Ngày 21-4, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (sơ thẩm tuyên án chung thân); 12 năm tù về tội rửa tiền; 8 năm tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Tổng hợp với bản án tử hình ở giai đoạn 1 của vụ án, buộc bị cáo Lan phải chấp hành hình phạt chung là tử hình.
Các bị cáo khác đa số đều được HĐXX tuyên giảm nhẹ hình phạt (trừ hai bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn và Bùi Anh Dũng) từ 3 tháng đến 2 năm tù.
Tiếp tục kê biên, ngăn chặn tài sản của 2 mắt xích quan trọng
Về các vấn đề dân sự, HĐXX đã không chấp nhận kháng cáo của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án cũng như bị hại.
Cụ thể, người liên quan kháng cáo, yêu cầu gỡ bỏ ngăn chặn, tạm ngừng giao dịch đối với tài khoản ngân hàng, cổ phần, tài sản bất động sản nhà đất đứng tên Nguyễn Tiến Thành và Nguyễn Phương Hồng, Tuy nhiên, HĐXX cấp phúc thẩm thấy rằng Nguyễn Phương Hồng (nguyên Phó Tổng giám đốc SCB), Nguyễn Tiến Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt) là mắt xích quan trọng trong chuỗi hành vi phạm tội của bị cáo Lan.
Các kháng cáo của bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều bị HĐXX không chấp nhận. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Cụ thể, Nguyễn Phương Hồng là người đề xuất Trương Mỹ Lan sử dụng Công ty An Đông và các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát VTP phát phát hành trái phiếu, giúp sức tích cực trong việc lên phương án chạy dòng tiền, quản lý, sử dụng và theo dõi tiền trái phiếu, giúp cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền hơn 30.000 tỉ đồng.
Nguyễn Tiến Thành là người trực tiếp chủ trương, nhận chủ trương bàn bạc với Trương Mỹ Lan và các nhân sự cấp cao của tập đoàn VTP để lên phương án phát hành trái phiếu, trực tiếp ấn định thông tin chỉ đạo, điều hành các nhân viên thực hiện quy trình tư vấn phát hành trái phiếu cho bốn công ty, giúp bị cáo Lan chiếm đoạt số tiền hơn 30.000 tỉ đồng.
Hai đối tượng này đều đã chết trong quá trình điều tra, trong khi đó chưa xác minh làm rõ nguồn gốc tài sản nhà đất, tính pháp lý của các tài khoản ngân hàng cổ phần… có liên quan hay không với hành vi phạm tội của các bị cáo. Vì vậy, bản án sơ thẩm tiếp tục kiến nghị cơ quan CSĐT tra Bộ Công an xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật là phù hợp. Từ đó không có căn cứ chấp nhận kháng cáo, cần tiếp tục kê biên, phong tỏa các tài sản này.
Bác kháng cáo của ngân hàng SCB
Ngân hàng SCB kháng cáo yêu cầu ông Nguyễn Văn Liêm phải trả lại cho ngân hàng 1.000 tỉ đồng vì cho rằng số tiền mà bà Trương Mỹ Lan chuyển cho ông Liêm có nguồn gốc từ ngân hàng.
HĐXX thấy rằng quá trình điều tra, có đủ cơ sở chứng minh là khoản tiền của bị cáo Trương Mỹ Lan đầu tư vào dự án của ông Nguyễn Văn Liêm trong dự án Khu đô thị phát triển An Phú tại phường An Phú, TP Thủ Đức do Công ty cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm là chủ đầu tư có khoảng 20 % là vốn góp nhà nước.
Điều này phù hợp với lời khai của những người liên quan như Hồ Quốc Minh, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung... là thực hiện việc chuyển nhượng dự án, chuyển tiền theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Bản án sơ thẩm xác định ông Nguyễn Văn Liêm có nhận 1.000 tỉ đồng từ bị cáo Lan nên tuyên buộc ông Liêm phải trả lại cho bị cáo Lan số tiền trên để khắc phục hậu quả trong toàn bộ vụ án và tiếp tục duy trì lệnh chế biên, ngăn chặn giao dịch đối với các tài sản là phù hợp, đảm bảo việc thi hành án. Do đó, kháng cáo của ngân hàng SCB về vấn đề này là không có căn cứ chấp nhận.
Bà Trương Mỹ Lan không được miễn 30 tỉ đồng án phí
Về kháng cáo của bà Lan đề nghị được miễn án phí dân sự hơn 30 tỉ đồng do là người cao tuổi, HĐXX không chấp nhận. Lý do, theo quy định tại Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì bị cáo phải chịu án phí theo quy định pháp luật, trong vụ án này bị cáo Lan không có căn cứ và đủ điều kiện để miễn phí như bị cáo và luật sư trình bày
Bị cáo Bùi Văn Dũng (lái xe của bà Lan) đề nghị nhận lại số tiền 13 tỉ đồng trong năm tài khoản vì cho rằng đây là số tiền gửi tiết kiệm, không liên quan đến hành vi phạm tội. Tuy nhiên, HĐXX thấy rằng tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo cho rằng số tiền trên có được từ nguồn lương và đầu tư bất động sản. Đến phiên tòa phúc thẩm định, luật sư và bị cáo cho rằng nguồn tiền từ tài khoản mở sổ tiết kiệm từ năm 2006 nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho các thu nhập khác ngoài mức lương 12 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận đã nhiều lần (khoảng 80 lần) chuyển số tiền 1.100 tỉ có nguồn gốc từ phát hành trái phiếu để chuyển cho các đối tượng khác theo chỉ đạo của bị cáo Lan và đều được bị cáo Lan bồi dưỡng cho mỗi lần chuyển tiền. Như vậy, có căn cứ xác định số tiền trên liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo, án sơ thẩm tuyên tiếp tục duy trì, phong tỏa tài khoản để đảm bảo thi hành nghĩa vụ là phù hợp.
Trong số các bị cáo, Trương Huệ Vân (cháu bị cáo Lan) kháng cáo đề nghị trả lại 11 đồng hồ và 13 điện thoại di động vì trong quá trình thu giữ, điều tra án sơ thẩm không đề cập xử lý.
HĐXX xét thấy bản sơ thẩm có nhận định tài sản thu giữ của người liên quan và các bị cáo khác ngoài bị cáo Lan gồm điện thoại di động, máy tính, ổ cứng, CPU... là tài sản cá nhân không liên quan đến hành vi phạm tội nên trả cho các bị cáo và người liên quan.
Cũng tại phần quyết định của bản án sơ thẩm tiếp tục tạm giữ và trả lại tài sản, đồ vật thu giữ cho các bị cáo và người liên quan chi tiết kèm theo phụ lục. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đối chiếu, số tài sản trên của bị cáo Vân bị thu giữ trong quá trình điều tra vụ án trong giai đoạn 1 không có trong phụ lục số 09 mà nằm trong phụ lục số 18 kèm theo bản.
Trong giai đoạn 2 của vụ án thì tòa án cấp sơ thẩm không giải quyết đối với số tài sản trên nên cấp phúc thẩm cũng không có cơ sở xem xét. Vì vậy, HĐXX giao cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục xác minh làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật đối với số tài sản trên của bị cáo Vân nhằm đảm bảo quyền lợi cho bị cáo này.
Bác yêu cầu tính lãi của các bị hại
Đối với kháng cáo yêu cầu thanh toán tiền lãi, tiền gốc, hợp đồng mua bán trái phiếu của các bị hại, HĐXX xét thấy tại bản án sơ thẩm đã xác định các bị cáo đã dùng thủ đoạn gian dối phát hành hơn 308.691 trái phiếu với tổng giá trị chiếm đoạt hơn 30.800 tỉ đồng.
Sau khi khấu trừ đi phần gốc, lãi bị hại đã thanh toán hiện còn dư nợ hơn 30.081 tỉ đồng của 35.824 bị hại. Trong số này đã bao gồm 105 cá nhân nhận chuyển nhượng trái phiếu tại thời điểm truy tố. Tại phiên tòa sơ thẩm đã xác định phạm vi trách nhiệm dân sự của các bị cáo và bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn cho các bị hại là hơn 30.000 tỉ đồng
Như vậy, số tiền chiếm đoạt và giá trị bị chiếm đoạt của từng bị hại được xác định trên số lượng trái phiếu bị hại đang sở hữu tương với mệnh giá của một trái phiếu là 100.000 đồng và dùng làm căn cứ truy cứu trách nhiệm đối với các bị cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Do đó, kháng cáo về lãi, phí chuyển nhượng và các loại thiệt hại khác cấp sơ thẩm nhận định không xem xét giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại về lãi, phí chuyển nhượng và các chi phí khác. Các nội dung này sẽ được xem xét, giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự nếu các bên có yêu cầu là phù hợp. Từ đó không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của các bị hại.
HỮU ĐĂNG