Rộn ràng sắc màu đón Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng. Ảnh: Phan Bình
Theo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, trong những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, bà con đi dâng hoa, nghe lời kinh, niệm Phật. Sau phần lễ, bà con bước vào không khí tưng bừng của ngày Tết, đó là phật tử đến chùa chiêm bái, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. Ngoài ra, đồng bào dân tộc Khmer còn được thưởng thức những tiết mục văn nghệ như múa Rô băm, Lâm thôn, Dù kê... dưới dàn nhạc ngũ âm. Bởi với đồng bào Khmer Nam Bộ, chùa là nơi sinh hoạt văn hóa, chỗ dựa tinh thần, nơi tín ngưỡng tôn nghiêm nhất của cả cộng đồng. Vì vậy, hầu hết các lễ hội đều được diễn ra và kết thúc tại chùa.
Trong ngày đầu của năm mới, tại chùa Serey Tamon (xã Viên Bình, huyện Trần Đề), trong không gian ngập tràn sắc màu Phật giáo, bằng tấm lòng tôn kính, đồng bào phật tử thực hiện nghi thức đặt bát hội dâng những mâm cơm lên các vị sư. Thượng tọa Trần Văn Tha, Hội phó Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, Sư cả chùa Serey Tamon cho biết: “Tết Chôl Chnăm Thmây là dịp để giáo dục con cháu về lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ; đồng thời, là điều kiện để sum họp gia đình, gặp gỡ bè bạn, mừng tuổi, mừng thành quả qua một năm lao động sản xuất, học tập... Qua đó, hướng mọi người làm những việc thiện để năm mới, bản thân và gia đình được hưởng an vui, hạnh phúc”.
“Để chuẩn bị Tết Chôl Chnăm Thmây, chùa đã trang hoàng lại các công trình, hạng mục, treo cờ tạo mỹ quan cho khuôn viên chùa. Tuy là ngày Tết lớn nhất trong năm, nhưng chùa chỉ tổ chức với hình thức gọn nhẹ mà vẫn đảm bảo đầy đủ các lễ nghi, phong tục truyền thống” - Thượng tọa Trần Văn Tha nói.
Về ấp Lao Dên, xã Viên Bình trong những ngày này, dễ dàng bắt gặp cảnh nhà nhà đón Tết Chôl Chnăm Thmây. Với ý nghĩa bắt đầu một năm mới, ai cũng phấn khởi sửa sang, trang hoàng lại nhà cửa của mình. Ông Lâm Dưng vui vẻ nói: “Những năm qua, nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư các công trình phúc lợi xã hội nên đời sống của người dân nơi đây không ngừng được cải thiện. Có đường giao thông nên việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân và việc đến trường của học sinh thuận tiện hơn trước rất nhiều. Rồi có điện, bà con đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Từ đó, kinh tế gia đình không ngừng được cải thiện, việc đón Tết cũng sung túc hơn những năm trước rất nhiều”.
Để đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây vui tươi, an toàn và đậm đà bản sắc dân tộc, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, tổ chức thăm viếng, chúc mừng và tặng quà ở tất cả các chùa Khmer, các gia đình chính sách, gia đình nghèo, những người có uy tín, tiêu biểu trong phum sóc... Sự quan tâm đó làm cho Tết cổ truyền của đồng bào thêm vui tươi và đậm đà ý nghĩa. Đây còn là nguồn động viên, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, là động lực để mỗi gia đình, cá nhân người dân tộc Khmer phấn đấu trong sản xuất, lao động và học tập, xây dựng gia đình no ấm, phum sóc phồn thịnh.
Hiện nay, điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang từng bước được cải thiện; đồng bào có cơ hội tiếp cận các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập, các nhu cầu xã hội thiết yếu cơ bản được đáp ứng. Cuộc sống mới với nhiều đổi thay trên những vùng quê đã mang lại nhiều niềm vui cho đồng bào dân tộc Khmer trong dịp đón Tết Chôl Chnăm Thmây.
Bà Thạch Si Phương, ấp Phước Quới (xã Phú Tân, huyện Châu Thành) bộc bạch: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, rất ít đất sản xuất, hằng ngày phải đi làm thuê, thu nhập không được bao nhiêu. 2 năm trước, được xã hỗ trợ vay vốn ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, gia đình tôi mua 2 con bò sinh sản, tận dụng đất quanh nhà trồng cỏ nên nay, bò phát triển tốt, gia đình rất phấn khởi. Ngoài ra, gia đình tôi được Nhà nước cho vay tiền đầu tư kéo đường ống, lắp đặt đồng hồ nước. Từ khi có nước sạch sử dụng, việc chăn nuôi cũng thuận lợi hơn trước. Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước chăm lo cho người dân, trong đó có gia đình tôi”.
Trong thời khắc đón Tết Chôl Chnăm Thmây cổ truyền, bà con nghe lời cầu kinh, niệm Phật, được xem các lễ hội dân gian. Các cô gái Khmer mặc sà rông sặc sỡ, tay bưng mâm có tấm lụa vàng phủ các lễ vật cúng Phật. Tất cả diễn ra trong khung cảnh thanh bình, no ấm thể hiện cuộc sống mới ngày càng sung túc của đồng bào Khmer.
Ông Lâm Hoàng Mẫu, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trong những năm qua, ngoài việc thực hiện các chính sách đặc thù theo các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Sóc Trăng tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer. Sự quan tâm của Nhà nước cùng với quyết tâm vươn lên của người dân đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer.
Phan Bình