giáo khoa đến học sinh và phụ huynh một cách rõ ràng, cụ thể. Phụ huynh đăng ký mua sách tại nhà trường theo đúng yêu cầu của thầy cô, phù hợp với từng môn học.
Thế nhưng, thời gian gần đây, khi con gái tâm sự, sắp tới phải thi cuối kỳ, con cần mang sách giáo khoa về để ôn tập. Vì việc phải mang đi, mang về rất nhiều sách giáo khoa, nhà xa và cặp nặng nên con rất mệt. Con mong mẹ sẽ mua cho con thêm bộ sách giáo khoa, để ở nhà, cho thuận tiện nhu cầu ôn tập của con. Tôi thấy nhu cầu của con hợp lý, lại trong khả năng tài chính, nên quyết định mua thêm bộ sách giáo khoa cho con.
Tiện đường đi làm về, tôi ghé một sạp sách ở vỉa hè, giá sách không cao, lại được người bán “cam kết sách chính hãng, chất lượng tốt”. Đang giờ tan tầm, lại đi ô tô, nên tôi đã chi tiền nhanh chóng, với hy vọng con có sách giáo khoa để ôn tập ngay trong hôm đó.
Tuy nhiên, khi về nhà, con gái tôi phát hiện sách có nhiều điểm bất thường. Chữ in mờ và thậm chí có những trang in bị nhòe, ngay cả nội dung cũng không giống sách con đang học. Tôi cảm thấy rất hối hận và hứa với con “Mai mẹ sẽ mua lại cho con bộ sách khác”. Việc mua nhầm sách giáo khoa giả không chỉ lãng phí thời gian, tiền bạc, mà còn ảnh hưởng đến việc học tập của con”.
Cần phát hiện và xử lý kịp thời việc buôn bán sách giáo khoa giả
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Hoàng Bá Hùng - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Tĩnh cho biết: “Các bộ sách giáo khoa được nhà trường tin cậy, sử dụng đều đến từ một nguồn cung ứng duy nhất, đó là Công ty cổ phần Sách - Thiết bị trường học Hà Tĩnh. Mỗi trường học, mỗi môn học sẽ có nhu cầu sử dụng các cuốn sách từ những bộ sách khác nhau, do đó, không thể có tình trạng sách từ bên ngoài được đưa vào nhà trường.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Tĩnh chưa từng ghi nhận phản ánh của phụ huynh, học sinh về tình trạng mua phải sách giáo khoa giả, sách in lậu”.
Thầy Hoàng Bá Hùng - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Tĩnh. Ảnh: NVCC.
Theo thầy Hoàng Bá Hùng, đâu đó, tình trạng sách giáo khoa giả vẫn còn tồn tại trên thị trường và đây là vấn đề đáng lo ngại.
Để ngăn chặn tình trạng sách giả, sách in lậu, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, nhằm phát hiện và xử lý từ sớm. Việc thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, các cơ sở phân phối sách giáo khoa là một giải pháp quan trọng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt, phụ huynh và học sinh.
Về phía Trường Trung học phổ thông Thượng Cát, nữ Phó Hiệu trưởng cho rằng: “Nếu chẳng may rơi vào tình huống sử dụng sách giáo khoa giả, học sinh sẽ chịu nhiều ảnh hưởng không tốt. Trước hết, sách giả thường có chất lượng in ấn kém, màu sắc, hình ảnh đều mờ nhòe, giấy dễ hư hỏng, khiến các em học sinh mất hứng thú học tập.
Về lâu dài, sách giáo khoa giả, sách in lậu còn tiềm ẩn rủi ro về nội dung sai lệch hoặc thiếu sót, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập của học sinh.
Ngoài ra, vẫn có phụ huynh và học sinh chưa nhận thức được các tác động kinh tế và pháp lý từ việc sử dụng sách in lậu, điều này càng làm vấn đề này trở nên nghiêm trọng”.
Ảnh minh họa: Phạm Linh
Chia sẻ về công tác tuyên truyền đối với sách giả, sách lậu, cô Hoàng Ánh Phương cho rằng, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các cơ sở giáo dục cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh.
“Để giảm thiểu tình trạng này, nhà trường thường xuyên thông tin rõ ràng cho phụ huynh về các loại sách được sử dụng trong giảng dạy, từ sách giáo khoa, sách bài tập đến sách tham khảo. Danh mục sách được công khai cụ thể, minh bạch, giúp phụ huynh nắm rõ và mua sách đúng nguồn uy tín, đảm bảo.
Bên cạnh đó, nhờ sự cải thiện từ các nhà xuất bản, việc cung ứng sách giáo khoa cũng đã ổn định qua các năm học. Đặc biệt, từ khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà xuất bản đã có sự chuẩn bị tốt hơn, đáp ứng đủ nhu cầu sách giáo khoa cho học sinh, đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu sách.
Những nỗ lực này góp phần quan trọng trong việc xây dựng môi trường học tập chất lượng và hiệu quả, giúp học sinh yên tâm học tập với những tài liệu đáng tin cậy” - cô Phương nhấn mạnh.
Gia An