Đến dự lễ có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Thường trực Tỉnh ủy, UBND các tỉnh Hải Dương, Lâm Đồng, Khánh Hòa; Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển, Ban Liên lạc bến tàu không số Vũng Rô, Anh hùng lực lượng vũ trang, cựu binh, cán bộ, dân công trên tàu - dưới bến Vũng Rô những năm 1964-1965.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.
Về phía địa phương có đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đồng chí Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên ôn lại truyền thống hào hùng 60 năm bến Vũng Rô.
Sau các nghi thức dâng hương hoa và thả vòng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ ở bến Vũng Rô; chào cờ; các đại biểu xem phim tài liệu “Huyền thoại Vũng Rô” và được nghe nhân chứng lịch sử là Trung tá Hồ Đắc Thạnh, Anh hùng lực lượng vũ trang – thuyền phó, thuyền trưởng 12 chuyến tàu không số chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam, trong đó có 3 chuyến tàu vào bến Vũng Rô; Thiếu tá Ngô Văn Định, nguyên chiến sĩ Đại đội K60, Trưởng Ban liên lạc bến tài không số Vũng Rô kể lại những chiến công năm xưa. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng ở bến Vũng Rô gắn liền 4 chuyến tàu không số.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cùng lãnh đạo tỉnh Phú Yên và các bộ, ban, ngành đặt hương, hoa vào vòng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ ở bến Vũng Rô.
60 năm về trước, từ tháng 11/1964 đến tháng 2/1965, bến Vũng Rô (Phú Yên) đã đón 4 chuyến tàu không số vượt đường Hồ Chí Minh trên biển, vận chuyển gần 200 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk. Để vận chuyển, giao nhận an toàn khối lượng lớn vũ khí nêu trên, hải quân trên 4 chuyến tàu không số và bộ đội, du kích, dân công bến Vũng Rô đã phải đối mặt với nhiều gian khó, hiểm nguy, nhưng với tinh thần mưu trí, dũng cảm họ đã lập nên chiến công huyền thoại Vũng Rô.
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên thả vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại bến Vũng Rô.
3 chuyến tàu không số đầu tiên mang mật số 41 do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy vào bến Vũng Rô trong các đêm 28/11/1964, 25/12/1964 và 1/2/1965. Chuyến tàu không số thứ tư mang mật số 143 do thuyền trưởng Lê Văn Thêm chỉ huy vào bến Vũng Rô đêm 15/2/1965. Theo kế hoạch, chuyến tàu này vào bến Lộ Diêu ở phía Bắc tỉnh Bình Định, nhưng do nguy cơ mất an toàn nên Bộ Tư lệnh Hải quân điện báo chỉ đạo chuyển hướng vào bến Vũng Rô. Sau khi bộ đội, du kích, dân công bốc dỡ xong 63 tấn vũ khí, thì tàu bị hỏng tời kéo neo nên phải sửa chữa và nằm lại Bãi Chùa. Dù đã ngụy trang bằng cành lá cây phủ trên tấm lưới pháo binh giăng kín từ chân núi ra tàu không số tạo thành “mõm núi” nhưng địch phát hiện nên huy động máy bay, tàu chiến và bộ binh bắn phá. Bộ đội, du kích và dân quân bến Vũng Rô phối hợp thủy thủ tàu 143 sử dụng bộc phá đánh chìm tàu 143 trong đêm 17/2/1965. Cũng từ đó bến Vũng Rô không còn tiếp nhận vũ khí chi viện từ miền Bắc.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh ôn lại truyền thống hào hùng của những chuyến tàu không số và bến Vũng Rô năm xưa.
Tại buổi lễ, thừa ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã trao quyết định số 1473/QĐ-TTg ngày 26/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt “Đường Hồ Chí Minh trên biển TP Hải Phòng – Phú Yên – Bà Rịa Vũng Tàu – Cà Mau” cho lãnh đạo tỉnh Phú Yên.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cùng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh và lãnh đạo tỉnh Phú Yên, các bộ, ban, ngành đứng bên bến Vũng Rô.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, việc hình thành con đường vận tải chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với các bến, bãi, trong đó có bến Vũng Rô tiếp nhận vũ khí của miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam từ những chuyến tàu không số là một quyết định lịch sử mang tầm chiến lược, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng”.
Lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt “Đường Hồ Chí Minh trên biển TP Hải Phòng – Phú Yên – Bà Rịa Vũng Tàu – Cà Mau” cho lãnh đạo tỉnh Phú Yên.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa tin tưởng rằng với truyền thống mảnh đất anh hùng cùng với những tiềm năng, lợi thế và thành tựu đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Phú Yên tiếp tục đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết tâm đột phá, hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; tạo nền tảng vững chắc để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, vì mục tiêu “Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Hữu Toàn