Phụ nữ trong phong trào 'Ba đảm đang': làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn cho tiền tuyến miền Nam

Phụ nữ trong phong trào 'Ba đảm đang': làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn cho tiền tuyến miền Nam
12 giờ trướcBài gốc
Tỏa ra phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vựctừ "Ba đảm đang"
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Ủy viên Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, với tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, ngay từ đầu năm 1965, khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, Hội Phụ nữ huyện Đan Phượng đã đề xuất phong trào “Ba nhiệm vụ”, trong đó xác định nhiệm vụ mới của phụ nữ địa phương gồm: gánh vác thêm phần việc lao động của chồng con, anh em, hoàn thành mọi nhiệm vụ sản xuất ở địa phương để chồng, con, anh em yên tâm sẵn sàng chiến đấu; khuyến khích chồng con, anh em gia nhập bộ đội hoặc tiếp tục ở lại bộ đội chiến đấu cho đến ngày không còn một tên Mỹ trên đất nước ta; tích cực tham gia mọi công tác chính quyền, đoàn thể, bảo vệ trị an, phục vụ chiến đấu ở địa phương, sẵn sàng gia nhập quân đội, chiến đấu khi Tổ quốc cần.
Từ phong trào "Ba đảm đang" đã tỏa ra phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực sản xuất và chiến đấu - Ảnh tư liệu
Trên cơ sở phong trào “Ba nhiệm vụ” của phụ nữ Đan Phượng, Ban Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đề xuất với Trung ương Đảng phát động phong trào “Ba đảm nhiệm”, được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm gợi ý đổi tên thành “Ba đảm đang” với các nội dung: đảm đang sản xuất, công tác thay thế chồng, con đi chiến đấu; đảm đang công việc gia đình để chồng con yên tâm chiến đấu; đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết. Chỉ hơn 1 tháng sau khi Trung ương Hội Phụ nữ ra lời kêu gọi, riêng ở Hà Đông và Sơn Tây đã có 158.246 phụ nữ đăng ký “Ba đảm đang”.
Với trung tâm là phong trào “Ba đảm đang”, các tầng lớp phụ nữ miền Bắc tỏa ra trong các phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực sản xuất và chiến đấu. Phụ nữ nông dân “Tay cày, tay súng”, coi “ruộng rẫy là chiến trường”, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Phụ nữ công nhân “Tay búa, tay súng”, ra sức thi đua “năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều”.
Trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục, từ những cô giáo mầm non đến những giảng viên trên giảng đường đại học thi đua “Dạy tốt, học tốt”. Với phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, các nữ văn nghệ sĩ không quản ngại khó khăn, gian khổ và hy sinh đưa tiếng hát đến tận nhà máy, ruộng đồng, trận địa; các nữ y, bác sỹ bám trận địa, kịp thời cứu thương cho bộ đội. Trên mặt trận giao thông vận tải, những đơn vị nữ thanh niên xung phong ngày đêm đi mở đường...
"Trong những năm kháng chiến kháng chiến chống Mỹ, phong trào thi đua của toàn dân trong đó có phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ đã góp phần làm cho miền Bắc vững mạnh, vừa đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, vừa hoàn thành nghĩa vụ là hậu phương lớn của chiến trường miền Nam" - PGS.TS Nguyễn Văn Nhật nêu rõ.
Từ năm 1965 đến 1974, phong trào “Ba đảm đang” toàn miền Bắc đã có 42 nữ anh hùng, 9 đơn vị nữ anh hùng được tôn vinh; 1.718 chị em được tặng thưởng huy hiệu Bác Hồ; trên 5.000 chị em là chiến sỹ thi đua toàn quốc, gần 4 triệu hội viên đạt danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang”.
Trong kháng chiến chống Mỹ, phụ nữ toàn miền Bắc đã hăng hái tham gia sản xuất, chiến đấu, đảm nhiệm tốt vai trò là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam - Ảnh tư liệu
Thaynam giới làm chủ ruộng đồng
Nói về những đóng góp của phong trào "Ba đảm đang" trong kháng chiến chống Mỹ, Thạc sỹ Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết, trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, hàng triệu phụ nữ nông dân đã vươn lên đảm đang thay nam giới làm chủ ruộng đồng, tích cực học tập và áp dụng thành thạo kỹ thuật mới, hăng hái học cày, học bừa, sử dụng các loại công cụ cải tiến và cơ khí nhỏ.
Trong các hợp tác xã, phụ nữ chiếm trên 60%, có nơi lên tới 80-90% tổng số lao động nông nghiệp, 80% đội khoa học kỹ thuật ở hợp tác xã là nữ thanh niên. Ở những nơi chiến sự xảy ra ác liệt như Quảng Bình cũng có 3.000 nữ kỹ thuật viên. Thi đua với Thái Bình, tỉnh đầu tiên trên miền Bắc đạt mục tiêu 5 tấn thóc/ha, đến năm 1972, đã có 3.768 hợp tác xã đạt mục tiêu, tăng gấp 5 lần so với năm 1965. Trong phong trào, xuất hiện nhiều phụ nữ điển hình, tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa. Có 675 đội sản xuất nông nghiệp và 165 đội thủy lợi đa số là nữ được tặng danh hiệu “tổ lao động xã hội chủ nghĩa".
Trên các công trường, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, chị em tích cực tham gia phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động như nữ công nhân nhà máy Dệt 8/3; tổ sợi I máy nhỏ ca A nhà máy Dệt Nam Định. Sản xuất trong điều kiện bị đánh phá ác liệt nhưng chị em vẫn đứng vững vị trí sản xuất, với khẩu hiệu “Tim có thể ngừng đập, máy không thể ngừng chạy”, hàng chục vạn nữ công nhân phát huy truyền thồng yêu nước, đảm đang bám sát vị trí sản xuất.
Phụ nữ ngành y tế khắc phục mọi khó khăn góp phần xây dựng mạng lưới phòng bệnh, chữa bệnh. Đến năm 1975 toàn miền Bắc đã có 442 bệnh viện, 645 bệnh xá, 5.587 trạm y tế và nhà hộ sinh. Số nữ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ trung cấp, đại học và trên đại học tăng nhanh...
Thực hiện “tay búa, tay súng”, “tay cày, tay súng”, phụ nữ tham gia đông đảo vào lực lượng dân quân và tự vệ chiến đấu đóng góp vào công tác phòng không nhân dân, bảo vệ trật tự trị an, cứu thương, tải đạn, phá gỡ bom mìn, trực tiếp chiến đấu... Có 20 đơn vị nữ dân quân tự vệ đã độc lập tác chiến bắn rơi 28 máy bay Mỹ.
Bên cạnh đó, hàng chục vạn nữ thanh niên tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước. Thực hiện lời thề “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, chị em trong các đơn vị giao thông vận tải, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến sẵn sàng xả thân bảo vệ huyết mạch giao thông của Tổ quốc.
Từ năm 1965 đến 1974, phong trào “Ba đảm đang” toàn miền Bắc đã có 42 nữ anh hùng, 9 đơn vị nữ anh hùng được tôn vinh; gần 4 triệu hội viên đạt danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang” - Ảnh tư liệu
Khắp nơi, phụ nữ tham gia công tác giao thông nhân dân, bảo vệ, sửa chữa cầu đường, san lấp hố bom, vận chuyển, cất giấu hàng hóa, nêu cao khẩu hiệu “xe chưa qua, nhà không tiếc”, tự tay dỡ nhà mình để mở đường cho xe, pháo đi…
Tiêu biểu là 10 cô gái ở Tiểu đội Thanh niên xung phong Ngã Ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh); những cô gái dân quân Lam Hạ; tổ cầu đường Trần Thị Lý ở Quảng Bình và các nữ chiến sĩ tiểu đội 9, đại đội 814 bảo đảm tốt giao thông dưới làn bom đạn; những đóng góp của các nữ tự vệ dân quân, các đội cứu thương, tiếp tế, cứu sập… trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần làm nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không” của quân dân Hà Nội cuối năm 1972…
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội Lê Kim Anh, qua phong trào “Ba đảm đang”, phụ nữ Hà Nội cùng phụ nữ và Nhân dân miền Bắc đã làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn đối với tiền tuyến miền Nam, xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang chống Mỹ cứu nước”, góp phần vào đại thắng Mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 60 năm đã trôi qua nhưng dấu ấn của phong trào “Ba đảm đang” mãi là niềm tự hào của phụ nữ, Nhân dân Thủ đô và cả nước.
Phong Châu
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/phu-nu-trong-phong-trao-ba-dam-dang-lam-tron-nhiem-vu-hau-phuong-lon-cho-tien-tuyen-mien-nam.689366.html