'Phù thủy đất sét' Hà Thị Vinh: Người 'thổi hồn' đưa gốm sứ ra thế giới

'Phù thủy đất sét' Hà Thị Vinh: Người 'thổi hồn' đưa gốm sứ ra thế giới
8 giờ trướcBài gốc
Bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh
Từ cuộc bàn bạc tại manh chiếu rách ấy, người phụ nữ ấy nay đã xây dựng lên một công ty lớn nhất làng nghề Gốm Bát Tràng, một làng nghề gốm nổi tiếng bậc nhất Việt Nam, và hiện đang cung cấp sản phẩm gốm cho các tập đoàn bán lẻ trên toàn cầu. Người phụ nữ ấy được mọi người gọi với biệt danh là “phù thủy đất sét” Hà Thị Vinh.
ÔNG CHA LÀM ĐƯỢC TẠI SAO MÌNH KHÔNG LÀM ĐƯỢC
Bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh vốn là người con đời thứ 15 của dòng họ Hà Hữu, 1 trong 19 dòng họ gốc trứ danh với nghề gốm sứ ở làng gốm cổ Bát Tràng (Hà Nội). Với bà, nghề gốm sứ là nghề “cha truyền con nối”. Những thế hệ đi sau phải luôn tri ân tới ông cha tổ nghiệp cũng như cụ tổ nghề gốm. Thế nên cũng như bao thanh niên trai tráng trong làng khác, từ năm 1972, bà Vinh bắt đầu gắn bó với Xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng. Nhưng biến cố đã xảy ra khi chồng bà bị tai nạn nghiêm trọng phải nằm viện điều trị lâu dài. Điều đó đã khiến bà phải làm đơn xin nghỉ chế độ để chăm sóc chồng cùng 3 đứa con nhỏ, đồng thời tìm hướng đi mới cho tương lai.
Năm 1989, bà quyết định thành lập Tổ hợp tác Mỹ Hạnh, tiền thân của Công ty TNHH gốm sứ mỹ nghệ Quang Vinh, với 6 thành viên cùng chung đam mê với nghề truyền thống của quê hương.
Bà Vinh nghĩ, thế hệ cha ông từ thế kỷ 15,16, họ đã mang sản phẩm gốm sứ xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước thông qua thương cảng quốc tế Hội An. “Vậy tại sao cha ông mình đã làm được mà mình không làm được” - bà Vinh trăn trở. Thế nên ngay từ ngày đầu mới thành lập, Mỹ Hạnh đã được định hướng là bán sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Người phụ nữ ấy ngay khi thành lập ra xí nghiệp tư nhân của riêng mình đã vấp ngay phải rào cản xã hội, của những người trong ngành, rằng không ai tin Mỹ Hạnh có thể sản xuất hàng xuất khẩu. Sau một thời gian loay hoay và bế tắc ở thị trường miền Bắc, cuối năm 1989, bà Vinh phải khăn gói vào thành phố Hồ Chí Minh để tìm lời giải.
Sau 2 tháng tiếp cận thị trường, chị may mắn gặp một doanh nhân người Italia tại hội chợ. Sau khi tìm hiểu về gốm sứ Bát Tràng, doanh nhân đó đã đặt tổ hợp sản xuất hàng gốm sứ mang biểu tượng của bóng đá Italia như: gạt tàn thuốc lá, giầy bóng đá với một hợp đồng trị giá 30.000 USD. Hợp đồng đó góp phần tăng thêm uy tín của gốm sứ Bát Tràng đến với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên sau đó, vị khách này không đặt đơn hàng thứ hai vì biết xí nghiệp của bà vẫn sử dụng lò nung bằng than gây ô nhiễm môi trường. Sau những vụ việc này, bà Vinh lại hiểu thêm các thị trường xuất khẩu để chuyển đổi mình.
Câu chuyện khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997-1998, khiến thị trường gốm cạnh tranh khốc liệt, gốm Quang Vinh và nhiều doanh nghiệp gốm sứ Bát Tràng đứng trước nguy cơ bị phá sản do hàng làm ra hàng loạt mà không xuất được. Người phụ nữ thôn quê nghèo đó lại không ngại ngần khăn gói sang hai thị trường xuất khẩu chính của gốm Bát Tràng lúc đó là Hàn Quốc và Đài Loan, mong muốn tìm hiểu khó khăn của khách hàng để cùng tháo gỡ. Chuyến đi giúp bà lật tẩy được chiêu lừa đảo của các thương lái với cả làng Bát Tràng, cứu sống các doanh nghiệp Bát Tràng trước nguy cơ phá sản.
Đó là, trong lúc nhiều nhà buôn bị đóng cửa, những nhà bán lẻ sang Bát Tràng đặt mua hàng của người sản xuất và ứng trước 10-20%. Sau đó viện cớ suy thoái, mấy tháng sau họ quay lại và ép giá xuống thấp chỉ còn 50% so với giá thỏa thuận ban đầu. Điều đó khiến nhiều người làm gốm ở Bát Tràng rơi vào nguy cơ vỡ nợ, khi hàng sản xuất rồi mà không bán được trong khi giá lại giảm mạnh.
Sau chuyến đi đó, bà mời những nhà buôn nhập khẩu sang làm việc cùng với các nhà sản xuất tại Bát Tràng về cách thức cung cấp, phân phối hàng. Khi đó, công ty Quang Vinh đứng ra vay ngân hàng, mua hết số gốm của người dân còn tồn đọng, đồng thời yêu cầu người dân tạm dừng sản xuất cho đến khi số hàng tồn được xuất khẩu hết. Chính sự sắp xếp này đã giúp cho thị trường gốm sứ ổn định trở lại, hàng hóa lưu thông bình thường với mức giá hợp lý.
CHUYỂN MÌNH ĐỂ GIỮ HỒN GỐM
Sau rất nhiều sóng gió, bà Vinh nhận thấy, muốn làm hàng xuất khẩu bền vững, phải đi ra nước ngoài, xem thị trường và xem mình đang đứng ở đâu. Một triển lãm gốm sứ tại thành phố Dallas, Bang Texas (Mỹ) được tổ chức sau đó với một đối tác người Mỹ của công ty. Các sản phẩm bà mang đến triển lãm đều bán hết. Tuy nhiên, cũng giống Italia, khách tại Mỹ không đặt hàng lần hai bởi sản phẩm được đốt bằng than, củi.
Sau chuyến đi đó, bà Vinh đã rút ra được nhiều bài học khi sản phẩm của mình vẫn áp dụng công nghệ lạc hậu, sử dụng lò nung ô nhiễm môi trường, sản phẩm chưa đạt được độ tinh xảo,... “Phải thay đổi, phải ứng dụng khoa học công nghệ, phải đưa kỹ thuật mới vào để tạo ra những sản phẩm độc đáo thì mới mong chinh phục được thị trường xuất khẩu”, bà Vinh tự nhủ với bản thân.
Nữ doanh nhân Hà Thị Vinh: "Phải thay đổi, phải ứng dụng khoa học công nghệ, phải đưa kỹ thuật mới vào để tạo ra những sản phẩm độc đáo thì mới mong chinh phục được thị trường xuất khẩu”. Ảnh: Báo Nhân dân
Giải pháp quan trọng đầu tiên là thay thế công nghệ và thiết bị lò nung, từ than củi sang khí gas hóa lỏng. Quang Vinh là đơn vị mạnh dạn đi tiên phong, nhập 1 lò nung bằng gas 4m3 công nghệ cao của Đài Loan. So với lò đốt củi trước đây, lò gas này có ưu việt về năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện được tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề.
Bà cũng khuyến khích các nhà sản xuất gốm sứ và các xưởng cơ khí tại làng nghề Bát Tràng đến tham khảo và nghiên cứu chế tạo công nghệ lò nung gas nhập khẩu này. Chỉ sau 6 tháng, hàng trăm lò gas nhỏ tại đây được lắp ráp và đưa vào sản xuất hàng loạt, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo bước ngoặt mới cho công nghệ sản xuất cũng như chất lượng gốm sứ Bát Tràng.
Từ việc đổi mới, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, cho đến nay các mặt hàng gốm sứ mỹ nghệ của Quang Vinh đã rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, nổi bật hàng gốm sứ nội thất như: Âu men, những hàng giả cổ có phong cách từ thế kỷ XV, XVI, XVII đã được khách hàng các thị trường Nhật, Mỹ, Đài Loan, Đan Mạch, Ru-ma-ni, Tiệp Khắc rất ưa chuộng, đáng chú ý khách hàng Mỹ và các nước Tây Âu rất thích đặt hàng chậu hoa cảnh, các đồ trang trí nội thất. Từ sự tiên phong này, hàng trăm lò nung gas khác được sử dụng tại làng gốm Bát Tràng.
Từ một tổ hợp chỉ gồm 6 lao động chính, đến nay Quang Vinh đã trở thành một công ty xuất khẩu gốm sứ với hơn 400 lao động, trong đó hơn 85% là lao động nữ. Hai nhà máy sản xuất với tổng số vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng với diện tích mặt bằng khoảng 35.000 m2.
Các sản phẩm của quang Vinh hiện đã có mặt ở hơn 20 thị trường trên khắp các châu lục, trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…
Hường Hồ
Nguồn Thương Gia : https://thuonggiaonline.vn/phu-thuy-dat-set-ha-thi-vinh-nguoi-thoi-hon-dua-gom-su-ra-the-gioi-post560125.html