Phục nguyên nhà cổ
Sáng sớm, ông Nguyễn Hữu Tâm 81 tuổi, ở xã Mỹ Yên, Tây Ninh (xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, Long An cũ) mặc quần áo chỉnh tề, vượt qua đoạn đường giữa các ngôi mộ của gia tộc. Ông đến di tích "nhà Long Hiệp" thắp nén hương cho ông bà.
Ngôi nhà này trước kia từng thuộc về gia tộc của ông Tâm. Năm 1930, ngôi nhà là địa điểm diễn ra hội nghị thành lập tỉnh ủy Chợ Lớn đầu tiên.
Theo thời gian, nhà Long Hiệp đã xuống cấp, bị hư hại nặng. Năm 2021, huyện Bến Lức cũ đã đầu tư kinh phí để phục nguyên nhà Long Hiệp theo kiểu dáng kiến trúc và trang trí nội thất như lúc ban đầu.
Di tích nhà Long Hiệp sau khi phục nguyên. Ảnh: Hà Nguyễn
Theo các tài liệu, tháng 11/1930, xứ ủy chỉ đạo thành lập tỉnh ủy Chợ Lớn. Hội nghị được tổ chức bí mật tại nhà ông Nguyễn Tấn Tảo ở làng Long Hiệp, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Mỹ Yên, tỉnh Tây Ninh).
Ông Tâm chia sẻ: “Căn nhà có từ thời ông cố của tôi, tên là Nguyễn Văn Triều hay còn được gọi là cai tổng Chèo. Sau khi cụ Triều qua đời, ông Nguyễn Tấn Tảo, còn gọi là xã Tảo, được thừa kế ngôi nhà. Ông Tảo là ông nội của tôi.
Mẹ tôi kể rằng, kết hôn xong, ba mẹ về ngôi nhà này sinh sống. Ba tôi mất sớm trong thời loạn lạc. Lúc đó, tôi mới tròn 1 tuổi.
Ba mất, mẹ ở vậy nuôi các anh chị em tôi. Các anh chị em tôi sống với mẹ, trong ngôi nhà cổ của gia đình được một thời gian, rồi đi học. Lớn lên, chúng tôi đều đi làm ở xa, nên ngôi nhà cổ chỉ còn có mỗi mẹ tôi ở.
Ông Tâm cho biết ngôi nhà có từ thời ông cố của mình. Ảnh: Hà Nguyễn
Rồi mẹ tôi qua đời, nhà không có ai ở nên xuống cấp. Thêm việc bị bom đạn chiến tranh tàn phá, ngôi nhà hư hại nặng. Năm 2000, tôi về gần nhà cổ của gia đình sinh sống. Lúc đó, ngôi nhà chỉ còn cái khung, siêu vẹo, hoang tàn”.
Sau khi phục nguyên, nhà rộng 238m2, bằng diện tích của ngôi nhà cũ trước đây. Ngôi nhà có kết cấu kiến trúc gồm 3 gian, 2 chái, móng âm bằng đá xanh.
Bên ngoài, ngôi nhà có hệ thống cột, cửa vòm bằng bê tông với nét hoa văn mang phong cách châu Âu. Ảnh: Hà Nguyễn
3 gian chính của ngôi nhà trang trí 3 bộ bao lam. Diềm bao lam chạm lộng đề tài hoa dây, hoa sen, cội cây hoa mệnh, đơn trĩ, trúc tước... Phía trên bao lam ở gian giữa có 1 cuốn thư khắc 3 chữ "Đức Lưu Phương" (tạm dịch: Đức nhà thơm mãi).
Nhà Long Hiệp được UBND tỉnh Long An cũ xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào ngày 27/01/1994.
Phát hiện hầm chứa tiền cổ
Hồi còn nhỏ, ông Tâm từng sinh sống tại căn nhà cổ. Ông nhớ mãi căn nhà có diện tích lớn, mặt tiền quay về phía sông chứ không hướng ra đường như bây giờ.
Mặt tiền, vách nhà được xây bằng gạch với nhiều hoa văn trang trí kiểu Pháp. Mái nhà lợp ngói âm dương, nền lót gạch Tàu lục giác. Bên trong, nhà được làm hoàn toàn bằng các loại gỗ quý như cẩm lai, gõ đỏ, gỗ mật...
Bên trong ngôi nhà được làm từ gỗ quý. Ảnh: Hà Nguyễn
Các tài liệu tại di tích nhà Long Hiệp viết: “Nhà Long Hiệp có kiến trúc kiểu nhà rường miền Trung với kết cấu xuyên trính, khung sườn kiểu bát trụ, định vị theo hướng Tây-Đông, tiền-hậu.
Các bộ phận của kết cấu chính như trính, trống đều được trang trí bằng cách chạy chỉ, uốn cong. Tiếp giáp giữa trính và trống để đỡ đòn dông nóc nhà được cách điệu hình “chày-cối” tượng trưng cho âm dương hòa hợp.
Về nội thất, nhà có 4 hàng cột, mỗi hàng có 4 cột chia nhà thành 3 gian. Ở gian giữa đặt một bộ ghế trường kỷ và một bàn thờ làm tăng thêm sự tôn nghiêm của ngôi nhà thờ. Hai bên chái nhà, mỗi bên đặt một bộ ván bằng gỗ và 1 ghế bàn tròn.
Gian giữa của ngôi nhà. Ảnh: Hà Nguyễn
Về sau, bộ ghế được dời về phía bên phải cạnh bộ ván. Dưới bộ ghế này là hầm bí mật thông ra bên ngoài. Bộ ván chính là nơi ngồi họp của các đại biểu dự hội nghị thành lập tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn vào tháng 11/1930”.
Ông Tâm cho biết, khi biết tin ngôi nhà cổ của gia đình được công nhận là di tích và được phục nguyên, ông rất hạnh phúc. Ngoài niềm vui ấy, ông còn phát hiện nhiều điều bất ngờ về gia tộc của mình.
Một trong số này là việc ông và các công nhân trong lúc thi công phục nguyên ngôi nhà đã phát hiện dưới nền đá xanh có hầm chứa chum bằng sành kích thước lớn. Bên trong chum chứa rất nhiều tiền xu bằng đồng cổ.
Những đồng tiền xu bằng đồng được phát hiện dưới nền ngôi nhà cổ vẫn được gia đình ông Tâm giữ lại làm kỷ niệm. Ảnh: Hà Nguyễn
Ngoài ra, lẫn trong lớp bùn đất dưới nền nhà cũng có rất nhiều tiền xu bằng đồng. Một bên mặt đồng tiền có dập nổi 4 chữ "Cảnh Thịnh Thông Bảo" bằng chữ Hán. Các hiện vật này sau đó được bảo tàng tỉnh Long An cũ đến thu gom, nghiên cứu.
Gia đình ông Tâm giữ lại một số đồng tiền xu làm kỷ niệm. Từ việc này, ông Tâm cho rằng, ông bà từng làm quan lớn thời phong kiến nên mới có nhiều tiền đến vậy.
Ông tâm sự: “Nếu không phục nguyên ngôi nhà, chúng tôi cũng không bao giờ nghĩ, biết đến việc dưới nền nhà lại có hầm chứa tiền cổ như thế.
Ông Tâm cho rằng, ông bà xưa của mình từng làm quan lớn. Ảnh: Hà Nguyễn
Không biết số tiền ấy được ông bà đời trước cất giấu từ bao giờ. Với số tiền ấy có thể thấy, ông bà xưa của dòng họ tôi rất giàu có, nếu không muốn nói giàu có nhất vùng này.
Sự thật thì thời của ông nội, dòng họ tôi nổi tiếng giàu có, điền sản rộng lớn, gần 100 mẫu đất. Nhờ vậy, về sau này dù ba tôi mất sớm, một mình mẹ vẫn nuôi các anh chị em tôi trưởng thành”.
Hà Nguyễn