Phủ xanh sa mạc bán đảo Sinai, được không?

Phủ xanh sa mạc bán đảo Sinai, được không?
6 giờ trướcBài gốc
Ông Ties van der Hoeven là một kỹ sư người Hà Lan. Ông có tham vọng muốn biến một vùng sa mạc rộng lớn không có người ở thành vùng đất xanh tươi, màu mỡ với nhiều loài động vật hoang dã.
Và nơi ông hướng đến là bán đảo Sinai của Ai Cập – một vùng đất khô cằn nối liền châu Phi với châu Á. Ông van der Hoeven cho biết hàng ngàn năm trước nơi đây từng tràn ngập sự sống, nhưng sau đó đã trở thành một vùng cằn cỗi mà một phần nguyên nhân là do nhiều năm canh tác và các hoạt động khác của con người.
Ông Van der Hoeven tin rằng ông có thể khôi phục lại sự sống cho nơi này.
Ông đã dành nhiều năm để đầu tư vào sáng kiến nhằm khôi phục sự sống của hệ động thực vật trên bán đảo Sinai. Mục tiêu cuối cùng của ông là muốn hấp thụ khí carbon dioxide (CO2), tăng lượng mưa, mang lại thực phẩm và việc làm cho người dân địa phương.
Khu vực bán đảo Sinai và các vùng lân cận. Ảnh: GETTY IMAGES
Ông tin rằng đây chính là câu trả lời cho hàng loạt vấn đề toàn cầu.
"Chúng ta đang hủy hoại hành tinh của mình theo cách đáng sợ. Cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng này là tái tạo hệ sinh thái trên quy mô lớn” – ông van der Hoeven trả lời đài CNN.
Dự án phủ xanh sa mạc không phải là mới. Tuy nhiên, khái niệm này cũng gây tranh cãi mạnh mẽ. Những người chỉ trích những dự án này cho rằng việc cải tạo sa mạc vẫn chưa được chứng minh là có hiệu quả, cực kỳ phức tạp, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nước và thời tiết theo những cách mà chúng ta không thể dự đoán được.
Sự ra đời của kế hoạch
Ông van der Hoeven từng là kỹ sư thủy lực tại công ty nạo vét DEME của Bỉ. Ông đã làm việc trong nhiều dự án, bao gồm xây dựng các đảo nhân tạo ở Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất).
Tuy nhiên, vào năm 2016, sự nghiệp của ông đã thay đổi khi ông tham gia vào dự án giúp chính phủ Ai Cập khôi phục quần thể cá ở hồ Bardawil – một hồ nước mặn ở phía bắc bán đảo Sinai, tách biệt với biển Địa Trung Hải qua một bãi cát hẹp. Trước đây, nó sâu hơn 30 m nhưng hiện tại ở một số nơi, nó sâu chỉ còn khoảng 3 m, trong khi nước khá nóng và mặn.
Trong vòng vài tuần, ông van der Hoeven đã nghĩ ra kế hoạch mở rộng hồ bằng cách tạo ra các cửa thủy triều để có nhiều nước biển chảy qua hơn, khiến hồ sâu hơn, mát hơn, ít mặn hơn và có nhiều sinh vật biển hơn.
Càng nghiên cứu, ông càng muốn mở rộng dự án hơn.
Khi xem bản đồ vệ tinh, ông van der Hoeven nhìn thấy mạng lưới các con sông khô cạn, đan xen giữa bán đảo Sinai như các mạch máu. Điều này cho thấy vùng đất này từng xanh tươi.
Ông nhận thấy rằng có thể sử dụng trầm tích nạo vét từ hồ Bardawil để giúp tái tạo mảng xanh cho khu vực xung quanh.
"Chúng mặn nhưng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và khoáng chất – những thứ bạn cần để bắt đầu phục hồi đất" – ông cho biết.
Theo kế hoạch, ông bắt đầu tái tạo các vùng đất ngập nước xung quanh hồ, mở rộng chúng để thu hút các loài chim và cá về cư ngụ.
Sau đó, ông sẽ đi lên cao hơn, vào các ngọn núi trong khu vực, bơm trầm tích của hồ vào và xếp lớp chúng để tạo ra đất có thể trồng nhiều loại cây chịu mặn khác nhau. Ông van der Hoeven cho biết điều này sẽ giúp phục hồi đất, giảm nồng độ muối và giúp đất có thể trồng nhiều loại cây hơn.
Ông cho rằng việc trồng thêm thảm thực vật có thể giúp nước bốc hơi nhiều hơn, giúp hình thành nhiều mây hơn và có nhiều mưa hơn. Theo ông, điều này thậm chí có thể thay đổi gió, vì việc phủ xanh khu vực này có thể mang lại luồng không khí ẩm.
"Điều này có thể thay đổi hoàn toàn các kiểu thời tiết” – ông van der Hoeven nói.
Ông van der Hoeven ước tính sẽ mất 5 đến 7 năm để phục hồi hoàn toàn hồ Bardawil, sau đó mất từ 20 đến 40 năm để phủ xanh khu vực gần đó.
Hình ảnh vệ tinh của bán đảo Sinai năm 2020 (trái) và hình ảnh mô phỏng vào năm 2050, sau khi thực hiện dự án phủ xanh (phải). Ảnh: THE WEATHER MAKERS
Phục hồi “trên quy mô toàn cầu”
Ý tưởng của ông van der Hoeven nghe có vẻ quá tham vọng. Tuy nhiên, trước đây giới khoa học ghi nhận từng có người làm tương tự vậy.
Khi đang lên kế hoạch cho dự án ở bán đảo Sinai, ông van der Hoeven tình cờ xem được bộ phim “Green Gold” do nhà sinh thái học John Liu thực hiện. Trong đó, bộ phim ghi lại một dự án phủ xanh sa mạc khổng lồ ở cao nguyên Hoàng Thổ ở miền bắc Trung Quốc.
Khu vực này từng bị suy thoái nghiêm trọng do nhiều năm khai thác và chăn thả quá mức. Nơi đây có thảm thực vật thưa thớt và rất dễ bị xói mòn.
Để cải tạo vùng đất này, chính phủ Trung Quốc và Ngân hàng Thế giới đã triển khai một chương trình phủ xanh quy mô lớn vào những năm 1990. Theo đó, những người triển khai chương trình cho trồng cây, cây bụi và ban hành lệnh cấm chăn thả trong khu vực.
Nhiều năm sau đó, cao nguyên Hoàng Thổ đã thay da đổi thịt. Một số vùng đất hiện được phủ xanh, xói mòn đất đã giảm và giúp giảm nguy cơ lũ lụt trong khu vực.
Đối với ông van der Hoeven, đây là bằng chứng nữa cho thấy kế hoạch của ông có thể thành công.
Ông van der Hoeven sau đó đã tìm đến gặp ông Liu và hợp tác cùng ông.
Không chỉ có dự án trên tại cao nguyên Hoàng Thổ. Một số nơi trên thế giới cũng xuất hiện dự án phủ xanh sa mạc. Điển hình, dự án Bức tường xanh vĩ đại ở châu Phi đã được triển khai vào năm 2007, nhằm giúp chống lại tình trạng sa mạc hóa.
Dự án này hiện trải dài trên 11 quốc gia châu Phi. Theo bà Susan Gardner, giám đốc bộ phận hệ sinh thái tại Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc tại Kenya, các nỗ lực phục hồi là điều cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, tình trạng thiên nhiên bị hao mòn và ô nhiễm.
"Chúng ta không có lựa chọn nào khác. Chúng ta phải làm điều này, chúng ta phải lắng nghe khoa học và hành động ngay bây giờ” – bà Gardner nói.
Cao nguyên Hoàng Thổ (Trung Quốc). Ảnh: GETTY IMAGES
Vẫn còn lo ngại
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng những dự án lớn như phủ xanh sa mạc nói trên có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn.
Theo bà Alice Hughes, giảng viên tại khoa Khoa học Sinh học của Đại học Hong Kong, dự án có thể khiến những loài sinh trưởng nhanh, vốn không phải loài bản địa, không thể sống sót. Hoặc trong ngược lại, chúng có thể trở thành loài xâm lấn, lấn át các loài thực vật bản địa xung quanh và gây hại cho động vật hoang dã.
Trong giai đoạn đầu của dự án Bức tường xanh vĩ đại của, nhiều cây đã chết vì thiếu nước, bị không được quan tâm đúng mức hoặc vì chúng không phù hợp với đất.
Ngay cả ở cao nguyên Hoàng thổ, các nhà khoa học tìm được bằng chứng cho thấy thảm thực vật có thể vượt quá khả năng cung cấp nước của địa phương. Một nghiên cứu năm 2020 về khu vực này cho thấy lượng bốc hơi cao từ cây cối và thực vật có ít tác động đến việc làm tăng lượng mưa, thậm chí còn dẫn đến "ít nước hơn cho nông nghiệp hoặc các nhu cầu khác của con người".
Ông van der Hoeven thừa nhận rằng dự án này rất phức tạp nhưng ông tin rằng việc thử nghiệm dự án là rất quan trọng. “Chúng ta nên bảo vệ thiên nhiên bằng tất cả những gì chúng ta có, nhưng chúng ta cũng nên khôi phục thiên nhiên bằng tất cả những gì chúng ta có” – ông nói.
KHOA ĐIỀM
Nguồn PLO : https://plo.vn/phu-xanh-sa-mac-ban-dao-sinai-duoc-khong-post809407.html