Ngày 8.5, phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với vụ sai phạm xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil) và một số cơ quan, tổ chức liên quan, tiếp tục với phần phát biểu quan điểm của đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM.
Theo đại diện VKS, hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây thất thoát tài sản nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, nhiều cán bộ nhà nước bị xử lý.
Trong đó, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (Chủ tịch HĐTV Xuyên Việt Oil) giữ vai trò chính, chỉ đạo cấp dưới chiếm đoạt 219 tỉ đồng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG); thu hộ nhà nước tiền thuế bảo vệ môi trường 1.244 tỉ đồng nhưng không chuyển vào ngân sách nhà nước mà sử dụng vào mục đích cá nhân.
VKS cấp phúc thẩm nhận thấy bản án sơ thẩm đã đánh giá đúng vai trò của từng bị cáo và đưa ra hình phạt phù hợp.
Cảnh phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: PLO
Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm, VKS ghi nhận thêm tình tiết mới khi các bị cáo đều đã chủ động nộp thêm tiền khắc phục hậu quả của vụ án. Điển hình như bị cáo Nguyễn Lộc An nộp thêm 100 triệu, bị cáo Lê Đức Thọ đồng ý dùng toàn bộ số tiền trong ba sổ tiết kiệm (khoảng 15 tỉ đồng)... khắc phục hậu quả.
Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX giảm nhẹ cho bị cáo Lê Đức Thọ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) từ 1 - 2 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; giảm từ 4 - 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Tổng mức đề nghị giảm nhẹ cho cả hai tội danh là từ 5 - 7 năm tù.
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh được đề nghị giảm hình phạt từ 18 - 24 tháng tù. Các bị cáo còn lại được đề nghị giảm hình phạt từ 9 - 24 tháng tù.
Theo nội dung vụ án, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh là người đại diện theo pháp luật, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty Xuyên Việt Oil.
Quá trình điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu tại công ty, lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, bị cáo Hạnh đã vi phạm các quy định về sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu và tiền thuế bảo vệ môi trường gây thất thoát tài sản nhà nước 1.463 tỉ đồng. Trong đó, thất thoát từ quỹ bình ổn giá là 219 tỉ đồng, thất thoát từ thuế bảo vệ môi trường là 1.244 tỉ đồng.
Bị cáo Hạnh đã không chỉ đạo nhân viên trích lập quỹ bình ổn giá theo quy định mà chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Sau đó, bị cáo dùng tiền này để mua hàng, cho bạn bè vay mượn, chi tiêu cá nhân, đưa hối lộ cho một số cá nhân tại Bộ Công Thương.
Đối với việc thu hộ, quản lý và chuyển nộp tiền thuế bảo vệ môi trường, bị cáo Hạnh cố ý sử dụng số tiền thu hộ vào các mục đích cá nhân mà không nộp tiền chuyển vào ngân sách nhà nước.
Tổng cộng, bị cáo Hạnh đã đưa hối lộ 22 lần với số tiền hơn 31 tỉ đồng cho 8 cá nhân.
Trong vụ án này, bị cáo Lê Đức Thọ bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 13,8 tỉ đồng, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi hơn 22 tỉ đồng.
Theo bản án sơ thẩm, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị tuyên 15 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, 13 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, tổng cộng 28 năm tù. Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh bị tòa sơ thẩm tuyên án 30 năm tù.
Nhật Anh (tổng hợp)