Kết tinh từ sự bền bỉ
Tại làng Phú Nhiêu (xã Quang Hà), di sản văn hóa dân gian như hò cửa đình, múa bài bông từng có thời mai một vì chiến tranh và biến động xã hội, nay hồi sinh đầy cảm xúc. Đây là kết quả gần 30 năm miệt mài cống hiến của các nghệ nhân tận tụy với hồn quê...
Câu lạc bộ hò cửa đình và múa bài bông tại xã Quang Hà. Ảnh: Trương Thế Cầu
Nhiều năm qua, các lớp học tại đình làng trở thành "cái nôi" nuôi dưỡng những thế hệ kế cận biết yêu, biết gìn giữ câu hò, điệu múa. Câu lạc bộ hò cửa đình và múa bài bông thôn Phú Nhiêu ra đời với hơn 100 hội viên đang góp phần bảo tồn di sản, lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống trong cộng đồng.
Sân đình Phú Nhiêu hôm nay rộn ràng tiếng hát, tiếng trống, có cả mái đầu bạc và ánh mắt trong veo của những em nhỏ 5-6 tuổi... Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Lý, người gắn bó hơn 20 năm với hò cửa đình và múa bài bông ở Phú Nhiêu xúc động chia sẻ: Điệu hát này khó lắm, vừa hát vừa múa 30 phút, phải đúng điệu, đúng nhịp mới nên hồn cốt. Thành quả hôm nay là nhờ công vun trồng của các cụ: Lương Đức Nghi, Nguyễn Thị Ga... Nghệ nhân ưu tú Vũ Thị Xuyên, người đã gắn bó 25 năm với hò cửa đình và múa bài bông chia sẻ: "Chúng tôi rất vui bởi việc truyền dạy di sản cho lớp trẻ nơi đây được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Hò cửa đình và múa bài bông không chỉ là biểu diễn nghệ thuật, mà đã trở thành niềm tự hào của Phú Xuyên"...
Không riêng Phú Nhiêu, nghệ thuật hát trống quân (loại hình dân ca đối đáp độc đáo) ở xã Phúc Tiến cũng đang hồi sinh mạnh mẽ. Từ chỗ là phong trào nhỏ trong thôn Phúc Lâm, nay Câu lạc bộ hát trống quân xã Phúc Tiến vươn lên thành câu lạc bộ cấp huyện, quy tụ hơn 30 thành viên chính thức và hàng trăm người dân tham gia...
Câu lạc bộ hò cửa đình và múa bài bông tại xã Quang Hà ngày càng mở rộng, khẳng định giá trị trong đời sống hiện đại. Ảnh: Trương Thế Cầu
Đáng chú ý, nhờ sự quan tâm đầu tư của huyện và thành phố, xã Phúc Tiến đã có 11 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú... Người “truyền lửa” cho phong trào là bà Kiều Thị Mách, sinh năm 1956, chủ nhiệm câu lạc bộ. Từng là đoàn viên, cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ xã, bà gắn bó với trống quân từ thời trẻ. Dưới sự dẫn dắt tận tâm của bà Mách và các nghệ nhân, câu lạc bộ duy trì đều đặn các buổi luyện tập, đưa di sản đến với học đường. Nhiều trường học trong xã mời câu lạc bộ hướng dẫn học sinh luyện tập, đưa trống quân thành một phần trong hoạt động ngoại khóa, hội diễn văn nghệ học đường.
Hơn thế, điệu trống quân Phúc Lâm vượt ra khỏi phạm vi xã, góp mặt trong nhiều chương trình giao lưu văn hóa cấp huyện, thành phố, khẳng định sức sống mãnh liệt của di sản, mở ra cơ hội phát triển du lịch văn hóa...
Kinh nghiệm quý, cách làm hay
Nhìn lại hành trình gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể ở Phú Xuyên, có thể thấy, sự gắn bó của người dân, tâm huyết của các nghệ nhân; sự quan tâm, đầu tư bài bản từ chính quyền các cấp đã làm nên “trái ngọt” văn hóa hôm nay. Không dừng lại ở bảo tồn, Phú Xuyên đang từng bước biến giá trị truyền thống ấy thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, nơi du khách có thể “về miền di sản” lắng nghe tiếng quê... Hiện tại, ngoài phần trải nghiệm, hầu hết các tuyến du lịch làng nghề của Phú Xuyên đều có trình diễn văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc.
Câu lạc bộ hò cửa đình và múa bài bông tại xã Quang Hà hiện thu hút đông đảo lớp trẻ tham gia. Ảnh: Trương Thế Cầu
Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, Phú Xuyên đã chủ động ban hành kế hoạch cụ thể. Tiêu biểu là Kế hoạch số 344/KH-UBND giai đoạn 2021–2025. Từ các câu lạc bộ đến trường học, từ sân đình tới sân khấu thành phố, hàng loạt hoạt động truyền dạy, giao lưu, biểu diễn nghệ thuật truyền thống được tổ chức sôi nổi. Các loại hình văn hóa phi vật thể như chèo, trống quân, hò cửa đình, nặn tò he… đều được huyện hỗ trợ mở lớp truyền dạy, xây dựng chương trình đưa vào 26 trường học với hơn 10.000 học sinh được tiếp cận. Huyện và các cấp cơ sở còn xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ phát huy, bảo tồn giá trị di sản phi vật thể bằng nhiều hình thức khác nhau (30 triệu đồng/câu lạc bộ văn hóa phi vật thể/năm)...
Theo Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin và Khoa học huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Quỳnh, việc hình thành sản phẩm du lịch văn hóa từ các di sản như trống quân, múa bài bông, nặn tò he… không chỉ mang lại giá trị tinh thần, mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế, góp phần làm mới diện mạo nông thôn. Phú Xuyên đang từng bước xây dựng thương hiệu các miền quê văn hóa như hướng đi đặc trưng của huyện.
Các giá trị văn hóa phi vật thể được xã Quang Hà hỗ trợ bảo tồn, phát triển dưới nhiều hình thức. Ảnh: Vũ Hữu
Ở cấp cơ sở, Chủ tịch UBND xã Quang Hà Phạm Xuân Thiêm chia sẻ đầy tự hào, nếu không có sự hỗ trợ từ huyện, thành phố và sự đồng lòng của người dân thì không thể có một Phú Nhiêu hôm nay với hò cửa đình, múa bài bông đặc sắc...
Về lĩnh vực này, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy nhấn mạnh, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa không phải là câu chuyện ngắn hạn, càng không thể thành công nếu chỉ làm theo phong trào. Với Phú Xuyên, đó là hành trình dài, cần sự đồng hành của chính quyền, tâm huyết của nghệ nhân và sự lan tỏa trong cộng đồng. Phú Xuyên xác định rõ: Văn hóa phải gắn liền với xây dựng con người và xây dựng vùng quê phát triển bền vững, giàu bản sắc để trong tiến trình hội nhập, chúng ta không thể "hòa tan"...
Bạch Thanh