Phụ nữ xóm Sỏi, xã Hà Châu (Phú Bình), thực hiện tốt các tiêu chí trong Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" góp phần xây dựng nông thôn mới.
Nhiều hoạt động thực hiện tiêu chí môi trường
Cứ vào sáng Chủ nhật hằng tuần, các hội viên phụ nữ xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc (Định Hóa), lại tập trung cùng nhau dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm và sân nhà văn hóa. Nhờ đó, những con đường vào xóm phong quang, sạch sẽ, môi trường sống ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Chị Nguyễn Thị Hoa, người dân trong xóm: Mỗi gia đình chúng tôi đều cam kết giữ vệ sinh xung quanh nhà ở, không nuôi nhốt gia súc, gia cầm gần khu vực sinh hoạt. Đồng thời thường xuyên lau dọn, sắp xếp nhà cửa, phân loại rác thải, hạn chế sử dụng túi nilon... Bản thân tôi đã hiểu và thấy được hiệu quả từ các nội dung quan trọng trong thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch".
Cùng với chị Hoa, hàng trăm nghìn hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng Cuộc vận động. Hiện nay, các tiêu chí chính của Cuộc vận động cũng là nội dung của tiêu chí 17 trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), gồm các tiêu chí thành phần về: Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tắm, nhà tiêu, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ).
Gia đình bà Ngô Thị Thế, xóm Đồng Lưa, xã Thượng Đình (Phú Bình), thực hiện tốt việc phân loại rác thải sinh hoạt gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Bà Hứa Thị Châu Giang, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh: Để triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Hội xác định tiếp tục tập trung thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, tại các địa bàn NTM. Trong đó, chú trọng xây dựng mô hình phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời, nhân rộng mô hình xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp tại cơ sở. Từ đó, nâng cao ý thức tự giác, giúp thay đổi hành vi của chị em phụ nữ và người dân trong việc thực hiện phân loại xử lý rác thải tại nguồn, giữ gìn bảo vệ môi trường.
Hội LHPN các cấp cũng tổ chức truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên; hướng dẫn thu gom phân loại, xử lý rác thải; trực tiếp hướng dẫn cách làm men vi sinh IMO để xử lý rác hữu cơ tại gia đình cho 500 hộ gia đình trên toàn tỉnh. Hội cũng cấp trên 500 thùng ủ rác, nắp hố đựng rác hữu cơ, men gốc vi sinh để xử lý rác cho một số gia đình thực hiện điểm về “Thu gom, phân loại, xử lý rác thải rắn”…
Qua đó, năm 2024, toàn tỉnh có thêm 5.127 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, nâng tổng số hộ đạt 8 tiêu chí Cuộc vận động đến nay là 215.623 hộ. Toàn tỉnh đã có gần 10.000m đường cây xanh được chị em trồng và chăm sóc, góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp.
Quan tâm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế
Xác định hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hằng năm, Hội LHPN tỉnh đã triển khai nhiều chương trình giúp đỡ về nguồn vốn và kinh nghiệm sản xuất. Các cấp hội cơ sở phát huy vai trò nòng cốt trong việc định hướng, hướng dẫn hội viên phát triển kinh tế, tạo mọi điều kiện để hội viên đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Với sự hỗ trợ của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ, nhiều phụ nữ xã Lâu Thượng (Võ Nhai) đã có thu nhập ổn định từ nghề móc tóc giả.
Hằng năm, các cấp Hội đều tổ chức khảo sát đời sống, nhu cầu của hội viên phụ nữ về phát triển kinh tế gia đình. Qua đó, đánh giá, phân loại hộ gia đình hội viên nghèo, tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng tích cực tìm hiểu, nghiên cứu các mô hình sản xuất mới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và khả năng tham gia của hội viên phụ nữ để tập trung phát triển. Đồng thời, vận động chị em tham gia phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế bền vững”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, thực hiện tốt những chủ trương về phát triển kinh tế hộ gia đình…
Trong thực hiện tiếp cận tín dụng, thực hành tiết kiệm, Hội LHPN tỉnh tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu hoạt động ủy thác trong các hội, đoàn thể, tạo điều kiện hỗ trợ hội viên vay phát triển sản xuất, tăng thu nhập.
Tính đến nay, tổng các nguồn vốn do Hội quản lý là 3.515 tỷ đồng cho 44.971 lượt hội viên, phụ nữ vay. Các cấp Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên phối hợp tổ chức được 90 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho 8.550 hội viên, phụ nữ tham gia. Đồng thời, 8.978 lao động nữ được tham gia các lớp đào tạo nghề, trong đó có 7.457 phụ nữ được giới thiệu việc làm sau đào tạo. Năm 2024, các cấp Hội đã hỗ trợ được 770 hộ do phụ nữ làm chủ vươn lên thoát nghèo và rất nhiều phụ nữ có thêm điều kiện phát triển kinh tế hộ.
Nỗ lực của các cấp Hội LHPN đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện tiêu chí của chương trình NTM của tỉnh Thái Nguyên. Đến nay, toàn tỉnh đã có 118/126 xã đạt chuẩn NTM, 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, bình quân mỗi xã đạt 18,6 tiêu chí, không còn xã dưới 10 tiêu chí; có 3 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 3 huyện đạt chuẩn NTM...
Thu Hà