Phụ huynh xây dựng cộng đồng thượng tôn pháp luật

Phụ huynh xây dựng cộng đồng thượng tôn pháp luật
4 giờ trướcBài gốc
Lực lượng chức năng thành phố Đồng Xoài vừa đến thăm một gia đình có người thân thiệt mạng do TNGT. Sự việc đã diễn ra được 1 năm, nhưng chia sẻ với chương trình “Giao thông an toàn” của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, người mẹ trẻ vẫn không kìm nén được cảm xúc, vừa nấc nghẹn vừa nói trong nước mắt: “Cháu mới 17 tuổi, còn đang đi học… Em nhiều lúc đã muốn đi theo con… Nhưng dằn vặt vì còn con gái nhỏ… Làm vậy con nó tủi thân… Giờ mỗi ngày em vẫn phải cố gắng vượt qua…”.
Các nghiên cứu cho thấy, và thực tế người trưởng thành nào cũng có thể nhận thấy: Không có thiên tai bất ngờ, nếu chấp hành đúng các quy định, gần như không thể xảy ra TNGT. Không có ai vi phạm quy định, pháp luật về giao thông, người mẹ trẻ đã không mất con, chàng thanh niên mới lớn đã không vĩnh viễn không trở về với người thân, bè bạn, thầy cô…
Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2023 có 7,8% số nạn nhân thương vong do TNGT ở độ tuổi trẻ em, tương đương khoảng 900 em tử vong, gần 1.200 em bị thương. TNGT không chỉ xảy ra bên ngoài nhà trường, trước cổng trường mà còn diễn ra ngay trong khuôn viên trường học…
Tại Bình Phước, chỉ trong 1 tháng ra quân cao điểm tháng 10 vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 1.535 học sinh vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, trong đó có 1.277 học sinh chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện trên 50 phân khối, cơ quan chức năng đã xử phạt 1.085 trường hợp giao xe hoặc để người không đủ điều kiện điều khiển xe…
Ai đưa đón con có lẽ cũng từng lo lắng về sự an toàn của con mình nếu để chính con tự đi học, dù đó là bằng xe đạp, xe đạp điện, hay xe máy dưới 50 phân khối… Bởi mật độ giao thông, thói quen giao thông, đặc biệt là ý thức thiếu trách nhiệm, thậm chí là sự coi thường pháp luật về giao thông của rất nhiều người hiện hữu ngay trước mắt, bên tai.
Tác giả bài viết từng nhiều lần xung đột với người thân về chuyện đón con, khi có 2 quan điểm rất khác nhau: Hãy để con đi bộ một đoạn cách xa khỏi cổng trường, khoảng 300-500m, thậm chí có thể xa hơn cũng được, cha mẹ đưa đến hay chờ cha mẹ đến đón ở một điểm cố định thưa vắng, vừa thuận tiện vừa tránh ùn tắc, nhốn nháo giao thông ở cổng trường học, đồng thời cũng dạy con ý thức tự lập, ý thức vì cộng đồng, đó cũng là khoảng thả lỏng trước hoặc sau giờ học… Ngược lại quan điểm ấy, thường là câu trả lời ngắn gọn: “Anh suy nghĩ chẳng giống ai”, “Không ai đưa đón con như anh”, “Con anh đã học cấp 2, làm vậy con xấu hổ với bạn bè”, “Con anh đi dưới nắng/mưa anh có thương con không?”…
Tương tự như vậy là chuyện về việc để con đi bộ đi học, hay đi xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện, xe máy dưới 50 phân khối… trong nhiều gia đình. Tất nhiên, mỗi trường hợp có quan điểm khác nhau, tình huống khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, điều kiện kinh tế - xã hội khách quan và địa bàn khác nhau… cần một giải pháp phù hợp.
Các phương tiện giao thông cá nhân ngày càng phong phú, tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông ngày càng phổ biến, diễn biến phức tạp, nhất là với học sinh THCS, THPT, khi đó là độ tuổi dậy thì, mới lớn, muốn khẳng định mình… Từ phía chủ quan, vấn đề là phụ huynh giao xe cho con như thế nào?
Con độ tuổi, tâm tính ra sao, đủ điều kiện điều khiển xe gì, phụ huynh là người rõ nhất. Phụ huynh không cho phép, con sao có thể tự ý lấy xe đi lại? Biết con chưa đủ điều kiện mà vẫn giao xe là coi thường pháp luật, cũng xem nhẹ sự an toàn của chính con mình và người đi đường. Lứa tuổi học sinh đã bắt đầu với thói quen như thế của phụ huynh, tương lai xây dựng một cộng đồng thượng tôn pháp luật sẽ khó khăn gấp nhiều lần.
Trần Phương
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/165813/phu-huynh-xay-dung-cong-dong-thuong-ton-phap-luat