Phú Mỹ mai này còn có thúng chai?

Phú Mỹ mai này còn có thúng chai?
18 giờ trướcBài gốc
Và sau hành trình nhiều thế kỷ trôi qua, bây giờ nghề làm thúng chai ở Phú Mỹ cùng nhiều nơi khác đang đối mặt trước nguy cơ mai một.
1. Thúng chai còn gọi là thuyền thúng được đan kết từ nan tre và một vài nguyên liệu khác mang đậm dấu ấn người Việt. Phương tiện này gắn bó với ngư dân trong những chuyến vươn khơi khai thác hải sản nên thúng chai luôn hiện hữu giữa cuộc mưu sinh tại các làng biển ở miền Trung. Cho đến nay chưa có cứ liệu nào minh chứng thời gian, địa điểm ra đời của thúng chai, bởi lẽ người thì suy đoán phương tiện này có từ thời chúa Nguyễn, nhưng cũng có người cho rằng thúng chai ra đời vào thời Pháp thuộc vì lúc đó người dân nghèo bị đánh nhiều thứ thuế nặng, ngay cả những chiếc thuyền nan của ngư dân cũng không thoát khỏi, nên thúng chai là một sáng kiến mới để tránh thuế.
Người thợ đang lắp đặt, kết nối và siết chặt vành thúng chai bằng sợi cước.
Còn bây giờ, tôi đứng bên hành lang hai cây cầu Ngân Sơn, Nhân Mỹ nằm trên huyết mạch giao thông đường bộ xuyên Việt ở xã An Dân và thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, hướng tầm mắt về hai phía hạ lưu và thượng lưu sông Cái, nhìn thấy bờ lũy tre xanh trải dọc đôi bờ, được những lão làng ở đó ví như “lá chắn sống” hình thành từ bao đời nay để bảo vệ đất đai, nhà cửa cư dân mỗi khi có lũ lớn từ thượng nguồn đổ về.
Cây tre là nguồn nguyên liệu dồi dào, không chỉ làm ra nhiều công cụ phục vụ sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân từ làng chài cho đến nông thôn, miền núi, mà còn là chất liệu quý dành cho các nghệ nhân tạo tạc nên những tác phẩm nghệ thuật từ thân, gốc, cành, ngọn và cả lá tre. Với riêng thúng chai cũng là thứ sản phẩm độc đáo của ngư dân khiến cho du khách từ nhiều quốc gia trên thế giới phải ngạc nhiên, thích thú khi đến tham quan nghề làm thúng chai ở làng Phú Mỹ, hay được trải nghiệm những tour du lịch sông nước bằng thúng chai giữa rừng dừa Bảy Mẫu ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam và chứng kiến những lễ hội đua thuyền thúng.
Lão nông Trần Văn Tiến, trú ở làng Phú Mỹ, bày tỏ: “Nghề làm thúng chai ở đây có từ lúc nào thì không ai biết, nhưng gần tám chục năm về trước, khi tôi còn thơ ấu đã nhìn thấy cha, ông của mình cùng nhiều người trong làng đốn tre, chẻ nan, đan bện từng chiếc thúng chai để bán cho ngư dân làng biển, nên tôi ước đoán nghề này hình thành ở Phú Mỹ ít nhất phải hơn hai trăm năm”.
Thời xưa không có nhiều tàu cá lớn như bây giờ, ngư dân các làng biển đánh bắt tôm, cá ven bờ bằng ghe thuyền nhỏ, nên rất ít người đặt làm thúng chai. Khi nền kinh tế biển phát triển, mỗi tỉnh, thành ven biển miền Trung có vài trăm đến cả ngàn tàu cá công suất lớn vươn ra khơi xa khai thác thủy sản dài ngày trên biển thì nhu cầu thúng chai tăng lên, vì mỗi tàu cá lớn đều phải có dăm, bảy chiếc thúng chai.
Khi cần gỡ vướng cho tấm lưới, giàn câu; kiểm tra vỏ tàu, chân vịt hay câu mực giữa biển khơi; hỗ trợ nhân lực, lương thực, thực phẩm giữa các tàu cá, thì ngư dân sử dụng thúng chai để vận hành. Đã có trường hợp tàu cá vấp phải sự cố kỹ thuật rò rỉ vỏ gỗ nước tràn vào khoang hay bị tai nạn do tàu biển tông chìm, thì thúng chai là một trong những phương tiện cứu sinh của ngư dân.
Sau một hồi mải mê nhìn ngắm các thao tác kỹ thuật đan bện, uốn vành, siết dây cước... và nghe ông Trương Văn Trung - một người thợ có hơn 20 năm theo nghề diễn giải từng công đoạn làm thúng chai, tôi nhận biết nghề này rất công phu, mọi thứ đều làm thủ công từ bàn tay và trí tuệ người thợ nông thôn.
Tre là nguyên liệu chính để làm thúng chai.
Nguyên liệu chính của thúng chai là cây tre, nhưng phải chọn tre rắn chắc, không non, không già. Sau đó dùng rựa chẻ tách nhiều phần, vừa vót nan tre đan bện tấm mê thúng, vừa vót thanh tre lớn rồi sử dụng hơi nóng của lửa để uốn cong, tạo vành thúng. Tấm mê đan bằng nan tre có đường kính 1,4m hoặc 2m được đưa xuống hố đất để tạo hình chiếc thúng đều đặn rồi cắt bỏ phần nan thừa trước khi lắp đặt, kết nối và siết chặt vành thúng bằng những sợi cước chuyên dụng, mà người thợ ở làng Phú Mỹ thường gọi là lận vành.
2. “Nói thì nghe gọn nhẹ, dễ dàng, nhưng nếu chọn tre không tốt, chẻ gọt không đều sẽ gặp khó khăn khi đan bện, tạo hình, uốn vành và lắp đặt vành. Ngược lại, khi có được cây tre tốt, nhưng nếu người thợ không lành nghề, thiếu cẩn trọng, nan mê, vành thúng vót, chẻ không đều, lận vành không tròn thì sản phẩm không đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật” - ông Trương Văn Trung chia sẻ.
Ngoài cây tre còn có hai nguyên liệu khác khiến cho nhiều người nghe thấy đều phải ngạc nhiên đến khó tin. Đó là phân bò và dầu rái không thể thiếu khi làm thúng chai và cũng là yếu tố quyết định chống thấm nước. Làm xong chiếc thúng thô, người thợ sử dụng phân bò tươi đã đánh nhuyễn để bôi, trát bên ngoài lẫn bên trong thúng rồi đưa ra phơi nắng, sau đó là công đoạn bôi, trát dầu rái kỹ lưỡng rồi lại phơi nắng.
Kiểm tra chất lượng bôi trát dầu rái trên thúng chai.
Theo ông Trần Văn Tiến, mỗi chiếc thúng chai phải có ít nhất hai lượt bôi, trát phân bò và dầu rái. Kỹ thuật đánh nhuyễn phân bò, pha chế dầu rái và bôi trát cũng phải do người thợ có nhiều kinh nghiệm thực hiện. Phân bò trám kín các mạch nối những nan tre của thúng, còn dầu rái tác dụng chống thấm nước và chịu đựng nước mặn, nắng mưa. Sau khi bôi, trát thúng chai xong, đưa ra phơi nắng sẽ chuyển màu nâu sẫm, bóng mượt. Ngay cả thao tác trộn dầu rái để bôi, trát thúng chai cũng do những người thợ có nhiều trải nghiệm trong nghề thực hiện. Phân bò kiếm không khó, còn dầu rái là loại nhựa thực vật có màu trắng đục, được giới thợ rừng khai thác từ những cây dầu rái cổ thụ, nên phải mua.
Mỗi công đoạn làm thúng chai được những người thợ thao tác rất cẩn trọng, tỉ mỉ để mặt nan đều, đẹp, độ cong của thúng tròn đều, đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật. Mỗi thúng chai “ngốn” mất 15-18 cây tre, được chẻ, phơi nhiều ngày rồi mới đan bện, lận vành mất hơn tuần lễ, nhưng giá xuất bán mỗi chiếc thúng từ 3,5 đến 4,2 triệu đồng.
Thúng nhựa composite và thúng chai tại một làng biển ở Phú Yên.
Hàng chục năm trời, sản phẩm thúng chai Phú Mỹ có mặt tại các làng biển ở miền Trung rồi vươn ra tận đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận và Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và sau đó các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh đặt hàng cho thúng chai mang thương hiệu Phú Mỹ xuất khẩu sang Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia. Lúc đó, mỗi tháng làng Phú Mỹ và những làng kế bên như Bình Chính, Bình Hòa có hơn 40 gia đình với gần 200 người dân tất bật vào cuộc mưu sinh ngày đêm, mỗi tháng cho ra đời vài trăm thúng chai, thu nhập hằng tháng của mỗi người ước tính hơn 3 triệu đồng. Dù không lớn, nhưng giải quyết hiệu quả lao động nông nhàn, hỗ trợ người dân nông thôn thoát khó, giảm nghèo.
Bây giờ thì thời thịnh thúng chai gần như không còn, vì những năm gần đây thuyền thúng được chế tác từ nhựa composite đã lấn sân, chiếm lĩnh thị trường cung cấp cho tàu cá và ngư dân ở các làng biển, đầm, vịnh, vũng, nên cả làng Phú Mỹ chỉ còn hai, ba gia đình làm thúng chai khi có người đặt hàng. Cơ sở Trung Kiều - nơi sản xuất, mua bán thúng chai duy nhất ở làng Phú Mỹ vắng bóng những người thợ, chỉ còn vợ chồng bà Trương Thị Bích Kiều, vừa làm chủ vừa làm thợ. Bên trong cơ sở tồn đọng hơn 150 thúng chai đang chờ bán lẻ cho khách hàng ở Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Thuận và một người đặt hàng để xuất khẩu với số lượng rất ít.
“Vài tuần mới có một nhóm du khách nước ngoài đến đây tham quan. Lâu lâu cũng có người liên hệ đặt hàng sử dụng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng mỗi lần cũng chỉ dăm, bảy thúng chai chứ không nhiều như trước và ngày càng có dấu hiệu giảm dần” - bà Kiều bày tỏ trong tâm trạng buồn bã.
Du khách trải nghiệm với thúng chai trong rừng dừa Bảy Mẫu ở Hội An.
3. Trao đổi với phóng viên Chuyên đề ANTG, ông Nguyễn Đại Dương - Phó Chủ tịch UBND xã An Dân cho biết, địa phương cũng đã tính toán để hỗ trợ người dân bảo tồn nghề đan thúng chai, nhưng chưa tìm được giải pháp nào khả thi, vì đầu ra của sản phẩm này đang bị thuyền thúng làm bằng nhựa composite thu hẹp dần.
Rời làng Phú Mỹ trong tiết trời cuối năm se lạnh, nhìn lũy tre bên sông Cái đang vươn mình dẻo dai, mạnh mẽ trước gió, tôi chợt nhớ đến bài thơ “Cây tre Việt Nam” của Nguyễn Duy với những câu thơ xanh mãi: “Tre xanh/ Xanh tự bao giờ? Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh/ Thân gầy guộc, lá mong manh/ Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?/ Ở đâu tre cũng xanh tươi/ Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu...”. Và, tôi không sao quên được nét buồn trong ánh mắt của những người thợ làm thúng chai bên dòng sông Ngân Sơn cùng với câu hỏi: Phú Mỹ mai này còn có thúng chai?
Phan Thế Hữu Toàn
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/phong-su/phu-my-mai-nay-con-co-thung-chai--i754730/