Nhà vệ sinh công cộng trên đường Tôn Thất Tùng, quận 1, TPHCM
Phát triển mạng lưới NVSCC
Đưa gia đình đi du lịch tại TPHCM, chị Phạm Thị Thảo (quê Hải Phòng) bất ngờ với mạng lưới NVSCC ở trung tâm thành phố. Chị Thảo kể, mẹ chị bị yếu thận nên rất ngại đi du lịch, thuyết phục mãi bà mới đi. Hôm trước, đang dạo bộ trên phố Bùi Viện, quận 1, bà có nhu cầu đi vệ sinh nhưng quan sát xung quanh không có NVSCC. Cô cháu gái đi cùng dắt bà vào một cửa hàng ăn uống để “giải quyết nỗi buồn”. Lúc đi ra, bà tính mua món đồ gì đó để đỡ ngại với chị chủ cửa hàng, nhưng chị chủ bảo nhà vệ sinh tại cửa hàng có tham gia mạng lưới NVSCC của quận 1 nên mọi người dân, du khách có thể dùng mà không phải trả tiền hay mua hàng.
“Tôi thấy mô hình này rất hay. Việc bố trí nhà vệ sinh để phục vụ cho người dân, du khách trong quá trình tham quan, lưu thông trên đường tưởng nhỏ nhưng không nhỏ. Với chúng tôi, đây là điểm cộng lớn khi trải nghiệm tại TPHCM”, chị Thảo chia sẻ.
Tham gia mạng lưới NVSCC miễn phí cho người dân và du khách của quận 1 ngay từ những ngày đầu địa phương này triển khai, ông Đỗ Việt Anh, chủ quán cà phê Aquarius (213 Nguyễn Văn Thủ, quận 1), cho biết, ông thấy đây là chủ trương rất tích cực nên đồng ý tham gia. Ông cũng luôn nhắc nhở nhân viên lau dọn nhà vệ sinh sạch sẽ và có thái độ cởi mở với tất cả khách vào sử dụng, dù họ không sử dụng bất cứ dịch vụ gì.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Việt Anh, tuy trên bản đồ Google có thể hiện các điểm nhà vệ sinh miễn phí, người dân và du khách vẫn e dè; do đó cần tuyên truyền nhiều hơn, đồng thời xây dựng thêm các NVSCC đạt chuẩn, đặt ở những vị trí dễ nhận diện để người dân, du khách thoải mái sử dụng.
Theo Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 1 Nguyễn Thành Phát, năm 2023, quận lắp đặt mới 4 nhà vệ sinh hiện đại tại các khu đất trống trong trung tâm thành phố để phục vụ du khách. Cùng với hệ thống nhà vệ sinh hiện hữu được xây dựng chuẩn 4-5 sao tại các công viên, NVSCC tại các chợ, trạm xe buýt, khu dân cư, quận 1 cũng đã vận động các chủ sở hữu, đơn vị quản lý các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân và du khách được sử dụng nhà vệ sinh miễn phí.
Cải thiện chất lượng
'Thực tế hiện nay, có nhiều NVSCC được đầu tư xây dựng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của người dân, du khách. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều NVSCC xuống cấp, hư hỏng, gây mất mỹ quan đô thị, gây phản cảm cho du khách.
Ông Nguyễn Văn Thịnh (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) là tài xế chạy xe ôm công nghệ nên thường ghé nhà vệ sinh tại Công viên 23-9 (quận 1), bởi nhà vệ sinh nơi này vừa miễn phí lại sạch sẽ, có chỗ đỗ xe. Bày tỏ hài lòng với chất lượng NVSCC ở quận 1, nhưng ông Thịnh cho biết ở một số khu vực khác, nhà vệ sinh không sạch sẽ lắm, một số khu vực trung tâm thành phố nhưng có rất ít NVSCC. Vì vậy, ông mong muốn các quận, huyện đầu tư thêm hệ thống NVSCC để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách.
Thống kê của Sở TN-MT TPHCM cho thấy, toàn thành phố hiện có 2.165 NVSCC. Trong đó, tại các khu vực công cộng như công viên, bến xe, ga tàu, vỉa hè… có 283 điểm; ở các cơ sở kinh doanh, dịch vụ có 1.882 điểm. Sở TN-MT đánh giá: có NVSCC được bố trí người trực thường xuyên để quản lý, vận hành và đảm bảo chất lượng; tuy nhiên, một số nơi chỉ được vệ sinh định kỳ, không có người vận hành và không thu phí, dẫn đến chất lượng vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, chất lượng phục vụ chưa đạt yêu cầu.
Sở TN-MT đã có tờ trình gửi UBND TPHCM về dự thảo Đề án “Cải thiện số lượng và chất lượng NVSCC trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2024-2025”. Dự thảo đề án đặt mục tiêu đến hết quý 4-2024 vận động thêm ít nhất 200 cơ sở kinh doanh, dịch vụ tại các quận 1, 3, 5 đồng ý cho khách du lịch, người dân sử dụng nhà vệ sinh tại cơ sở.
Hết quý 1-2025, sẽ nâng cấp, cải tạo 80 nhà vệ sinh hiện hữu đã xuống cấp, hư hỏng. Hết quý 3-2025 hoàn thành việc đầu tư mới 172 nhà vệ sinh, vận động 500 cơ sở dịch vụ cho sử dụng nhà vệ sinh. Đến hết năm 2025, vận động đạt tổng số hơn 600 cơ sở kinh doanh, dịch vụ ở các quận, huyện, TP Thủ Đức đồng ý cho khách du lịch, người dân sử dụng nhà vệ sinh tại cơ sở.
Theo dự thảo Đề án “Cải thiện số lượng và chất lượng NVSCC trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2024-2025”, TPHCM ưu tiên lựa chọn các khu vực tập trung đông người, khuyến khích lựa chọn vị trí NVSCC có diện tích đất rộng rãi, phù hợp với cảnh quan khu vực xung quanh. Sẽ có hai loại mẫu NVSCC gồm kiên cố và di động, có mẫu mã được thiết kế hiện đại, phù hợp mỹ quan đô thị và thân thiện với môi trường. TPHCM khuyến khích ưu tiên sử dụng các mẫu NVSCC dạng di động để thuận lợi cho việc tháo lắp, di dời hoặc giải tỏa khi có yêu cầu của cơ quan, đơn vị có chức năng.
THU HƯỜNG - ĐÔNG SƠN