Phú Thọ, Ninh Bình, Lâm Đồng: Nắm bắt cơ hội vàng để phát triển du lịch

Phú Thọ, Ninh Bình, Lâm Đồng: Nắm bắt cơ hội vàng để phát triển du lịch
16 phút trướcBài gốc
Phú Thọ mới - trung tâm du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng
Trước đây các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình có điểm chung là thị trường khách du lịch từ Hà Nội chiếm phần lớn, du lịch chịu tính mùa vụ rõ rệt. Với các thế mạnh khác nhau, Phú Thọ có thêm thị phần khách từ các tỉnh phía Nam; còn Hòa Bình, Vĩnh Phúc thu hút được một số phân khúc khách quốc tế. Sau sáp nhập, tỉnh Phú Thọ mới có thể tận dụng sự tương hỗ này để tạo nên những sản phẩm bổ trợ cho nhau, tiếp tục phát triển điểm đến vệ tinh và đa dạng trải nghiệm để kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.
Đồi chè Long Cốc tại Phú Thọ là điểm đến thu hút khách du lịch. Nguồn: Long Cốc Ecolodge
Ông Nguyễn Ngọc Lân - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Thọ cho biết, tỉnh Phú Thọ mới sở hữu hệ sinh thái du lịch đặc sắc: từ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Hát Xoan, Đền Hùng, đến Tây Thiên – Tam Đảo, bản Mường, bản Dao vùng Hòa Bình, đồi chè trung du, các khu sinh thái ven hồ, sân golf đẳng cấp quốc tế, cùng với khí hậu và cảnh quan đa dạng, hấp dẫn.
“Sự hợp nhất 3 tỉnh đã kiến tạo nên một tỉnh Phú Thọ mới với quy mô và tiềm năng vượt trội. Phú Thọ hiện là một trong những tỉnh có diện tích lớn nhất miền Bắc, với địa hình đa dạng từ đồng bằng, trung du đến miền núi. Điều này mang lại lợi thế vô cùng lớn cho việc phát triển nhiều loại hình du lịch, từ du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh đến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao mạo hiểm”, ông Nguyễn Ngọc Lân chia sẻ.
Khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình, nay thuộc tỉnh Phú Thọ.
Trên cơ sở đó, ngành du lịch Phú Thọ sẽ xây dựng các chuỗi sản phẩm du lịch liên kết nội vùng, kết nối các đô thị trung tâm như Vĩnh Yên - Việt Trì - Hòa Bình, với các điểm đến vệ tinh như Phúc Yên, Thanh Thủy, Xuân Sơn, Lương Sơn, Mai Châu... Một số sản phẩm liên kết có thể hình thành tại tỉnh Phú thọ là Hành trình về cội nguồn Đền Hùng - Tây Thiên - đền Thác Bờ; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đại Lải - Tam Đảo - hồ Hòa Bình - suối khoáng Thanh Thủy, Kim Bôi; du lịch cộng đồng bản Dao - bản Lác, bản Pom Coọng - Mai Châu... phù hợp xu hướng “đa điểm đến trong một hành trình”.
Đưa Ninh Bình trở thành điểm đến du lịch 4 mùa
Quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình
Với tỉnh Ninh Bình, việc hợp nhất 3 tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định tạo sức mạnh cộng hưởng đưa điểm đến này để trở thành một trung tâm du lịch hàng đầu Việt Nam, với đầy đủ các loại hình du lịch từ phổ thông đến cao cấp.
Trước đây, Ninh Bình là điểm đến có thương hiệu mạnh trên bản đồ du lịch trong nước và khu vực, là điểm đến quen thuộc của du khách quốc tế. Giờ đây, Ninh Bình sẽ tiếp tục giữ vai trò trung tâm kết nối với Hà Nam và Nam Định để hình thành thương hiệu du lịch tổng hợp, đa sắc thái.
Đền Trần Nam Định, nay thuộc tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Vinh Gấu
Theo đánh giá của ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, với tiềm năng lợi thế và tốc độ phát triển như hiện nay, Ninh Bình mới sẽ trở thành một động lực, cực tăng trưởng du lịch mới của cả nước.
Để làm được điều này, thương hiệu du lịch “Ninh Bình” cần tiếp tục được duy trì và phát triển; kết hợp với hình ảnh các điểm đến du lịch đặc trưng, tiêu biểu của các tỉnh Hà Nam, Nam Định (Tam Chúc - Đền Trần - Phủ Giầy - Biển Thịnh Long - Giao Thủy) để xây dựng một thương hiệu tổng hợp, đa sắc thái, giàu bản sắc, với đặc trưng là điểm đến du lịch 4 mùa với nhiều loại hình, sản phẩm du lịch từ: văn hóa lịch sử; sinh thái rừng, sinh thái biển tâm linh (Tín ngưỡng thờ Mẫu, Phật Giáo, Công giáo)… Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch dựa vào cộng đồng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt xung quanh các du lịch lớn và vùng ven biển.
Du lịch Lâm Đồng, từ rừng xuống biển
Ga Đà Lạt - điểm check-in nổi tiếng tại tỉnh Lâm Đồng.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, với diện tích lớn nhất cả nước, không gian phát triển du lịch của Lâm Đồng sẽ vô cùng đa dạng từ rừng xuống biển, trong đó nổi bật nhất vẫn là Đà Lạt - trung tâm du lịch hàng đầu cả nước và khu vực, cùng với hồ Tà Đùng, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, Mũi Né, La Gi, đảo Phú Quý...
Theo ông Đặng Quốc Chính - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt, nếu Lâm Đồng trước đây thường cung cấp khoảng 70 sản phẩm, thì giờ đây Lâm Đồng mới mang đến “bữa tiệc trăm món” thịnh soạn và hấp dẫn hơn, thêm cơ hội lựa chọn cho du khách. Sự kết nối 3 địa phương cũ tạo ra sức mạnh và nền tảng chung, tạo thêm nguồn lực, thêm nhiều sản phẩm để Lâm Đồng tự tin chào bán ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên với diện tích rộng lớn, ngành du lịch Lâm Đồng cần sự hỗ trợ từ cải thiện hệ thống giao thông, nâng cấp các tuyến đường kết nối giúp du khách dễ dàng di chuyển và khám phá nhiều điểm đến hơn.
Du khách đón bình minh trên đảo Phú Quý, nay thuộc tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Đoàn Sĩ
“Nếu không có sự hợp lực giữa các địa phương, Lâm Đồng khó có thể tạo ra một thương hiệu chung đủ sức cạnh tranh. Không thể phát triển du lịch một cách đơn lẻ, sự hợp tác giữa các ngành, các điểm đến tại Lâm Đồng sẽ giúp tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng và hấp dẫn hơn, từ đó thu hút nhiều du khách hơn”, ông Đặng Quốc Chính cho biết.
Trong thời gian tới, ngành du lịch Lâm Đồng tiến tới thành lập tổ điều phối liên hiệp các hội du lịch, duy trì kênh trao đổi thông tin và hợp tác thường xuyên. Phát triển chuỗi sản phẩm du lịch liên vùng có thương hiệu chung, kết nối tuyến điểm và chiến dịch truyền thông thống nhất. Tổ chức chung các hoạt động xúc tiến, hội chợ du lịch, hướng đến thị trường quốc tế và nội địa có tiềm năng cao. Chia sẻ dữ liệu, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và quản trị số trong ngành du lịch. Xây dựng bộ tiêu chí “Du lịch phát triển bền vững liên vùng”, làm chuẩn mực chung cho các doanh nghiệp.
Hải Nam/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/du-lich/phu-tho-ninh-binh-lam-dong-nam-bat-co-hoi-vang-de-phat-trien-du-lich-post1213486.vov