(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh và bối cảnh tại vườn, hoặc bên hiên nhà, nhiều phụ nữ đồng bào Ca Dong ở vùng cao Sơn Tây đã đưa các loại nông sản do gia đình và người dân quê mình sản xuất đến với người tiêu dùng, mở ra hướng đi mới trong tiêu thụ hàng hóa.
Những năm gần đây, các hộ gia đình ở xã Sơn Long đã trồng được nhiều loại nông sản chất lượng, nhưng việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, do đường sá xa xôi. Năm 2024, được sự hỗ trợ của hội LHPN các cấp, 15 phụ nữ Ca Dong ở xã Sơn Long đã tham gia Tổ hợp tác sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi xã Sơn Long. Các chị cùng làm, chia sẻ kỹ thuật canh tác, giúp giảm rủi ro trong sản xuất và gắn kết tiêu thụ sản phẩm. Cũng từ đây, việc bán nông sản qua các nền tảng mạng xã hội bắt đầu được triển khai.
Chị Đinh Thị Thu Nguyệt là thành viên được chọn để tiếp cận, học hỏi công nghệ và triển khai livestream bán các loại nông sản. Ban đầu, do chưa quen, chị Nguyệt gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu tự tin khi đối mặt với rất nhiều người khi livestream trực tiếp. Chị Nguyệt chia sẻ, thời gian đầu livestream không có mấy người xem và cũng không ai đặt hàng nên rất chán nản, nhưng được bạn bè ủng hộ nên dần dần tôi trở nên tự tin hơn. Từ những đơn hàng nhỏ lẻ, đến nay tôi đã có những đơn hàng lớn. Khách hàng của tôi bây giờ không chỉ trong huyện mà còn ở nhiều địa phương khác.
Chị Đinh Thị Thu Nguyệt (bên trái), ở xã Sơn Long (Sơn Tây), trong một phiên livestream bán hàng.
Bằng những kinh nghiệm có được, chị Nguyệt đã nhiệt tình hướng dẫn lại cho các chị em trong tổ hợp tác cách thực hiện một phiên livestream, từ cách nói chuyện, giới thiệu sản phẩm, cho đến cách sử dụng công nghệ. Đặc biệt là quay video giới thiệu sản phẩm ngay tại vườn, livestream quy trình chăm sóc các loại nông sản qua mạng xã hội...
Cách bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội do chị Nguyệt hướng dẫn đã mang lại hiệu quả tích cực cho chị Đinh Thị Hồng và nhiều phụ nữ ở xã Sơn Long. Gia đình chị Hồng trồng gần 800 cây ổi, chuối, bưởi, sầu riêng. Trong đó, ổi đã cho thu hoạch 2 năm nay, còn bưởi vừa thu hoạch vụ đầu tiên. Các năm trước, chị Hồng chỉ bán nhỏ lẻ cho người dân trong vùng, thu nhập không nhiều. Từ khi tham gia tổ hợp tác sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi tại địa phương, chị học được cách bán hàng qua mạng xã hội nên nông sản của gia đình được tiêu thụ mạnh. Trái cây sau khi thu hoạch, chị chụp hình, đăng Facebook và livestream để bán, chứ không cần mang đến chợ.
“Trước kia có chụp hình đăng lên Facebook nhưng do chưa biết cách chụp nên không đẹp, bây giờ nhờ chị Nguyệt hướng dẫn cách chụp hình, quay video nên hình ảnh đẹp, rõ nét, thu hút nhiều người xem”, chị Hồng tâm sự.
Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Long Phạm Thị Trinh Nữ cho biết, thời gian gần đây, hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã dần biết sử dụng công nghệ thông tin, điện thoại thông minh để đăng tải hình ảnh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Các chị kết nối giới thiệu, quảng bá hàng nông sản của người dân tại địa phương. Qua đó, không chỉ giúp người dân tiêu thụ được sản phẩm, mà chị em ngày càng tự tin, năng động để hội nhập. Nhiều sản phẩm làm ra không đủ cung ứng cho khách hàng, nên chị em đã mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất hội LHPN cấp trên tổ chức thêm các lớp tập huấn, giúp phụ nữ địa phương nâng cao kỹ năng bán hàng trên mạng.
Với sự mạnh dạn, tự tin ứng dụng công nghệ số, livestream bán hàng qua mạng xã hội của phụ nữ Ca Dong ở huyện Sơn Tây đã mở ra hướng đi mới trong tiêu thụ nông sản ở vùng cao, giúp nông dân mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập.
Bài, ảnh: AN NHIÊN