Hỏi:
Hiện vợ tôi đang mang thai tuần thứ 18, trong khi xung quanh rất nhiều người mắc cúm, vậy vợ tôi có nên tiêm vaccine phòng cúm không? Mong bác sĩ tư vấn.
Hoàng Phú (Ba Đình, Hà Nội)
Ảnh minh họa.
BS Nguyễn Thị Nhung, Bệnh viện đa khoa Medlatec trả lời:
Việc tiêm phòng cúm đối với phụ nữ có thai mang lại nhiều lợi ích quan trọng, không chỉ cho mẹ mà còn cho cả thai nhi.
Bởi lẽ phụ nữ mang thai có hệ miễn dịch suy yếu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh cúm và gặp phải các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, suy hô hấp, khiến mẹ bầu phải nhập viện điều trị.
Tiêm phòng giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm cúm và các biến chứng nguy hiểm.
Sản phụ tiêm phòng vaccine còn giúp giảm nguy cơ sinh non bởi nhiễm cúm trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ sinh non, thai chết lưu hoặc thai nhi bị dị tật bẩm sinh.
Ngoài ra vaccine phòng cúm cung cấp kháng thể cho mẹ, từ đó có thể truyền sang thai nhi qua nhau thai.
Điều này giúp thai nhi được bảo vệ ngay từ trong bụng mẹ, giảm nguy cơ nhiễm cúm trong những tháng đầu đời.
Tiêm phòng không chỉ giúp bảo vệ cá nhân sản phụ mà còn giúp giảm nguy cơ lây lan virus cúm ra cộng đồng, đặc biệt là đối với những người có hệ miễn dịch yếu, trẻ em và người già.
Thời điểm tiêm cúm hiệu quả nhất khi mang thai là trong suốt thai kỳ, nhưng lý tưởng nhất là vào ba tháng giữa hoặc ba tháng cuối thai kỳ (từ tuần 14 - 27).
Tiêm vaccine cúm trong khoảng thời gian này giúp bà bầu và thai nhi có thời gian đủ để phát triển kháng thể, bảo vệ mẹ khỏi bệnh cúm và giảm nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến cúm.
Ba tháng giữa thai kỳ là thời điểm mà hệ miễn dịch của mẹ bắt đầu ổn định hơn, giảm thiểu các nguy cơ không mong muốn khi tiêm vaccine.
Nếu vợ bạn đang mang thai và muốn tiêm phòng cúm, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn thời điểm tiêm phù hợp nhất với sức khỏe của mình.
.