Trên nền tảng lịch sử, văn hóa, con người và khát vọng phát triển, 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình đã cho thấy những chuyển đổi đáng kể trong nhiều năm qua. Giai đoạn 2020-2025, kinh tế 3 tỉnh tăng trưởng bình quân 7,5%/năm, vượt mức trung bình của cả nước (6,2%/năm).
Năm 2024, quy mô kinh tế 3 tỉnh đạt 345,6 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 6 cả nước. Dự kiến, năm 2025 đạt 390 nghìn tỷ đồng, gấp 1,56 lần so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người năm 2025 ước đạt hơn 105 triệu đồng, tăng 1,48 lần so với năm 2020. Tổng thu ngân sách nhà nước trong 5 năm dự kiến đạt gần 249 nghìn tỷ đồng; riêng năm 2025 đạt khoảng 54 nghìn tỷ đồng, tăng 8,63 nghìn tỷ đồng so với năm 2020.
Đền Hùng (Phú Thọ) - nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, biểu tượng thiêng liêng của lòng tri ân và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.
Đây là những con số khá ấn tượng. Tuy nhiên, bên cạnh đó là những bài toán cần giải quyết: Tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; kinh tế số chiếm tỷ trọng nhỏ trong GRDP; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ; chất lượng dịch vụ du lịch chưa cao...
Vì vậy, việc hợp nhất 3 tỉnh chính là điều kiện thuận lợi để tái cấu trúc toàn diện mô hình tăng trưởng, mở rộng không gian liên kết, khơi dậy nguồn lực vùng và quốc gia.
Toàn cảnh Công viên Văn Lang, khu vực trung tâm tỉnh Phú Thọ. Ảnh: PHƯƠNG THANH
Theo các chuyên gia kinh tế, việc sáp nhập 3 tỉnh tạo ra một Phú Thọ mới với quy mô dân số, diện tích, GRDP đứng đầu vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Tỉnh Phú Thọ mới tiếp giáp 7 địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội, sân bay quốc tế Nội Bài, vùng đồng bằng sôi động và vùng Tây Bắc giàu tiềm năng. Sự kết hợp đồng bằng - trung du - miền núi giúp Phú Thọ hội đủ sức hút về địa lý, kinh tế, văn hóa.
Phường Hòa Bình, tỉnh Phú Thọ, bên dòng sông Đà huyền thoại. Ảnh: CTV
PGS, TS Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng tư vấn của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: Phú Thọ (mới) có thế và lực mới, nhiều dư địa phát triển, cần tận dụng quy mô làm căn cứ định hình tư duy chiến lược phù hợp với thực tiễn và bối cảnh mới.
Trong khi đó, PGS, TS Ngô Doãn Vịnh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - nay là Bộ Tài chính) khuyến nghị tỉnh Phú Thọ cần phát huy lợi thế so sánh từng vùng, tập trung phát triển các lĩnh vực đặc trưng quy mô lớn, đồng thời khắc phục triệt để các điểm nghẽn hiện hữu.
Thủy điện Hòa Bình (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: CTV
TS Nguyễn Hoàng Hà, Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế-tài chính (Bộ Tài chính) nhấn mạnh: Với GRDP đứng thứ 6 cả nước, vị trí trung tâm liên vùng, tiếp giáp nhiều địa phương lớn, Phú Thọ nên được quy hoạch thành vùng kinh tế động lực đa trung tâm, khai thác tổng hợp không gian đồng bằng - trung du - miền núi. Cần theo đuổi mô hình tăng trưởng đột phá nhưng không gây quá tải cho hạ tầng và nguồn lực xã hội.
Khu vực trung tâm tỉnh Phú Thọ vào một buổi tối ngày cuối tuần. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Tầm nhìn dài hạn đặt ra cho tỉnh Phú Thọ mới hiện nay không chỉ dừng ở việc tổ chức lại hành chính, mà hướng tới một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, logistics, du lịch của vùng trung du miền núi Bắc Bộ và quốc gia.
Tại Hội thảo với chủ đề “Nhận diện tiềm năng và định hướng phát triển tỉnh Phú Thọ sau hợp nhất giai đoạn 2025-2030” được tổ chức trung tuần tháng 6 vừa qua, đồng chí Trần Duy Đông, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết tỉnh đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, định hướng trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030.
Một góc phường Vĩnh Yên, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: CTV
Trong đó: Xây dựng tỉnh Phú Thọ là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của đất nước về công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô, xe máy... thu hút các ngành mới nổi, giá trị gia tăng cao. Lấy khu vực tỉnh Vĩnh Phúc cũ làm trung tâm công nghiệp của tỉnh. Khai thác hiệu quả lợi thế là cầu nối giữa Thủ đô Hà Nội với vùng Tây Bắc, tiếp giáp sân bay Quốc tế Nội Bài. Khai thác lợi thế để xây dựng Phú Thọ thành điểm đến hàng đầu, có thương hiệu, năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, lịch sử gắn với lễ hội, du lịch thể thao...
Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững, sinh thái theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn và giá trị cao gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, văn minh. Tập trung phát triển các vùng động lực, hành lang kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng, khai thác hiệu quả không gian phát triển.
Danh thắng Tây Thiên (Tam Đảo, Phú Thọ), quần thể đền, chùa cổ giữa rừng Tam Đảo mang giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo.
PGS, TS Hoàng Vĩnh Hưng, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) đồng tình với hướng tiếp cận này, nhấn mạnh vai trò của các đô thị và hành lang phát triển động lực, với mục tiêu rõ ràng: Đa trung tâm, đa ngành, tích hợp cao.
Có thể khẳng định, tỉnh Phú Thọ mới có tiềm năng trở thành trung tâm động lực phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Sự hợp nhất này sẽ tạo đà cho liên kết vùng, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng sống cho người dân và phát huy tối đa nội lực địa phương trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Người dân hành hương về Đền Hùng dịp giỗ Tổ 10-3 âm lịch.
Nhìn về tương lai, chủ trương sáp nhập 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình sẽ hợp nhất những tiềm năng, thế mạnh và giá trị tốt đẹp của ba vùng đất, tạo ra nguồn năng lượng để hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng vươn mình, phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo động lực phát triển mới cho toàn vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, kết nối với các khu vực trên toàn quốc và quốc tế.
Thành kính tưởng nhớ các Vua Hùng.
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình ngày 10-6 vừa qua, về tình hình triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương gần đây; việc sắp xếp tổ chức bộ máy của địa phương; công tác quốc phòng, an ninh; thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế và công tác bảo đảm an sinh xã hội, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình là ba vùng đất với ba bản sắc riêng biệt, như ba mạch nguồn văn hóa-lịch sử-con người của dân tộc Việt Nam, đã cùng chảy xuyên suốt qua chiều dài hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước; là cái nôi của nền văn hóa Việt và nay đang hội tụ, gắn kết chặt chẽ trong một không gian phát triển mới đầy triển vọng. Ba tỉnh - ba đặc điểm riêng - đang từng bước hội tụ trong một chỉnh thể thống nhất, hòa quyện về địa lý, lịch sử, văn hóa, dân cư và cơ cấu kinh tế. Sự gắn kết giữa đồng bằng công nghiệp-trung du lịch sử-miền núi sinh thái không chỉ tạo điều kiện thuận lợi về mặt địa giới hành chính, mà còn mở ra cơ hội hình thành một mô hình phát triển đa trung tâm, tích hợp cao, vừa đảm bảo tính kế thừa truyền thống, vừa hướng đến tương lai hiện đại.
Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG