Phục hồi chức năng cho người mắc Hội chứng Apallic

Phục hồi chức năng cho người mắc Hội chứng Apallic
6 giờ trướcBài gốc
NỘI DUNG:
1. Vai trò của tập luyện đối với người mắc Hội chứng Apallic
2. Các bài tập phục hồi chức năng cho người mắc Hội chứng Apallic
2.1. Nguyên tắc khi tập luyện cho người mắc Hội chứng Apallic
2.2. Các bài tập phục hồi chức năng cho người mắc Hội chứng Apallic
3. Lưu ý khi tập luyện cho người mắc Hội chứng Apallic
Hội chứng Apallic (hay trạng thái thực vật kéo dài), là tình trạng rối loạn nhận thức mà trong đó người bệnh tổn thương não nghiêm trọng và chỉ nhận thức được một phần chứ không hoàn toàn ý thức được về môi trường xung quanh.
Các bác sĩ sử dụng thuật ngữ như "trạng thái mất vỏ", "trạng thái mất chức năng não" để mô tả về Hội chứng này.
Hội chứng Apallic xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như tổn thương não do chấn thương, do phẫu thuật, siêu vi (viêm màng não), đột quỵ não, thiếu oxy não…
Đây là một tình trạng cấp cứu cần được điều trị và chăm sóc y tế toàn diện, liên tục nhằm đảm bảo chức năng tuần hoàn, hô hấp và các biện pháp hỗ trợ cho người bệnh.
1. Vai trò của tập luyện đối với người mắc Hội chứng Apallic
Đối với người mắc Hội chứng này, các bài tập phục hồi chức năng thường được thiết kế nhằm:
Duy trì chức năng cơ học của cơ thể, tránh co cơ, cứng khớp, teo cơ, loét tỳ đè...
Hỗ trợ hô hấp, giảm biến chứng nằm lâu, giảm nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp.
Vận động nhẹ giúp kích thích nhu động ruột, giảm nguy cơ táo bón và các vấn đề tiêu hóa khác.
Các bài tập vận động thụ động và kích thích giác quan (thính giác, thị giác, xúc giác) giúp kích thích các vùng não còn hoạt động, tăng khả năng phục hồi nhận thức.
Cải thiện tuần hoàn máu, giảm nguy cơ huyết khối.
Trong một số trường hợp, tập luyện đều đặn có thể góp phần cải thiện chức năng não bộ, giúp người bệnh có khả năng phục hồi ý thức một phần hoặc phát triển các phản xạ có ý thức.
2. Các bài tập phục hồi chức năng cho người mắc Hội chứng Apallic
2.1. Nguyên tắc khi tập luyện cho người mắc Hội chứng Apallic
Cá nhân hóa: Các bài tập phục hồi chức năng phải phù hợp với tình trạng sức khỏe, mức độ tổn thương của từng người bệnh.
- Kiên trì và đều đặn: Việc tập luyện cho người mắc Hội chứng Apallic cần kiên trì, đều đặn để đạt hiệu quả.
- An toàn:Thực hiện các bài tập một cách nhẹ nhàng, tránh gây đau hoặc tổn thương thêm cho bệnh nhân.
- Kết hợp chăm sóc tổng quát:Tập luyện nên đi đôi với dinh dưỡng hợp lý, vệ sinh cơ thể và kích thích giác quan.
- Theo dõi thường xuyên: Theo dõi và đánh giá tiến trình phục hồi để điều chỉnh phương pháp tập luyện khi cần.
2.2. Các bài tập phục hồi chức năng cho người mắc Hội chứng Apallic
Bài tập vận động thụ động hỗ trợ duy trì độ linh hoạt khớp.
Bài tập vận động thụ động
Các bài tập vận động thụ động là các bài tập cần người hỗ trợ giúp di chuyển tay, chân của người bệnh để thực hiện các động tác, giúp hỗ trợ duy trì độ linh hoạt khớp, ngăn ngừa biến chứng teo cơ, cứng khớp và cải thiện tuần hoàn.
Cách thực hiện:
Người chăm sóc hoặc chuyên viên hỗ trợ di chuyển tay, chân của bệnh nhân
Gập, duỗi khuỷu tay, cổ tay, ngón tay.
Xoay nhẹ nhàng vai, hông, đầu gối, cổ chân.
Thực hiện mỗi khớp 10-15 lần, 2-3 lần/ngày.
Lưu ý không ép khớp, tránh gây đau. Quan sát phản ứng của người bệnh nếu thấy nhăn mặt, khó chịu do đau cần thực hiện nhẹ nhàng hơn, hoặc ngừng không tập động tác đó nữa, chuyển sang động tác khác phù hợp với thể trạng của người bệnh.
Bài tập kéo giãn cơ
Bài tập này phù hợp cho những người có nguy cơ co cứng cơ do nằm bất động lâu ngày, giúp kéo giãn cơ, giảm đau nhức do co cơ.
Cách thực hiện:
Người chăm sóc duỗi nhẹ tay - chân theo hướng duỗi cơ, giữ trong 10 - 15 giây rồi thả ra.
Thực hiện đều đặn hai bên, mỗi bên từ 10 - 15 lần/ngày.
Lưu ý không kéo quá mức gây đau, chấn thương cơ.
Bài tập kích thích các giác quan
- Kích thích thính giác: Những bệnh nhân giảm nghe hoặc không có phản ứng với lời nói nên được áp dụng các bài tập phục hồi kích thích thính giác nhằm kích thích vùng não bộ, cải thiện khả năng nhận thức và phản ứng với âm thanh.
Cách thực hiện:
+ Lựa chọn âm thanh nhẹ nhàng, dễ chịu với người bệnh như lời nói của người thân, âm nhạc nhẹ, thư giãn, tiếng động tự nhiên.
+ Đảm bảo âm lượng không quá lớn, đặt thiết bị phát âm gần tai người bệnh.
+ Thực hiện lặp đi lặp lại việc phát âm thanh và quan sát phản ứng của người bệnh (như cử động mắt, phản ứng cơ thể, hoặc bất kỳ dấu hiệu nhận thức nào khác).
+ Nếu bệnh nhân không phản ứng ngay lập tức, không cần ép buộc, tiếp tục lặp lại trong những lần sau với sự thay đổi về loại âm thanh.
+ Thực hiện 10 - 15 phút/lần, ngày 2 - 3 lần.
- Kích thích xúc giác: Giúp tăng cường kích thích dây thần kinh cảm giác cho những bệnh nhân mắc Hội chứng Apallic mất hoặc giảm cảm giác ở vùng tay - chân.
Cách thực hiện:
+ Sử dụng khăn mềm, bàn chải, lông vũ nhẹ nhàng lướt qua da tay, chân.
+ Quan sát sắc mặt và biểu hiện của người bệnh.
+ Thực hiện 5 - 10 phút/lần, ngày 2 lần.
- Kích thích vị giác: Tương tự các giác quan khác, kích thích vị giác nhằm cải thiện khả năng nhận thức qua vị giác, giúp kích thích não bộ và cải thiện các phản ứng của cơ thể.
Cách thực hiện:
+ Lựa chọn thức ăn, đồ uống lỏng, mềm, nhẹ, có vị rõ ràng, dễ tiêu hóa.
+ Đảm bảo người bệnh ngồi thẳng hoặc có người hỗ trợ giữ đầu để tránh sặc khi ăn hoặc uống.
+ Dùng tăm bông nhúng vào thực phẩm hoặc dùng muỗng/ống hút để người bệnh nếm một lượng nhỏ thức ăn có vị ngọt, chua, đắng, mặn.
+ Lắng nghe bệnh nhân có phản ứng hay không, như cử động lưỡi, miệng, hoặc ánh mắt khi tiếp xúc với các vị giác.
+ Nếu có thể, khuyến khích bệnh nhân nuốt hoặc phản ứng lại bằng cách tạo ra âm thanh hoặc cử động. Thực hiện bài tập từ 1-2 lần/ngày và thử nghiệm với các vị giác khác nhau (ngọt, mặn, chua, đắng, cay) trong từng buổi tập.
Bài tập vận động chủ động
Với những người mắc Hội chứng Apallic cải thiện nhận thức, tự thực hiện được các động tác, có thể kết hợp thêm các bài tập vận động chủ động nhằm tăng cường sức mạnh cơ và cải thiện tầm vận động khớp.
Bài tập bóp bóng giúp tăng cường sức mạnh cơ cho người mắc Hội chứng Apallic.
Cách thực hiện:
+ Tập cầm nắm: Sử dụng quả bóng xốp hoặc chai nhựa mềm, cho người bệnh nắm vào vật, hỗ trợ giữ trong vài giây và thả ra.
+ Tập nhấc tay - chân: Hướng dẫn bệnh nhân nhấc nhẹ tay hoặc chân với sự hỗ trợ.
+ Tập ngồi dậy với những người đã cải thiện sức mạnh cơ thân trên: Người hỗ trợ giúp bệnh nhân ngồi dậy từ tư thế nằm, giữ trong 10 giây rồi từ từ hạ xuống.
+ Tập với khung: Sử dụng khung tập đi hoặc thiết bị nâng để tập đứng. Thực hiện đều đặn mỗi bài tập từ 10 - 15 lần, ngày 2 - 3 lần.
Bài tập hô hấp
Bài tập hô hấp là bài tập quan trọng giúp tăng cường thông khí phổi, giảm nguy cơ viêm phổi, hỗ trợ dẫn lưu đờm cho người mắc Hội chứng Apallic.
Bài tập vỗ rung.
Bài tập vỗ rung
Người hỗ trợ đỡ người bệnh ở tư thế ngồi, tay chụm lại như vỏ sò, vỗ nhẹ hai bên lưng gần vùng phổi trong 1 - 2 phút. Vỗ theo chiều từ dưới lên trên, từ hai bên vào giữa để kích thích long đờm, phản ứng ho khạc đờm.
Bài tập hít thở sâu giảm căng thẳng cho người mắc Hội chứng Apallic (ảnh minh họa).
Bài tập hít thở sâu
Với người bệnh có khả năng nhận thức tốt, việc hướng dẫn các bài tập hít thở sâu, thở bụng giúp cải thiện lưu thông khí, giảm căng thẳng lo âu và kích thích sự tập trung của não bộ.
Cách thực hiện:
Đặt người bệnh ở tư thế nằm hoặc ngồi thoải mái.
Dùng tay nhẹ nhàng đặt lên bụng người bệnh để cảm nhận quá trình thở.
Yêu cầu người bệnh hít vào từ từ qua mũi, đếm đến 4 (giữ lại hơi thở trong 2 giây), rồi thở ra nhẹ nhàng qua miệng đếm đến 6.
Tập trung vào việc thở sâu vào bụng, thay vì thở bằng ngực.
3. Lưu ý khi tập luyện cho người mắc Hội chứng Apallic
Trước khi tập, cần xác định khả năng nhận thức, thể lực của người bệnh để chọn bài tập phù hợp.
Bắt đầu với những bài tập nhẹ nhàng và tăng dần mức độ lên, không tạo áp lực cho người bệnh.
Tập luyện đều đặn mỗi ngày, kiên nhẫn chờ đợi phản ứng của người bệnh.
Tạo không gian yên tĩnh, đảm bảo sự thoải mái và tránh nguy cơ chấn thương khi tập luyện.
Sử dụng âm thanh, hình ảnh để kích thích nhận thức và phản ứng của các giác quan.
Thực hiện dưới sự giám sát của bác sĩ hoặc chuyên gia phục hồi chức năng.
Đảm bảo bệnh nhân có chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất để hỗ trợ quá trình hồi phục.
Theo dõi và điều chỉnh bài tập theo sự cải thiện của người bệnh.
BSNT. Hương Trà
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/phuc-hoi-chuc-nang-cho-nguoi-mac-hoi-chung-apallic-169250112213427445.htm