Ca sĩ Britney Spears tại lễ trao giải VMA năm 2000. Ảnh: FX.
Trong cuốn sách Girl on Girl, tác giả Sophie Gilbert đã thực hiện một cuộc điều tra về những thiên kiến giới tính sâu sắc đã được gieo mầm và nuôi dưỡng bởi văn hóa đại chúng từ cuối những năm 1990 đến đầu thập niên 2000. Với cách tiếp cận toàn diện, Gilbert đem đến một góc nhìn mới về một thời kỳ văn hóa đã qua và chỉ ra những tổn thương ngầm nhưng nghiêm trọng mà thời kỳ ấy đã gây ra cho phụ nữ. Đặc biệt là những cô gái trẻ lớn lên trong giai đoạn đó.
Theo bà Gilbert, những gì được xem là "bình thường" hay "giải trí" thực chất là một chuỗi các thông điệp méo mó, củng cố định kiến giới và làm xói mòn giá trị thật sự của nữ giới trong xã hội.
Sự độc hại ẩn sâu trong hình tượng nữ thời kỳ Y2K
Vật thể hóa bản thân (self-objectification) là khi một người, đặc biệt là phụ nữ, nhìn bản thân chủ yếu qua lăng kính ngoại hình, coi cơ thể mình như một đối tượng để người khác nhìn ngắm, đánh giá và khao khát. Điều này thường bắt nguồn từ việc bị xã hội, truyền thông và văn hóa đại chúng liên tục áp đặt các tiêu chuẩn vẻ đẹp và vai trò giới tính cứng nhắc.
Cuốn sách Girl on Girl. Ảnh: Amazon.
Trong những năm 2000, nhiều sản phẩm văn hóa như video ca nhạc, phim ảnh, truyền hình thực tế cổ súy cho hình ảnh người phụ nữ "gợi cảm", "dễ chịu với nam giới", và khiến phụ nữ tin rằng nếu họ tự nguyện thể hiện cơ thể mình theo cách gợi dục thì đó là biểu hiện của sự mạnh mẽ, độc lập, trao quyền cho chính mình.
Tuy nhiên, tác giả Sophie Gilbert cho rằng đó là một ngụy biện. Việc phụ nữ tự trình diễn theo cách mà xã hội mong muốn không phải là hành động giải phóng, thực chất, họ đang bị cuốn vào một hệ thống thiên kiến giới tính, trong đó giá trị của họ chỉ được công nhận khi đáp ứng được sự kỳ vọng về hình thức bên ngoài. Họ tưởng mình đang nắm quyền kiểm soát, nhưng thật ra đang bị thao túng bởi những chuẩn mực đã được áp đặt từ trước.
Những hình tượng nữ tính trong văn hóa Y2K từ Britney Spears, Christina Aguilera đến Jessica Simpson, được xây dựng quanh hình ảnh những cô gái trẻ, dễ uốn nắn, gợi cảm theo khuôn mẫu, nhưng hoàn toàn thiếu tiếng nói và lập trường cá nhân. Việc thay thế những biểu tượng nữ mạnh mẽ và có chính kiến như Madonna hay Janet Jackson bằng các ngôi sao tuổi teen “hiền lành” không phải là sự tiến hóa văn hóa, mà là một bước lùi làm suy yếu sức ảnh hưởng của phụ nữ trong âm nhạc và công chúng.
Bóc trần thực trạng thiên kiến giới tính
Trong lĩnh vực điện ảnh, Gilbert chỉ ra sự biến mất dần của thể loại phim tình cảm hài lãng mạn, vốn từng mang lại không gian cho các nhân vật nữ phát triển, nhường chỗ cho loạt phim hài về tình dục tuổi teen hoặc các “bromance” dành cho nam giới như American Pie hay The Hangover. Trong những bộ phim này, phụ nữ chỉ xuất hiện như những đối tượng gợi dục, hoặc là những nhân vật phụ tiêu cực như “mụ vợ đanh đá” hay “gái lẳng lơ” hoàn toàn không có chiều sâu.
“Điện ảnh thập niên 2000 căm ghét phụ nữ. Thậm chí, có những hình tượng nữ được tạo ra để mọi người ghét họ", tác giả Sophie Gilbert nhận xét trong cuốn sách của mình.
Các nhân vật nữ trong những bộ phim điện ảnh nổi tiếng năm 2000. Ảnh: Movie Web.
Không dừng lại ở đó, tác giả Gilbert phân tích sự trỗi dậy của các chương trình truyền hình thực tế và chương trình “lột xác” (makeover shows) như một hình thức tàn nhẫn hóa sự tự hoàn thiện. Những chương trình này gửi đến phụ nữ thông điệp rằng họ phải luôn thay đổi để phù hợp với kỳ vọng của người khác hơn là sống đúng với mong muốn cá nhân. Từ đây, khái niệm về vẻ đẹp, giá trị và sự thành công của nữ giới bị bóp méo thành một cuộc chạy đua để trở thành phiên bản hoàn hảo trong mắt nam giới.
Tác giả Girl on Girl cũng đặt ra một mối liên hệ đáng lo ngại giữa sự phát triển của công nghệ với việc phụ nữ buộc phải định hình bản thân theo ánh nhìn của xã hội. Khi mạng xã hội và công nghệ kỹ thuật số phát triển, đặc biệt trong thập niên 2000, phụ nữ bắt đầu sống song song giữa bản thể thật và bản thể được xây dựng trên nền tảng số. Họ phải liên tục đánh giá xem hình ảnh của mình có đang “được ưa chuộng” hay không và điều chỉnh bản thân cho phù hợp. “Lịch sử đương đại của công nghệ được ghi dấu trên chính cơ thể phụ nữ", bà Sophie Gilbert viết.
Từ những dẫn chứng trên, tác giả cho thấy rằng văn hóa đại chúng không hề là thứ tách rời khỏi đời sống xã hội hay chính trị, mà ngược lại, nó phản ánh và định hình cách phụ nữ bị đối xử. Dù câu chuyện được trình bày trong tác phẩm Girl on Girl có phần tiêu cực, nhưng tác giả Gilbert cũng nhận thấy rằng ngày nay, phụ nữ đã có được ngôn ngữ và sự hoài nghi mà trước đây họ không có. Nhận thức rõ được thiên kiến giới tính không chỉ giúp bóc trần thực trạng, mà còn là bước đầu để kháng cự nó.
Đức Huy