Bộ GTVT vừa giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Có ý kiến đại biểu cho rằng từ ga Phủ Lý đến Ninh Bình còn nhiều đoạn cong, điểm cong tạo cho tuyến dài ra, như vậy chưa phù hợp với quan điểm nghiên cứu, lựa chọn tuyến ngắn nhất có thể. Nội dung này cũng liên quan đến việc bố trí ga Nam Định.
Bộ GTVT cho biết, hướng tuyến đường sắt tốc độ cao qua TP Nam Định được nghiên cứu đảm bảo phù hợp quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch các vùng và quy hoạch tỉnh; trong quá trình nghiên cứu đã đưa ra 3 phương án để phân tích so sánh lựa chọn.
Với vai trò là trung tâm phía Nam vùng Duyên hải Bắc Bộ, TP Nam Định có quy mô dân số quy hoạch đến năm 2040 khoảng 600.000 dân, là đầu mối giao thông có nhu cầu vận tải lớn, vùng hấp dẫn các địa phương lân cận trong khu vực Đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Hưng Yên... lên đến khoảng 4 triệu dân.
Theo dự báo đến năm 2050, nhu cầu đi và đến ga Nam Định khoảng gần 3 triệu khách/năm. Nếu tính chi phí đầu tư và vận hành khai thác trong 30 năm đoạn tuyến qua Nam Định (12km) sẽ có chi phí khoảng 1,66 tỷ USD, trong khi các lợi ích thu được ước khoảng 2,06 tỷ USD.
Bộ GTVT cho biết, kinh nghiệm thế giới đã cho thấy có nhiều trường hợp tuyến đường sắt tốc độ cao đi vòng qua các trung tâm lớn để thu hút hành khách thay vì đi thẳng như tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,...
Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, với 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, tính mỗi ga dừng 5 phút thì việc di chuyển từ Hà Nội vào TPHCM mất hơn 7 giờ, không thể là 5,5 giờ như báo cáo.
Giải trình nội dung này, Bộ GTVT cho biết, theo tính toán của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trong điều kiện bình thường tàu chỉ dừng ở 5 ga chính (Ngọc Hồi, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Thủ Thiêm), thời gian hành trình Bắc - Nam khoảng 5,3 giờ. Tàu dừng đan xen ở 23 ga, thời gian hành trình Bắc - Nam khoảng 6,6 giờ.
Thời gian này đã bao gồm thời gian dừng tàu tại mỗi ga khoảng 2 phút, tương tự như các nước đang khai thác đường sắt tốc độ cao trên thế giới.
Phương án tổ chức khai thác sẽ được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu vận tải tại từng thời điểm, đối tượng phục vụ, bảo đảm khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng, phục vụ quốc phòng an ninh.
Ngoài ra có ý kiến cho rằng đường sắt chủ yếu vận chuyển hành khách, mà hành khách không thể tập trung từ Hà Nội và đi một mạch về TPHCM, với 1.400km, phải qua 23 ga. Trong đó có những ga khoảng cách rất gần, đại biểu Quốc hội đề nghị tính toán kỹ hơn tổng thời gian tối ưu di chuyển.
Bộ GTVT nêu rõ nguyên tắc bố trí ga là phải bảo đảm cự ly phù hợp nhằm khai thác có hiệu quả hạ tầng, phương tiện (bảo đảm khoảng cách tăng, giảm tốc).
Theo tính toán cự ly đủ để đoàn tàu từ khi xuất phát đến khi đạt tốc độ khai thác tối đa 320km/h và giảm tốc độ đến khi dừng là khoảng 16,5km.
Để nâng cao hiệu quả khai thác, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đề xuất cự ly giữa hai ga liền kề khoảng 50-70km, đồng thời tổ chức chạy tàu dừng đan xen ở tất cả các ga nên cự ly dừng tàu giữa hai ga thực tế khoảng 100-140km.
Do đó, đoàn tàu không bị hạn chế tốc độ khai thác làm ảnh hưởng đến thời gian tối ưu và bảo đảm thu hút nhu cầu vận tải.
Trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi Bộ GTVT sẽ chỉ đạo tư vấn tiếp tục khảo sát, điều tra, dự báo nhu cầu vận tải làm cơ sở tính toán, xác định quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, phương án đầu tư các ga bảo đảm phù hợp, hiệu quả, khả thi.
Dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vào ngày cuối cùng của kỳ họp thứ 8 (30/11).
Trần Thường