Phụ nữ Singapore chọn sống 'không đàn ông'

Phụ nữ Singapore chọn sống 'không đàn ông'
10 giờ trướcBài gốc
Ngày càng nhiều phụ nữ trẻ châu Á chủ động rẽ lối, không còn đi theo lộ trình hẹn hò truyền thống. Ảnh: cottonbro studio/Pexels.
Trong nhiều năm, phụ nữ trẻ Singapore thường đi theo một lộ trình quen thuộc: học tập chăm chỉ, xây dựng mối quan hệ ổn định, đăng ký mua nhà công, kết hôn và sinh con. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người chọn một hướng đi khác, ưu tiên sự nghiệp, đam mê cá nhân và lối sống độc lập, SCMP đưa tin.
Khi phụ nữ chọn hạnh phúc ngoài hôn nhân
Ở tuổi 30, Candace có công việc đòi hỏi cô liên tục di chuyển giữa Berlin (Đức) và Hong Kong (Trung Quốc). Với lịch trình bận rộn, hẹn hò không phải là ưu tiên hàng đầu của cô.
"Tôi trân trọng sự tự do, có thể đi bất cứ đâu và làm bất cứ điều gì mình muốn. Công việc và cuộc sống đã buộc tôi phải cân nhắc đến suy nghĩ, cảm xúc của nhiều người - từ sếp, đồng nghiệp đến gia đình - nên việc không phải gánh thêm kỳ vọng từ một mối quan hệ cá nhân là một lợi thế", Candace, phó chủ tịch phụ trách vận hành thương mại tại một công ty startup, chia sẻ.
Trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa tại Singapore bắt đầu hẹn hò từ thời đại học và sớm ổn định cuộc sống, Candace lựa chọn ưu tiên trải nghiệm và khám phá. Cô muốn đi đến những nơi mình mơ ước trước khi nghĩ đến chuyện kết hôn.
Tỷ lệ sinh tại Singapore chạm mức thấp kỷ lục 0,97 vào năm 2023, lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng 1,0. Ảnh: Reuters.
Đối với Tessa (27 tuổi), quyết định tạm rời xa chuyện hẹn hò xuất phát từ những trải nghiệm không như mong đợi. Sau nhiều cuộc gặp gỡ không thành công và những lần bị "ngó lơ" (ghosting), cô bắt đầu nhìn nhận lại khái niệm hạnh phúc, tách biệt khỏi khuôn mẫu hôn nhân truyền thống.
"Tôi cảm thấy hạnh phúc khi sống một mình và ưu tiên sức khỏe tinh thần của bản thân. Vậy tại sao tôi phải hy sinh nó cho một người đàn ông không phù hợp?", cô chia sẻ.
Kể từ khi dừng hẹn hò, Tessa dành nhiều thời gian hơn cho sự nghiệp trong ngành truyền thông và tìm kiếm cơ hội làm việc ở nước ngoài.
"Tôi không còn cảm thấy áp lực phải tuân theo một lộ trình cố định trong tình yêu. Điều đó mang lại cho tôi cảm giác tự do thực sự. Khi gạt bỏ suy nghĩ rằng kết hôn và sinh con là điều bắt buộc, tôi nhận ra cuộc sống có thể mở ra nhiều cơ hội mới", cô chia sẻ.
Candace và Tessa đại diện cho nhóm phụ nữ trẻ có học vấn cao đang gia tăng tại châu Á, những người chọn không đi theo lộ trình truyền thống trong chuyện tình cảm, tạm gác hẹn hò và hướng đến lối sống "boy sober" (tạm dịch: tỉnh táo trước đàn ông).
Cuộc nổi dậy thầm lặng
Xu hướng này không chỉ xuất phát từ những trải nghiệm hẹn hò không như ý hay nhu cầu chăm sóc bản thân. Theo các nhà xã hội học và chuyên gia hẹn hò, đây còn là một phản ứng trước các chuẩn mực xã hội và áp lực cảm xúc mà phụ nữ thường đối mặt trong các mối quan hệ.
"Chứng kiến mẹ mình vừa lo công việc, vừa gánh vác phần lớn trách nhiệm gia đình mà ít được ghi nhận, nhiều phụ nữ cảm thấy hoài nghi về việc đàn ông có thể là người bạn đời thực sự bình đẳng. Thay vì trông chờ vào hôn nhân, họ dần tin rằng hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống không nhất thiết phải phụ thuộc vào điều đó", Kalpana Vignehsa, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Singapore, nhận định.
Lượng người dùng hoạt động trên các ứng dụng hẹn hò đã sụt giảm đáng kể trong những năm gần đây. Ảnh: dpa.
Xu hướng "boy sober" bắt đầu nổi lên từ năm ngoái, sau khi nữ danh hài Mỹ Hope Woodward giới thiệu thuật ngữ này. Cô chia sẻ về hành trình một năm không hẹn hò và không quan hệ tình dục, xem đây như một cách chăm sóc bản thân và khẳng định quyền tự chủ. Trào lưu này nhanh chóng lan rộng trên mạng xã hội và trở thành một hiện tượng văn hóa.
Xu hướng thờ ơ với hẹn hò không chỉ diễn ra ở Mỹ mà còn lan rộng trên toàn cầu. Theo The Economist, lượng người dùng hoạt động hàng tháng trên 6 ứng dụng hẹn hò lớn nhất (ngoài Trung Quốc) đã giảm từ 154 triệu vào năm 2021 xuống còn 137 triệu vào năm ngoái. Riêng tại Anh, Tinder, Bumble và Hinge đã mất tổng cộng 1,1 triệu người dùng kể từ năm 2023.
Tại châu Á, xu hướng "boy sober" có nhiều biến thể khác nhau. Ở Hàn Quốc, phong trào nữ quyền cấp tiến "4B" đã xuất hiện từ năm 2019, khuyến khích phụ nữ từ chối 4 khía cạnh truyền thống: hẹn hò, quan hệ tình dục, kết hôn và sinh con.
Tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc hiện ở mức thấp nhất thế giới và vẫn tiếp tục giảm, chạm mức kỷ lục 0,78 vào năm 2023. Con số này thấp hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu là 2,3.
Nhật Bản cũng đối mặt với xu hướng tương tự khi áp lực kinh tế, xã hội khiến giới trẻ ngày càng "quay lưng" với hẹn hò và hôn nhân. Tỷ lệ sinh tại nước này giảm xuống còn 1,2 vào năm 2023, đánh dấu năm thứ tám liên tiếp sụt giảm.
Singapore cũng ghi nhận tỷ lệ sinh giảm xuống mức kỷ lục 0,97 vào năm 2023, lần đầu tiên rơi dưới ngưỡng 1,0.
Độc thân là sự lựa chọn
Một cuộc khảo sát năm 2024 của Viện Nghiên cứu Chính sách Singapore cho thấy 40% phụ nữ trong độ tuổi 21-34 không có ý định kết hôn. So với nam giới cùng nhóm tuổi, tỷ lệ phụ nữ không quan tâm đến hôn nhân cao hơn 17%, và mức độ kỳ vọng vào việc sinh con cũng thấp hơn 12%.
Vignehsa nhận định rằng tại những quốc gia phát triển như Singapore, hôn nhân không còn là điều kiện bắt buộc để có một cuộc sống trọn vẹn, và phụ nữ ngày nay ít chịu áp lực xã hội hơn nếu chọn sống độc thân.
Phụ nữ Singapore chọn sống độc thân, không xem hôn nhân là điều kiện tất yếu để có một cuộc sống trọn vẹn. Ảnh: cottonbro studio/Pexels.
Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ lo ngại về sự bất bình đẳng trong việc nuôi dạy con. Họ thường gánh vác phần lớn trách nhiệm chăm sóc con cái và đối mặt với nguy cơ gián đoạn sự nghiệp khi nghỉ thai sản.
"Với phụ nữ, hôn nhân mang lại nhiều rủi ro hơn so với đàn ông, đặc biệt khi họ có con", Vignehsa nhận xét.
Tan Poh Lin, nghiên cứu viên cao cấp tại viện, cho biết ngày càng nhiều phụ nữ mong muốn đóng góp nhiều hơn vào thu nhập gia đình, điều này đồng nghĩa với áp lực gia tăng trong việc theo đuổi thành tích học tập và kinh tế.
"Mặc dù dữ liệu khảo sát cho thấy cả nam và nữ đều có xu hướng ủng hộ bình đẳng giới trong gia đình, nhưng vẫn tồn tại những quan niệm mang tính khuôn mẫu, khiến phụ nữ mặc nhiên gánh vác phần lớn công việc nhà và các trách nhiệm không được trả lương", Tan nhận định.
Hiện tượng này không chỉ diễn ra ở châu Á, nhưng theo Vignehsa, Hàn Quốc có thể là một trong những nơi đầu tiên ghi nhận xu hướng này.
"Đây có thể là cách phụ nữ phản ứng khi họ nhận thấy các mối quan hệ tình cảm không mang lại cho họ cuộc sống ý nghĩa như mong muốn", bà nói.
Sự chia rẽ về tư tưởng
Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ xu hướng này. Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Ipsos, gần 1/2 số người tham gia tại Singapore cho rằng nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới đang khiến đàn ông bị phân biệt đối xử. Quan điểm này phổ biến hơn ở nam giới (60%) so với nữ giới (29%).
"Đây là một tín hiệu đáng lo ngại, phản ánh quan điểm rằng bình đẳng giới là một cuộc giằng co, khi bất kỳ sự hỗ trợ nào dành cho phụ nữ trong công việc đều bị xem là làm giảm cơ hội của nam giới", Michelle Ho, trợ lý giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận xét.
Người dân tập trung tại một cuộc mít tinh nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ do Liên hiệp Hiệp hội Phụ nữ Hàn Quốc tổ chức vào ngày 4/3/2023, bên ngoài Tòa thị chính Seoul. Ảnh: Kang Chang-kwang/The Hankyoreh.
Nghiên cứu của bà, cùng với trợ lý nghiên cứu Wi En Ng, phân tích các cuộc thảo luận trên Reddit về khảo sát của Ipsos, cho thấy ngày càng nhiều nam giới tin rằng bình đẳng giới là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh giảm.
Ho cho biết một số nam giới lo ngại việc họ không còn tiếng nói trong quyết định sinh con, điều này có thể khiến nhiều phụ nữ trẻ ngần ngại hẹn hò, đặc biệt khi vẫn có người chỉ nhìn nhận phụ nữ qua vai trò sinh sản.
Bà nhấn mạnh các cuộc tranh luận về bình đẳng giới đang ngày càng gay gắt. Nhiều nam giới coi đây là cuộc cạnh tranh xem ai chịu thiệt thòi hơn, thay vì tìm kiếm giải pháp chung cho những bất bình đẳng trong xã hội.
Ho cảnh báo rằng nếu không có sự điều chỉnh, khoảng cách tư tưởng về giới có thể ngày càng gia tăng, tương tự như tình trạng phân cực đã xảy ra ở Hàn Quốc. Bà kêu gọi các cuộc thảo luận nên vượt ra khỏi tư duy "được - mất" và tập trung vào những giải pháp mang tính xây dựng, nhằm giải quyết các vấn đề giới một cách toàn diện.
Tuy nhiên, không phải phụ nữ nào cũng từ chối hôn nhân. Chen Meihui, trưởng bộ phận truyền thông khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ứng dụng hẹn hò Bumble, cho biết nhiều phụ nữ ngày nay vẫn tìm kiếm tình yêu nhưng với cách tiếp cận có chọn lọc và chủ đích hơn.
"Phụ nữ không quay lưng với hẹn hò, họ chỉ cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn một mối quan hệ thực sự phù hợp", Chen nhận định.
Tường Uyên
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/phu-nu-singapore-chon-song-khong-dan-ong-post1532981.html