Nhiều thí sinh lo lắng về những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Chủ động cập nhật đổi mới thi tốt nghiệp THPT
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với điểm khác biệt là thiên về đánh giá năng lực người học thay vì đánh giá kiến thức và kỹ năng như những kỳ thi trước.
GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết, đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Theo đó, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh nhằm kiểm tra kiến thức và tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Trước những ý kiến lo lắng về mức độ thay đổi khá nhiều trong cách đánh giá và cấu trúc đề thi năm nay, ông Huỳnh Văn Chương cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD-ĐT đã công bố phương án thi ngay từ cuối năm 2023; đã ban hành định dạng cấu trúc đề thi, đề thi tham khảo tất cả các môn thi tốt nghiệp theo hướng phù hợp với đánh giá năng lực học sinh. Như vậy, so với những năm trước, việc công bố đề thi tham khảo, Quy chế thi, các công tác chuẩn bị khác đều được Bộ GD-ĐT thực hiện sớm hơn để tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh lớp 12 chủ động trong dạy và học.
Một số đối tượng chưa tốt nghiệp THPT các năm trước nay muốn thi lại hoặc những thí sinh muốn dự thi tốt nghiệp THPT 2025 để lấy kết quả xét tuyển đại học lo lắng sẽ bị ảnh hưởng bởi những quy định mới.
Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, nhà giáo Nguyễn Phương Chinh, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, để chủ động chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng nhất trong 12 năm học phổ thông, công tác trao đổi, học tập chuyên môn được nhà trường tổ chức thường xuyên để giúp giáo viên cập nhật liên tục những thay đổi trong đánh giá thường xuyên và những định hướng trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.
"Các kỳ kiểm tra định kỳ và thường xuyên của nhà trường, học sinh đều được ra đề theo hướng đổi mới, tiệm cận với đề thi tốt nghiệp minh họa đã được Bộ GD&ĐT công bố trước đó. Do vậy, dù đến thời điểm này mới có quy chế chính thức nhưng học sinh lớp 12 không còn lạ lẫm với cách ra đề mới"- Nhà giáo Nguyễn Phương Chinh cho biết.
Tạo công bằng cho thí sinh học theo chương trình cũ và mới
Nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ ảnh hưởng tới một số đối tượng chưa tốt nghiệp THPT các năm trước nay muốn thi lại hoặc những thí sinh muốn dự thi tốt nghiệp THPT 2025 để lấy kết quả xét tuyển đại học.
Trước những lo lắng này, ông Huỳnh Văn Chương khẳng định, Bộ GD-ĐT có trách nhiệm ra đề thi chung trên toàn quốc và phối hợp trong công tác thanh, kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo kỳ thi được tổ chức công bằng, khách quan, an toàn, có kết quả tin cậy để xét tốt nghiệp THPT, đánh giá quá trình dạy và học và cho phép thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh việc đưa ra những thay đổi về định dạng cấu trúc để phù hợp tốt hơn cho việc đánh giá năng lực người học thì định dạng cấu trúc mới đề thi năm nay cũng góp phần làm tăng tính phân hóa của đề thi, đặc biệt là các định dạng mới là dạng đúng/sai và dạng trả lời ngắn.
Đề thi năm 2025 phân bố tỉ lệ câu hỏi các cấp độ tư duy Biết, Hiểu, Vận dụng là 4 : 3 : 3. Có thể thấy, với tỉ lệ Biết và Hiểu khoảng 70% sẽ nghiêng về mục đích tốt nghiệp trong khi tỉ lệ Hiểu và Vận dụng khoảng 60% sẽ có tác dụng phân hóa tốt phục vụ mục đích tuyển sinh.
Đáng chú ý, để đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh, trong năm 2025 Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức xây dựng 2 bộ đề thi (1 bộ đề thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và 1 bộ đề thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018). Các thí sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và trước đó, chưa tốt nghiệp sẽ được dự thi với đề thi được xây dựng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (tương tự như đề thi năm 2024 và các năm trước đó).
Các thí sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, đã tốt nghiệp THPT nhưng có mong muốn dự thi năm 2025 để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng có thể chọn để dự thi theo đề thi của Chương trình giáo dục phổ thông 2006 hoặc đề thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, các em học sinh cần thực hiện theo đúng kế hoạch dạy và học của nhà trường, hoàn thành toàn bộ chương trình và kiến thức lớp 12, hiểu rõ mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không chỉ trang bị kiến thức mà còn phát triển năng lực và phẩm chất. Vì vậy, các em cần chú trọng vào việc hiểu bản chất vấn đề, vận dụng kiến thức vào thực tiễn thay vì học thuộc lòng máy móc. Bộ GD-ĐT đã công bố các đề tham khảo giúp các em làm quen với cấu trúc định dạng đề thi mới. Việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp các em nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu và cải thiện hiệu quả.
GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT)
Bài, ảnh: Thu Anh