Khi còn nhỏ, chị Trần Minh T (sinh năm 1984) rất hay bị chảy máu cam. Đến tuổi dậy thì, kỳ kinh nguyệt của chị thường kéo dài hàng tuần, có đợt lên tới 10 ngày khiến chị xanh xao, mệt mỏi.
Đến năm 2004, chị kết hôn và mang thai. Chẳng thể ngờ, sau lần sinh con đầu tiên và duy nhất trong đời ấy, chị đã phải đối mặt với sinh tử. Khoảng 7 ngày sau khi sinh, chị bị băng huyết, máu chảy rất nhiều, vết khâu bị phù nề, chỉ số hồng cầu giảm sâu. Chị được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh và buộc phải cắt đi một nửa tử cung nhưng rồi vẫn chưa cầm được máu. Gia đình tiếp tục đưa chị lên bệnh viện trung ương. Sau 4 giờ trong phòng mổ, máu từ vết mổ vẫn tiếp tục chảy. Chị được hội chẩn và phải cắt hết tử cung.
Bác sĩ thăm khám cho người bệnh rối loạn chảy máu tại Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học - Truyền máu TW.
Sau đó, chị được chuyển sang Viện Huyết học - Truyền máu trung ương (TW) điều trị. Tại đây, chị may mắn được chẩn đoán đúng bệnh. Chị tâm sự: “Đến đây, tôi được TS.BS Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia cho làm các xét nghiệm. Kết quả chẩn đoán bị thiếu yếu tố X - một rối loạn đông máu hiếm gặp. Nhờ có bác sĩ Mai em mới sống được đến hôm nay”.
Từ khi đến Viện Huyết học - Truyền máu TW, những năm sau đó, chị Trần Minh T còn trải qua cuộc phẫu thuật u nang buồng trứng, cắt một bên buồng trứng. Dù không còn cơ hội sinh thêm con, và biết bao lần chảy máu, chị Trần Minh T vẫn rất lạc quan, tin tưởng vào sự tiến bộ của y học. Bởi những lần phẫu thuật đó chị đều được các bác sĩ tuyến cuối chuyên ngành sản khoa, ngoại khoa phối hợp với bác sĩ Viện Huyết học - Truyền máu TW hội chẩn. Nhờ đó, các ca mổ đều diễn ra an toàn.
Trường hợp chị Mai Hoàng V (sinh năm 1991) cũng mang trong mình căn bệnh rối loạn đông máu. Chị V kể: Khi mới được 2 tuổi và đang chập chững bước đi, chị bị ngã rách môi và máu cứ chảy không ngừng. Chị phải nhập viện điều trị mới cầm được máu. May mắn hơn chị Minh T, chị Mai Hoàng V được chẩn đoán bệnh sớm và điều trị thường xuyên tại Viện Huyết học - Truyền máu TW.
Tại đây, chị V được các bác sĩ tư vấn nên chủ động đi khám trong suốt quá trình mang thai và sinh con. Chị chia sẻ: “Trong suốt quá trình mang thai và sinh mổ, em được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Viện Huyết học - Truyền máu TW theo dõi sát sao. Em được truyền chế phẩm máu để dự phòng chảy máu nên đã sinh được hai thiên thần nhỏ đáng yêu”.
Hiện nay trên thế giới, phụ nữ và trẻ em gái mắc các rối loạn chảy máu vẫn chưa được chẩn đoán và chăm sóc đầy đủ. Cộng đồng toàn cầu về các rối loạn chảy máu có quyền và trách nhiệm thay đổi điều này.
Ngày Hemophilia Thế giới 17/4/2025 với chủ đề “Tiếp cận cho tất cả: Phụ nữ và trẻ em gái cũng bị chảy máu” nhằm nâng cao nhận thức, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc, chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái sẽ được cải thiện, góp phần giúp cộng đồng các rối loạn chảy máu trở nên mạnh mẽ.
Rối loạn chảy máu là nhóm bệnh lý phức tạp, trong đó có nhiều rối loạn đông máu hiếm gặp như: Thiếu một trong các yếu tố đông máu I, II, V, VII, X, XI, XIII… Rối loạn chảy máu có thể gặp ở cả nam và nữ. Ngoài các triệu chứng chung giống như nam giới, ở phụ nữ, rối loạn chảy máu còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác như: kinh nguyệt, thai sản, việc làm đẹp nên tác động khá lớn đến cuộc sống cá nhân.
TS.BS Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học - Truyền máu TW cho biết: “Hiện nay nhiều rối loạn chảy máu được phát hiện muộn dẫn tới những hậu quả nặng nề. Một trong những nguyên nhân là do triệu chứng của các rối loạn đông máu có thể là xuất huyết nhiều ở kỳ kinh nguyệt và phụ nữ thường nghĩ đây là những chuyện thầm kín nên ngại ngần khi đi khám hoặc chia sẻ với người khác. Bên cạnh đó, trong gia đình người bệnh có thể có thành viên nữ khác như mẹ, chị gái, em gái… cũng bị ra máu nhiều nên coi đó là bình thường”.
TS.BS. Nguyễn Thị Mai cũng khuyến cáo: Khi có các triệu chứng như rong kinh, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, bầm tím…, bạn nên đi khám sớm để được chẩn đoán.
Khi kết hôn, các bác sĩ sẽ tư vấn tiền hôn nhân như: xét nghiệm, biện pháp tránh thai, mang thai an toàn. Trong quá trình mang thai, nhiều phụ nữ có thể chảy máu, cần điều trị dự phòng để cả mẹ và bé sinh ra an toàn. Bác sĩ cũng sẽ tư vấn về kế hoạch chăm sóc nếu em bé không may mắc các bệnh rối loạn đông máu di truyền.
Lưu Hường/VOV.VN