Đến sáng 25/2, tại nhiều cánh đồng lúa trũng thấp thuộc xã Bình Kiến (thành phố Tuy Hòa), mặc dù trời đã tạnh mưa nhưng vẫn diễn ra tình trạng ngập úng, cây lúa bị ngập sâu và chết trôi dạt vào bờ. Lãnh đạo các hợp tác xã nông nghiệp cùng người dân bị ảnh hưởng có mặt tại cánh đồng để kiểm tra thiệt hại và bàn hướng khôi phục sản xuất.
Tại khu vực trồng 4.000m2 lúa vụ Đông Xuân của mình, ông Phạm Văn Lộc (xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa) bất lực vì không có cách nào để tiêu thoát hết nước ngập trong chân ruộng. Vụ này, ông Lộc đã đầu tư hơn 10 triệu đồng từ tiền giống, phân, thuốc và công để cây lúa phát triển đến giai đoạn làm đòng. Tuy nhiên, với tình hình ngập úng hơn 3 ngày qua thì cây lúa có khả năng cao là chết hoàn toàn.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bình Kiến 2 Phạm Văn Tiến thông tin, toàn bộ diện tích 151ha của 1.200 hộ dân tại xã Bình Kiến do đơn vị quản lý đều bị ngập úng trong 3 ngày qua. Đến sáng 25/2, vẫn còn hơn 70% diện tích bị ngập, khả năng cao là sẽ chết hoàn toàn. Hiện thủy triều ở các sông vẫn còn ở mức cao nên nước tại các cánh đồng không thể rút được.
Tại xã An Chấn (huyện Tuy An), mưa lớn đã khiến hơn 40ha lúa tại địa phương bị ngập úng. Đến sáng 25/2, vẫn còn khoảng 20ha lúa và gần 5ha hoa màu bị ngập úng. Tại những khu vực chân ruộng đã rút nước, nông dân tập trung nạo vét kênh mương để chăm sóc, phục hồi cây lúa.
Theo ông Bùi Tấn Châu (thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp An Chấn), đơn vị đang tích cực hỗ trợ nông dân các biện pháp chăm sóc cây lúa và hoa màu bị ngập úng hư hại; khuyến cáo người dân bón phân lại cho cây lúa ở giai đoạn làm đòng. Một số loại hoa màu như sắn, bắp bị ngập úng sẽ hư hại hoàn toàn. Do vậy, Hợp tác xã đề nghị người dân tận dụng làm thức ăn cho gia súc rồi chờ nước rút hoàn toàn trồng lại lứa cây mới.
Lúa chết trôi dạt vào bờ, người dân chỉ biết tận dụng làm thức ăn cho gia súc.
Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên cho biết, Chi cục đã có công văn đề nghị Phòng Nông nghiệp và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương áp dụng mọi khả năng, biện pháp để tiêu nước triệt để cứu lúa Đông Xuân. Đối với diện tích lúa bị bồi lấp, cuốn trôi, các địa phương thực hiện khắc phục sa bồi, thủy phá, vệ sinh đồng ruộng và chuyển đổi cây trồng phù hợp. Đối với diện tích lúa ít bị ảnh hưởng, cần thực hiện các biện pháp khắc phục như: Rửa bùn bộ lá, phun chế phẩm có chứa nấm để hạn chế ngộ độc hữu cơ, phòng trừ ốc bươu vàng gây hại.
Đối với diện tích sắn bị ngập nước kéo dài, không có khả năng phục hồi, các địa phương hướng dẫn người dân khẩn trương rút cạn nước, vệ sinh đồng ruộng, làm đất rồi tranh thủ trồng mới khi còn trong khung thời vụ hoặc chuyển đổi cây trồng ngắn ngày phù hợp. Đối với diện tích sắn ít bị ảnh hưởng thì thực hiện các biện pháp khắc phục như: Dựng lại cây bị đổ ngã, cung cấp các dưỡng chất qua lá để tăng cường khả năng hồi phục của cây, phun thuốc phòng và trị bệnh ở vùng rễ để hạn chế nấm bệnh tấn công.
Qua thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên, tính đến 17 giờ, ngày 24/2, tổng diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh bị ngập do đợt mưa lớn vừa qua gần 5.000ha; trong đó cây lúa hơn 3.600ha; sắn hơn 1.200ha; còn lại là rau, mía, ngô. Đây là đợt mưa lớn bất thường vào thời điểm tháng Giêng nên nhiều nông dân bất ngờ và không chủ động được các biện phòng phòng chống, dẫn đến thiệt hại đáng kể về sản xuất nông nghiệp.
Bài, ảnh: Tường Quân (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/phu-yen-no-luc-khoi-phuc-san-xuat-sau-mua-lon-gay-ngap-ung-lua-va-hoa-mau-20250225152526628.htm