Phụ nữ nông thôn mưu sinh mùa lũ

Phụ nữ nông thôn mưu sinh mùa lũ
5 giờ trướcBài gốc
Sản vật mùa lũ - nguồn thu nhập quan trọng
Khi lũ chưa về nhiều, các sản vật mùa nước, như: Cá linh, ốc, cua bắt đầu xuất hiện. Những sản vật này trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Chị Út Nhỏ (tiểu thương buôn bán tại chợ vùng biên Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú) chia sẻ: “Thời điểm bán cá, tôm sông nhộn nhịp nhất là vào sáng sớm. Ở đây, còn có vựa ốc, vựa cua. Đến chiều, có người dân Campuchia mang cá qua cân cho vựa”.
Các chị em cần mẫn với công việc nặn cá linh
Đi sâu vào các tuyến dân cư, tôi gặp chị Châu (sống tại ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Hội Đông). Không để lỡ cơ hội kiếm thêm thu nhập trong mùa nước, chị Châu tranh thủ thu mua cá linh từ ngư dân địa phương, sau đó nặn bỏ ruột, đóng thùng xốp giữ lạnh và gửi cho thương lái ở TP. Hồ Chí Minh. Phần còn lại, chị bán tại nhà để kiếm lời. Bên cạnh việc chế biến cá, chị Châu còn nhận làm các công việc khác, như: Xử lý đuôi rắn nước, phơi khô theo yêu cầu. Những công việc tay chân này tuy thu nhập không cao và không thường xuyên, nhưng với sự chăm chỉ, cần mẫn, chị Châu vẫn cố gắng xoay sở để gia đình có thêm nguồn sống.
Từ 8 - 9 giờ sáng, phụ nữ trong vùng bắt đầu chuẩn bị bữa trưa cho gia đình. Những phụ nữ tụ tập trước nhà, vừa làm cá vừa trò chuyện, tạo nên một bức tranh sống động của đời sống nông thôn trong mùa lũ. Cô Trần Thị Bé Thanh (52 tuổi, ngụ tại ấp 2, xã Vĩnh Hội Đông) chia sẻ: “Mùa khô, dân ở đây làm thuê còn mùa nước, không có việc làm nên gia đình ăn cá linh để tiết kiệm. Cá linh đầu mùa tươi ngon, có thể làm được nhiều món”.
Vựa ốc, cá nhộn nhịp trong mùa nước
Tại ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hội Đông, không khí tại vựa ốc bươu vàng của chị Ngọt trở nên sôi động lạ thường. Các nhân công ở đây đa số là phụ nữ, họ miệt mài với công việc gom ốc, rửa, luộc, lể ốc để chuẩn bị giao cho khách hàng. Sau đó, lại đón chuyến xe tải chở gần trăm bao ốc sống cho những chuyến hàng tiếp theo. Công việc giúp tạo thu nhập, mang lại sự ổn định, nhất là những người lớn tuổi không còn khả năng làm đồng hoặc những công việc nặng nhọc khác.
Chị Đinh Thị Hồng Phượng (chủ vựa ốc) đang quản lý khoảng 15 nhân công. Chồng chị là anh Lê Văn Phương, phụ trách việc đun nước luộc ốc và chia cho các bà, các chị ngồi lể ốc. Dù không khí làm việc có phần ngột ngạt bởi mùi tanh của ốc và cái nắng gắt, nhưng hình như mọi người đã quen với công việc này. Họ làm việc cần mẫn suốt ngày, không ngơi tay để kịp giao hàng cho khách. “Mùa nước, có nhiều ốc để làm thêm. Còn ngày thường, tôi đi cấy lúa, gọt xoài… Nhà có 5 công ruộng, nhưng nuôi 4 đứa con, nên phải làm thêm để kiếm sống” - chị Phượng tâm sự. Công việc lể ốc cho thu nhập khoảng 50.000 - 70.000 đồng mỗi ngày. Tuy không cao, nhưng ổn định, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ ở xã biên giới này, giúp họ có thu nhập đều đặn trong mùa lũ.
Không khí làm việc tất bật tại vựa ốc
Buổi trưa, qua đò Dung Thăng, chúng tôi tìm đến vựa cá của chị Nguyễn Thị Phường. Dưới cái nắng gay gắt, các chị em đang ngồi nặn cá linh để chuẩn bị giao hàng. Chị Phường cho biết, mỗi ngày, chị cân từ vài chục đến vài trăm ký cá, nhưng lợi nhuận không cao. “Lợi nhuận chủ yếu vào đầu mùa nước. Hiện, cá nhiều nên lời ít. Ở đây, chỉ có nghề làm cá nên phải gắng theo” - chị Phường bộc bạch. Nhân công làm cá tại vựa của chị Phường cũng có những ngày làm việc kéo dài từ sáng đến tối. Chị Bé Bảy (nhân công lâu năm) cho biết: “Lâu lâu, có cá nhiều, tôi làm từ 5 giờ sáng đến 8 - 9 giờ tối, có khi được 10kg, thu nhập 300.000 đồng/ngày”. Công việc này dù không đều đặn, nhưng vẫn là nguồn thu quan trọng cho các chị em trong mùa nước nổi.
Khoảng 12 giờ trưa, vợ chồng chị Phường lại tất bật bơm nước vào giỏ bàng, vớt cá từ mùng lưới dưới sông để chuẩn bị giao cho các bạn hàng. Sau khi cân cá xong, chị Hà Thị Phượng, 45 tuổi, nhanh chóng chuẩn bị cá đi tiêu thụ. Chị treo 2 giỏ bàng lớn nặng trĩu, chứa đầy nước bơm sẵn ô-xy và khoảng 20kg cá linh lên xe Honda di chuyển qua các xã lân cận để bán lẻ. “Bán chút xíu là hết” - chị Phượng vui vẻ chia sẻ. Công việc bán cá chỉ diễn ra trong mùa nước, nhưng mỗi ngày chị Phượng cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng, đủ để trang trải cuộc sống...
BÍCH GIANG
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/phu-nu-nong-thon-muu-sinh-mua-lu-a405582.html