Đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho học sinh
Bộ Y tế vừa tổ chức hội nghị nhằm triển khai các quy định mới của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và tổng kết tình hình thực hiện các nghị định liên quan. Tại hội nghị, một đề xuất đáng chú ý đã được đưa ra, liên quan đến mức hỗ trợ đóng BHYT cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.
Theo bà Vũ Nữ Anh - Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), hiện nay, mức đóng BHYT hàng tháng của học sinh, sinh viên là 4,5% mức lương cơ sở. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, và học sinh, sinh viên tự chi trả 70% còn lại. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 lên 50%. Theo báo cáo đánh giá tác động, để thực hiện đề xuất này, ngân sách nhà nước dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 3.700 tỉ đồng.
Nếu đề xuất này được Chính phủ phê duyệt, mức đóng BHYT hàng năm của học sinh sẽ giảm đáng kể. Cụ thể, các em chỉ cần đóng khoảng 631.800 đồng/năm, tương đương gần 53.000 đồng/tháng.
Đối với nhóm sinh viên (hiện có khoảng 2,8 triệu người), mức hỗ trợ BHYT hiện tại là 30% vẫn được giữ nguyên trong đề xuất lần này. Tuy nhiên, bà Vũ Nữ Anh cho biết, hiện cơ quan soạn thảo đã bổ sung vấn đề này và sẽ trình Chính phủ thời gian tới.
Giảm áp lực kinh tế, tăng cường an sinh xã hội
Đề xuất tăng mức hỗ trợ BHYT cho học sinh được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình, đặc biệt là những hộ có nhiều con đang tuổi đi học hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong việc tăng cường an sinh xã hội và đảm bảo quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho học sinh trên cả nước.
Cô trò Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) trong một tiết học hoạt động trải nghiệm. Ảnh minh họa.
Chị Lê Thị Hoa (36 tuổi, ở Ninh Bình), mẹ của hai học sinh tiểu học và trung học cơ sở, không giấu được sự vui mừng: "Nghe tin này tôi mừng lắm. Mỗi năm đóng BHYT cho hai con cũng là một khoản chi phí không nhỏ đối với gia đình làm nông như chúng tôi. Nếu được hỗ trợ thêm 20%, số tiền tiết kiệm được sẽ giúp chúng tôi trang trải nhiều khoản khác trong cuộc sống".
Anh Lê Văn Tám (48 tuổi, TP.HCM), có con đang học đại học, cũng chia sẻ: "Học phí đại học vốn đã là một gánh nặng, việc được giảm thêm chi phí BHYT sẽ giúp sinh viên và gia đình bớt đi một phần lo lắng. Đây là một chính sách rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với sức khỏe của thế hệ trẻ. Tôi mong đề xuất này sẽ sớm được thông qua không chỉ cho đối tượng là học sinh mà cả sinh viên trên cả nước".
Đề xuất này không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính trực tiếp cho các gia đình mà còn góp phần tăng cường độ bao phủ BHYT trong cộng đồng học sinh, sinh viên. Khi chi phí tham gia BHYT trở nên hợp lý hơn, sẽ có nhiều em được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và các dịch vụ y tế cần thiết khác, đảm bảo quyền lợi sức khỏe toàn diện cho thế hệ tương lai của đất nước.
Việc Bộ Y tế chủ động đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho học sinh, sinh viên cho thấy sự quan tâm sâu sắc và kịp thời của ngành y tế đối với sức khỏe của lực lượng lao động tương lai. Trong bối cảnh dịch bệnh và các vấn đề sức khỏe ngày càng phức tạp, việc đảm bảo các em được bảo vệ bởi BHYT là một yếu tố quan trọng để các em có thể yên tâm học tập và phát triển toàn diện.
Hiện tại, đề xuất này đang trong quá trình xem xét và phê duyệt của các cấp có thẩm quyền. Đông đảo phụ huynh trên cả nước đang bày tỏ sự kỳ vọng vào việc đề xuất sẽ sớm được thông qua và triển khai trên thực tế. Sự thay đổi này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước đối với sự phát triển toàn diện của thế hệ trẻ Việt Nam.
"Tôi mong rằng đề xuất này sẽ sớm được phê duyệt để chúng tôi có thể giảm bớt gánh nặng chi phí y tế cho con cái. Đây thực sự là một tin vui và là động lực lớn để chúng tôi yên tâm hơn trong việc nuôi dạy con", anh Nguyễn Ngọc Hòa (50 tuổi, Thanh Hóa) chia sẻ.
Cũng theo chị Hòa, đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho học sinh, sinh viên từ 30% lên 50% của Bộ Y tế đã 'chạm'đến niềm mong mỏi của hàng triệu gia đình Việt Nam. Đây là một chính sách mang đậm tính nhân văn, thể hiện sự quan tâm thiết thực của Nhà nước đối với sức khỏe và tương lai của thế hệ trẻ.
Đỗ Vi