Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.
Tương lai không có trẻ con
Zuha Siddiqui thiết kế nội thất cho căn nhà mới mua ở thành phố Karachi (Pakistan). Bố mẹ cô sẽ sống ở tầng một vì đã già, không nên leo cầu thang quá nhiều. Nữ chủ nhà ở tầng hai và dành một phòng sưu tầm những món đồ nội thất yêu thích. Vừa bước qua sinh nhật 30 tuổi, Zuha cảm thấy rất tự hào vì đã sở hữu một căn nhà riêng cho bản thân và gia đình.
Trong căn nhà mơ ước của Zuha sẽ không bao giờ có trẻ con. Cô là một trong số ngày càng nhiều người trẻ ở Nam Á lựa chọn không sinh con. Zuha hiện làm nhiều công việc tự do và từ xa như phóng viên mảng thời tiết, sản xuất nội dung cho các ấn phẩm quốc tế.
Thách thức về nhân khẩu học đang bao trùm Nam Á. Giống như nhiều nơi khác trên thế giới, tỷ lệ sinh tại khu vực này đang giảm. Theo các chuyên gia, tỷ lệ sinh giảm chủ yếu ghi nhận ở các quốc gia phương Tây và Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc. Các quốc gia Nam Á, nơi tỷ lệ sinh nhìn chung vẫn ở mức cao, cũng có dấu hiệu đi theo “vết xe đổ”.
GS Ayo Wahlberg, giảng viên ngành Nhân chủng học tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch), ước tính, để thay thế và duy trì dân số hiện nay, tỷ lệ sinh cần có là 2,1 trẻ em trên một phụ nữ. Còn theo ấn phẩm so sánh tỷ lệ sinh toàn cầu năm 2024 của Cục Tình báo Trung ương Mỹ, tại Ấn Độ, tỷ lệ sinh đã giảm từ 6,2 vào năm 1950 xuống còn hơn 2. Dự kiến, tỷ lệ sinh của nước này sẽ giảm xuống còn 1,29 vào năm 2050 và chỉ còn 1,04 vào năm 2100. Tỷ lệ sinh tại Nepal hiện là 1,85 còn 2,07 là ở Bangladesh.
Ở Pakistan, tỷ lệ sinh hiện vẫn cao hơn tỷ lệ thay thế 3,32. Mức sinh thay thế là mức trung bình một phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời sinh đẻ của mình sinh đủ số con để thay thế mình thực hiện chức năng sinh đẻ, duy trì nòi giống.
Mức sinh thay thế thường là 2 con. Tuy nhiên, người trẻ Pakistan không tránh khỏi áp lực của cuộc sống hiện tại nên dù quốc gia này đạt đủ mức sinh thay thế, không nhiều người muốn đẻ con. Quay lại trường hợp của Zuha, cô không muốn có em bé vì lý do tiền bạc.
Áp lực tài chính khiến nhiều người không muốn đẻ con.
Gánh nặng tài chính
Tuổi thơ của Zuha gắn liền với khó khăn tài chính. Bố mẹ cũng không đầu tư để cô có được cuộc sống tốt hơn. Nhiều bạn nữ của Zuha cũng gặp tình trạng tương tự và quyết định không sinh con. Họ lo lắng trong tương lai, bản thân không đủ khả năng chi trả một mức sống tử tế, chưa tính đến việc nuôi dạy con cái.
Tại Pakistan, phụ huynh có thể cho con học những trường phổ thông tốt nhưng không đầu tư cho giáo dục đại học. Vì vậy, nhiều thanh thiếu niên không thể theo học những ngôi trường đúng nguyện vọng, không kiếm được mức lương và công việc như mong muốn. Điều này dẫn đến tài chính của họ không được ổn định, cản trở khả năng kết hôn hoặc có con.
Bên cạnh đó, lạm phát, chi phí sinh hoạt và nợ công tăng cao trong khi nhu cầu tiêu dùng giảm đã khiến nền kinh tế Pakistan “lao đao” những năm gần đây. Hồi tháng 9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cho phép quốc gia này vay 7 tỷ USD. Trước tình trạng kinh tế không có tín hiệu khởi sắc, người trẻ e ngại chuyện sinh con.
Bà Sharmila Rudrappa - chuyên gia xã hội học, đã tiến hành nghiên cứu một bộ phận nhân viên ngành Công nghệ thông tin tại thành phố Hyderabad (Ấn Độ) về vô sinh ngoài ý muốn. Nghiên cứu này tìm hiểu lý do tại sao các cá nhân không bị vô sinh nhưng lại quyết định trở thành vô sinh do hoàn cảnh.
Những người tham gia nghiên cứu cho biết họ “thiếu thời gian tập thể dục, nấu ăn và chủ yếu là thiếu thời gian dành cho các mối quan hệ của mình”. Công việc khiến họ kiệt sức, không có nhiều thời gian cho sự gần gũi về mặt xã hội hay quan hệ tình dục.
Con cái được kì vọng sẽ chăm sóc cha mẹ khi về già.
Trách nhiệm gia đình
Mehreen, 33 tuổi, sống tại thành phố Karachi, Pakistan, thấu hiểu vấn đề này. Cô sống với chồng và cha mẹ chồng. Cặp đôi làm việc toàn thời gian và họ phân vân về việc có con hay không. Về mặt tình cảm, đôi vợ chồng muốn có con nhưng về mặt lý trí, đây lại là một câu chuyện khó. Họ gần như nghiêng về phía không sinh con vì lý do tài chính.
Theo Mehreen, thế hệ trước coi chi phí nuôi dạy con cái là khoản đầu tư cho đứa trẻ. Nhiều người coi việc có con là cách đảm bảo an toàn tài chính trong tương lai. Con cái sẽ chu cấp cho cha mẹ khi họ về già. Nhưng điều này không còn đúng với thế hệ của Mehreen, cũng là thế hệ trẻ hiện nay, trong bối cảnh đất nước suy thoái kinh tế.
Bên cạnh đó là quan điểm trọng nam khinh nữ. Xã hội kỳ vọng phụ nữ sẽ phải có trách nhiệm chính trong việc nuôi dạy con cái, thay vì đàn ông, dù cả hai đều kiếm tiền nuôi gia đình. Nhiều người chồng muốn giúp vợ chăm sóc con cái nhưng họ không được nuôi dạy để làm điều này và có thể bị mọi người xung quanh đánh giá.
Ngoài tiền bạc và trách nhiệm gia đình, nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến quyết định của Mehreen. Đó là một tương lai hỗn loạn. Giống như Mehreen, nhiều người Nam Á không muốn con cái phải lớn lên trong một thế giới bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, khi mà tương lai trở nên bất định.
“Hồi nhỏ, tôi rất thích ăn hải sản và không có nguyên nhân gì khiến tôi từ chối món ăn hấp dẫn đó. Nhưng bây giờ, trước khi mua hải sản, tôi phải suy nghĩ rất kĩ vì trong sinh vật biển có thể chứa vi nhựa và các chất độc khác của con người. Nếu bây giờ đã như vậy thì 20, 30 năm nữa sẽ ra sao?”, Mehreen đặt câu hỏi.
Tương tự, cô Sarah Elahi - giảng viên người Pakistan, cho biết vấn đề khí hậu không tồn tại trong thời thơ ấu của cô. Tuy nhiên, với nhiệt độ toàn cầu tăng cao, trẻ em hiện nay phải sống trong “nỗi lo lắng liên tục”.
Chúng phải chứng kiến và trải qua những đợt nắng nóng kỷ lục, lũ lụt lịch sử gây chết người. Cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn hơn trong những năm tới khi tình hình thời tiết biến chuyển không ngừng.
Biến đổi khí hậu đe dọa tương lai của thế hệ trẻ.
Sợ cô độc
Một số nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục nhất trí rằng Nam Á là một trong những khu vực phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới năm 2023 (IQAir) chỉ ra các thành phố ở các quốc gia Nam Á như Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ có chất lượng không khí tệ nhất trong 134 quốc gia được theo dõi. Chất lượng không khí kém ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của sức khỏe con người.
Đơn cử, phụ nữ mang thai hít phải không khí ô nhiễm có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Chất lượng không khí kém tỷ lệ thuận với tình trạng trẻ nhẹ cân khi sinh, sảy thai hoặc thai chết lưu. Đối với những người phụ nữ trẻ như Siddiqui hay Mehreen, những điều này là thêm lý do để không sinh con.
Theo các chuyên gia, chính phủ các quốc gia Nam Á cần những biện pháp mạnh mẽ, khẩn cấp để “đón đầu” tình trạng tỷ lệ sinh giảm và không đi vào “vết xe đổ” của các quốc gia Đông Á. Lấy ví dụ, dự đoán về tương lai của Hàn Quốc, quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, là rất ảm đạm.
Trong 50 năm tới, số người trong độ tuổi lao động tại Hàn Quốc sẽ giảm một nửa. Số người đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc giảm 58% và gần một nửa dân số sẽ trên 65 tuổi. Điều này gây ảnh hưởng không tốt cho nền kinh tế, quỹ lương hưu, an ninh đất nước.
Nhiều chính trị gia đã tuyên bố tỷ lệ sinh giảm là “tình trạng khẩn cấp quốc gia”. Họ liên tục tìm kiếm những giải pháp sáng tạo như thuê bảo mẫu từ Đông Nam Á để trả lương thấp hơn mức tiêu chuẩn, miễn cho đàn ông đi nghĩa vụ quân sự nếu họ sinh 3 con trước 30 tuổi. Tuy nhiên, vấn đề vẫn không được giải quyết.
Còn hiện nay, phụ nữ Nam Á vẫn tiếp tục sống với lý tưởng không có con. Zuha đã xây dựng cho mình một hệ thống mối quan hệ bền chặt là những người bạn từ thời thơ ấu cho đến bạn đại học, đồng nghiệp.
Trong một thế giới lý tưởng, Zuha mong muốn được sống bên bạn bè của mình. Tuy nhiên, nỗi sợ cô đơn trong tương lai đôi khi vẫn ám ảnh tâm trí cô. Một tuần trước, cô đã cùng 2 người bạn ngoài 30 tuổi không muốn sinh con nói chuyện về việc sợ phải chết một mình. Chỉ tưởng tượng thôi, Zuha đã cảm thấy đau khổ.
Nhưng nhiều lúc khác, cô gạt bỏ suy nghĩ này và hi vọng đó chỉ là một nỗi sợ vô lý. “Tôi không muốn sinh con chỉ vì muốn có người chăm sóc khi tôi về già. Điều đó thật nực cười”, Zuha nói. May mắn thay, khi Zuha kể câu chuyện này, nhiều bạn bè chung lý tưởng không sinh con đã động viên cô: “Đừng lo, tôi sẽ ở đó. Bạn sẽ không chết một mình”.
Pakistan không phải quốc gia duy nhất. Hầu hết, các quốc gia Nam Á đang phải vật lộn với tăng trưởng kinh tế chậm, lạm phát gia tăng, thiếu việc làm và nợ quốc tế. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu vẫn diễn ra. Nhiều thanh niên hoặc vợ chồng trẻ phải làm việc cật lực hơn so với thế hệ bố mẹ và không còn dành nhiều thời gian cho cuộc sống cá nhân hay cho con cái.
Theo Aljazeera
Nguyễn Minh