Sáng 26/3, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, bà Loo Tze Lui, Phu nhân Thủ tướng Singapore Lawrence Wong, cùng bà Lê Thị Bích Trân, Phu nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Tại Bảo tàng, hai Phu nhân tìm hiểu những giá trị văn hóa phong phú, đa dạng tại khu trưng bày văn hóa các dân tộc Việt Nam, Vườn kiến trúc dân gian và trưng bày Đông Nam Á.
Tại tòa nhà Trống đồng dành cho các dân tộc ở Việt Nam, Phu nhân Thủ tướng Singapore đã nghe giới thiệu sơ lược về 54 dân tộc: trang phục, nhạc cụ, nông cụ, vật dụng thường ngày, các bức ảnh và những đoạn phim sống động về cuộc sống, nghề thủ công, nghi lễ...
Phu nhân Thủ tướng Singapore nghe giới thiệu về thổ cẩm của Việt Nam.
Hai Phu nhân có trải nghiệm thú vị như một hành trình từ Bắc vào Nam, khám phá các dân tộc thuộc các nhóm: Việt - Mường, Tày-Thái, Kadai, H'mông - Dao, Hán - Tạng, Môn - Khơme, Nam Đảo.
Tại Vườn Kiến trúc của Bảo tàng, hai Phu nhân đã chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc dân gian của nhiều vùng miền được phục dựng.
Kiến trúc của các ngôi nhà phản ánh sự đa dạng về kỹ thuật cũng như tri thức dân gian, đồng thời tái hiện nếp sinh hoạt gắn với các vùng sinh thái và khu vực lịch sử-văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam. Hai Phu nhân chụp ảnh lưu niệm tại nhà Rông - kiểu nhà sàn đặc trưng, ngôi nhà cộng đồng thường dùng làm nơi tụ họp, trao đổi, thảo luận của người dân trong các buôn làng Tây Nguyên.
Tiếp đó, hai Phu nhân cùng xem các nghệ nhân làm tranh Đông Hồ - một trong bốn dòng tranh dân gian đặc sắc của Việt Nam. Theo các nguồn sử liệu và công trình nghiên cứu, nghề tranh dân gian đã xuất hiện ở làng Đông Hồ từ thế kỷ XVI.
Phu nhân Lê Thị Bích Trân tặng bức tranh Chăn trâu thổi sáo - một trong số những bức tranh dân gian Đông Hồ được yêu thích nhất cho Phu nhân Loo Tze Lui.
Hai Phu nhân cùng xem nghề làm nón truyền thống của làng Chuông (Hà Nội). Phu nhân Lê Thị Bích Trân đã giới thiệu với bà Loo Tze Lui về những chiếc nón lá được vẽ hình hoa sen - loài hoa đặc trưng của Việt Nam, hay chiếc nón lá vẽ thổ cẩm đầy sắc màu.
Hai Phu nhân cùng đội nón lá chụp ảnh lưu niệm.
Đặc biệt, hai phu nhân đã được chứng kiến bà con dân tộc Mường dệt thổ cẩm. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mường không chỉ là một hoạt động sản xuất thủ công mà còn mang đậm giá trị văn hóa, phản ánh đời sống, phong tục tập quán và bản sắc riêng biệt của cộng đồng người Mường.
Bà con dân tộc Mường tặng trang phục truyền thống cho hai Phu nhân và giới thiệu về nét đặc sắc của trang phục. Trong quan niệm truyền thống, thổ cẩm là biểu tượng của sự giàu có, ấm no và sung túc. Số lượng và chất lượng các sản phẩm thổ cẩm trong gia đình thể hiện địa vị và sự thành đạt của gia chủ. Với người phụ nữ Mường, kỹ năng dệt và sở hữu các sản phẩm thổ cẩm tinh xảo được xem như thước đo giá trị, sự khéo léo và đảm đang.
Các nghệ sĩ dân ca quan họ Bắc Ninh hát bài "Mời nước mời trầu" để chào đón hai vị khách quý.
Phu nhân Lê Thị Bích Trân và Phu nhân Loo Tze Lui thưởng thức nghệ thuật truyền thống tại khuôn viên bảo tàng. Những nét đặc sắc trong văn hóa, truyền thống làng nghề của Việt Nam cùng các làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh mượt mà như: Mời nước, mời trầu, cùng với hòa tấu các ca khúc của Singapore… đã để lại ấn tượng sâu sắc với Phu nhân Thủ tướng Singapore.
Hai Phu nhân chụp ảnh lưu niệm với các nghệ sĩ.
Nguyễn Hồng