Hội phết “vui ra phết”
Tại hội thảo khoa học về Lễ hội phết Hiền Quan mới đây, các nhà khoa học, nhà quản lý đã “mổ xẻ” Hội phết Hiền Quan từ nhiều khía cạnh. Theo đó, các nghiên cứu văn hóa - lịch sử chỉ ra rằng, Hội phết Hiền Quan nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ và tưởng nhớ nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng là Thiều Hoa công chúa. Gắn liền với lễ hội là trò cướp phết - đây là hoạt động đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa của cộng đồng cư dân bản địa.
Theo các cụ cao niên trong làng, hội phết đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mọi người dân làng Hiền Quan, trong đó trò cướp phết chính là hoạt động diễn lại sự kiện Thiều Hoa công chúa rèn luyện quân sĩ, chuẩn bị dẹp giặc Hán xâm lược. Trước ngày lễ hội (12 đến 13 tháng Giêng âm lịch hằng năm), dân làng náo nức chuẩn bị, nhà nhà nấu bánh chưng, mổ lợn còn to hơn Tết Nguyên đán. Đến ngày chính hội, mọi người có tục lệ đi thăm hỏi nhau rồi dự lễ hội kéo quân, cướp phết. Trong suốt hai ngày xuân, không khí hội hè trải khắp làng trên xóm dưới.
Hàng trăm thanh niên đánh trống phản đối trước cửa đình Hiền Quan khi hoạt động cướp phết bị dừng năm 2019.
“Trò đánh phết là linh hồn của lễ hội, là giờ phút được chờ đợi nhất của hàng nghìn người. Khi chiếc lọng vàng rước cụ thủ phết từ từ tiến ra bãi phết giữa vòng tay rắn chắc của hàng chục trai làng cởi trần vạm vỡ và đội gậy phết hộ giá, trong tiếng trống bỏi khoan thai, xen lẫn tiếng hò reo vang dội của đám đông, không khí rất đặc trưng của hội phết”, TS. Bùi Phúc Khánh - nguyên Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Phú Thọ cho biết.
Còn theo GS. TS. Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, không phải ngẫu nhiên mà mỗi khi nói đến Lễ hội làng Hiền Quan, người ta đều gọi là “lễ hội phết”, “lễ hội cướp phết”, rồi trong tiếng Việt đã thành câu nói rất thông dụng “vui ra phết”, “hay ra phết”... Ông Ngọc đánh giá, Lễ hội phết là “một niềm tự hào bất tận”, là lễ hội đặc sắc tiêu biểu vào bậc nhất trong lịch sử - văn hóa dân tộc. Do vậy, thật dễ hiểu khi Lễ hội phết Hiền Quan dần dần trở thành một lễ hội lớn của vùng Đất Tổ và được sự quan tâm của đông đảo du khách cả trong và ngoài nước.
“Đây là lễ hội tái hiện lại trang sử vinh quang, hào hùng vào bậc nhất của dân tộc đã diễn ra cách ngày nay gần 2.000 năm. Lễ hội phết Hiền Quan cần phải được xếp vào hàng Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và cần được bảo tồn và phát huy giá trị của nó theo đúng Luật Di sản”, ông Ngọc nhìn nhận.
Yếu tố ngoại sinh làm thay đổi di sản
Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, do có những thiếu sót trong khâu tổ chức mà hội phết Hiền Quan bị cắt đi phần cướp phết, điều này khiến cộng đồng người dân hụt hẫng, bức xúc. Thế nhưng, việc làm sao để tìm ra một giải pháp đưa hội phết trở lại một cách an toàn, văn minh lại đang khiến cho chính quyền cũng như ngành văn hóa tỉnh Phú Thọ lúng túng.
Đánh giá về thực trạng lễ hội, các diễn giả đều đồng tình cho rằng, quy mô người tham gia lễ hội hiện nay đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Trước kia, trò đánh phết được quy định nghiêm ngặt trên cơ sở lệ làng, người tham gia đánh phết đều là người làng. Mọi người đều ý thức được rằng, đây không chỉ là tích trò mang tính cạnh tranh mà còn là dịp để cộng đồng gắn kết và tôn vinh những giá trị truyền thống. Vì vậy, yếu tố đối kháng và cọ xát của hai bên là tất yếu, nhưng bao giờ họ cũng biết nương nhau để tranh phết, chứ không vì quả phết mà đánh nhau. Ngày nay, tham gia lễ hội còn có cả dân tứ xứ, dẫn đến cảnh “tranh thì ít, cướp thì nhiều”, cướp phết quyết liệt không khoan nhượng. Trước kia, người dân cướp phết theo kiểu nghi lễ còn bây giờ cướp theo kiểu hỗn loạn, giành giật...
Cảnh hỗn loạn tại Lễ hội phết Hiền Quan 2018. Ảnh: LĐO
Đại diện cho Hội Di sản văn hóa tỉnh Phú Thọ, bà Lê Thoa cho biết, từ năm 2017, các cấp chính quyền ở địa phương đã xây dựng phương án tổ chức lễ hội theo cách “đánh phết” truyền thống; bố trí cả trăm người làm công tác bảo đảm an ninh, trật tự, nhưng việc tổ chức trò “đánh phết” vẫn chưa thực hiện được như mong muốn. Đỉnh điểm là vào Tết Kỷ Hợi 2019, chỉ sau ít phút khi quả phết đầu tiên được đưa ra bãi hội, hàng nghìn thanh, thiếu niên bên ngoài đã tràn vào sân để tranh cướp, gây ra sự hỗn loạn, khiến hội phết phải tạm dừng từ đó đến nay. Bà Thoa cho rằng, từ “đánh phết” xưa kia đến “cướp phết” bây giờ, khiến cho Hội phết Hiền Quan thay đổi về yếu tố di sản, dẫn đến các hành vi có tính bạo lực, phản cảm, làm ảnh hưởng tới giá trị di sản.
“Sự tác động của yếu tố ngoại sinh đã dẫn đến những hình ảnh phản cảm, bạo lực làm ảnh hưởng đến giá trị truyền thống, nhân văn tốt đẹp của lễ hội. Hội phết Hiền Quan không còn thuộc về những người trong làng xã, cũng không còn thuộc giá trị làng xã như trước nữa. Sự quá đà, biến tướng trong đánh phết ngày càng gia tăng, gây mất an ninh, trật tự”, bà Thoa nói.
Không để người “tâm thế xấu” tham gia lễ hội
Hơn 10 tham luận tại hội thảo đều khẳng định mong muốn Hội phết Hiền Quan được tổ chức trở lại. Nhiều giải pháp đã được đề cập, trong đó nhấn mạnh các phương án về an ninh trật tự, đảm bảo vai trò thực hành các nghi thức truyền thống của cộng đồng chủ thể lễ hội; đề cao vai trò, trách nhiệm của Ban Tổ chức và người tham gia lễ hội; xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng để đáp ứng được nhu cầu tổ chức lễ hội và hưởng thụ văn hóa của nhân dân…
PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc tổ chức lại Lễ hội phết xã Hiền Quan theo hình thức mới, bảo đảm các yêu cầu để đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương, tạo điều kiện để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương có ý nghĩa rất lớn. Ông Sơn khuyến cáo, để tổ chức Lễ hội phết một cách trật tự và đảm bảo tính truyền thống, cần tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản là tôn vinh truyền thống, đảm bảo an toàn cho người tham gia lễ hội, hạn chế bạo lực và bảo vệ tài sản công cộng…
Một số ý kiến cho rằng, để hạn chế những người tham gia đánh phết không phải là người địa phương, Ban Tổ chức lễ hội cần có quy định về đối tượng tham gia hội phết phải là người có hộ khẩu thường trú tại xã Hiền Quan. Những người tham gia cướp phết phải đăng ký với Ban tổ chức.
Năm 2024, Lễ hội phết Hiền Quan tiếp tục không được tổ chức khiến người dân tiếc nuối. Ảnh: Báo Tiền Phong.
“Trả hội Hiền Quan cho người Hiền Quan, cần có không gian diễn trường của hội dành riêng cho dân làng, không thể để thanh niên các địa phương khác tham dự với tư tưởng cay cú, ăn thua, với một “tâm thế xấu” tham gia”, ông Phạm Bá Khiêm, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Phú Thọ đề xuất.
Trao đổi với Báo NB&CL, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, trên cơ sở các ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý tại hội thảo này, địa phương sẽ có định hướng đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ tổ chức Lễ hội phết. Trước mắt, huyện sẽ giao cho chính quyền xã Hiền Quan xây dựng Đề án đổi mới cách thức tổ chức hội phết. “Đề án phải đảm bảo an ninh trật tự trong Lễ hội phết đồng thời đảm bảo thực hành các nghi thức truyền thống và phát huy được giá trị của di sản. Dự kiến, Đề án sẽ được xem xét vào đầu tháng 1/2025, sau đó chúng tôi sẽ quyết định có tổ chức Lễ hội phết Xuân Ất Tỵ 2025 hay không”, ông Hùng cho hay.
Thế Vũ