Phương án kiến trúc đoạt giải Nhất trong cuộc thi thiết kế cầu Ngọc Hồi mang tên "Cổng Mặt Trời" do Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Cầu lớn – Hầm thực hiện. Thiết kế này không chỉ nổi bật về mặt kỹ thuật mà còn mang đậm ý nghĩa biểu tượng văn hóa và thẩm mỹ.
Theo đại diện đơn vị đoạt giải Nhất, Ngọc Hồi là cây cầu duy nhất trong số các cầu vượt sông Hồng tại địa bàn Hà Nội có hướng tuyến gần như chính xác theo trục Đông - Tây. Nhờ đặc điểm định hướng đặc biệt này, xét trong toàn bộ quỹ đạo biểu kiến của mặt trời tại vị trí xây dựng, người di chuyển trên cầu đều có thể quan sát rõ khung cảnh mặt trời mọc và lặn vào tất cả các ngày trong năm; đặc biệt, vào một số thời điểm cụ thể mặt trời sẽ mọc và lặn trùng khớp hoàn hảo với trục di chuyển của cầu. Khai thác đặc điểm riêng biệt này, phương án thiết kế kiến trúc cầu Ngọc Hồi được phát triển dựa trên ý niệm "Cổng mặt trời" biến cây cầu thành nơi chào đón và tạm biệt mặt trời mỗi ngày. Vào thời khắc bình minh và hoàng hôn, chúng ta luôn tìm được điểm nhìn mà mặt trời đi qua vòm cổng do kiến trúc trụ cầu tạo ra, đặc biệt có rất nhiều những thời điểm chúng ta có thể cảm nhận được khung cảnh này ngay trong quá trình di chuyển bằng phương tiện cơ giới trên cầu.
Về hình tượng hai chữ "H" được thể hiện rõ nét trong ngôn ngữ kiến trúc của cây cầu, biểu đạt sâu sắc ý niệm về sự Hòa hợp, hài hòa và hợp tác giữa hai địa phương Hà Nội và Hưng Yên mà cây cầu trực tiếp kết nối. Hai trụ treo dây theo phương thẳng đứng và dầm ngang kết nối trụ cầu đều là các thành phần kết cấu bản chất của tổ hợp trụ cầu, sự sắp xếp tổ hợp của 3 yếu tố trên tạo thành chữ H có kích thước khổng lồ, vô cùng ấn tượng trong trải nghiệm của người quan sát. Điều này liên kết mạnh mẽ cây cầu với địa phương và tính chất kết nối của nó. Hình tượng 2 chữ "H" trong kiến trúc cầu còn mang ý nghĩa biểu tượng về sự gắn kết hòa hợp, hài hòa và hợp tác.
Đặc biệt, khi quan sát kỹ tổ hợp kết cấu trụ cầu, hình dáng chữ "H" xuất hiện trong khung cảnh dễ dàng gợi liên tưởng đến hình ảnh hai con người đang bắt tay nhau - một hình ảnh biểu tượng giàu sức biểu cảm, thể hiện rõ nét tinh thần hợp tác, tích cực và sự kết nối chặt chẽ giữa hai vùng đất.
Các thủ pháp kiến trúc hình khối và mặt đứng tổng thể của cây cầu được định hình bởi những đường nét kỷ hà mạnh mẽ, cô đọng và dứt khoát. Ba tuyến cấu trúc - trụ cầu (đứng), thân cầu (ngang) và hệ dây văng (chéo) - được tổ hợp hài hòa, tương tác lẫn nhau, tạo nên một tổng thể kiến trúc cân bằng, khỏe khoắn. Sự mạnh mẽ và góc cạnh của cây cầu này càng trở nên nổi bật khi đặt trong khung cảnh hữu cơ mềm mại của tự nhiên và nền đô thị, tạo nên một công trình đầy ấn tượng, giàu sức biểu cảm và có tính biểu tượng cao.Kiến trúc cây cầu được định hình như một cửa ngõ phía Đông của Hà Nội, mở ra, kết nối và lan tỏa đến khắp các vùng miền cả nước. Với quy mô hoành tráng, ngôn ngữ kiến trúc ấn tượng và giàu biểu cảm, cây cầu vừa trở thành điểm nhấn nổi bật trong cảnh quan, vừa hòa quyện hài hòa với bối cảnh rộng lớn xung quanh. Đây sẽ trở thành một cổng chào mang tính biểu tượng tại cửa ngõ phía Đông thủ đô, mở ra sự liên kết chặt chẽ và năng động với các địa phương trọng điểm như Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng, qua đó thể hiện rõ nét tinh thần cởi mở, kết nối, lan tỏa của Hà Nội đến mọi miền đất nước.
Kiến trúc trụ cầu, quan sát theo hướng dọc dòng sông, trụ cầu thể hiện hình dáng vươn cao, hướng thẳng lên bầu trời một cách mạnh mẽ.Tại vị trí tiếp giáp mặt nước, chân trụ được xử lý tách đôi thành hai nhánh riêng biệt, giúp các đường nét tổng thể của trụ hài hòa và tương tác hiệu quả với các đường chéo của hệ dây văng. Giải pháp này không chỉ gia tăng cảm nhận vững chãi, mà còn làm tăng hiệu ứng lập thể, khiến tổ hợp trụ trở nên sinh động, linh hoạt, và có hình ảnh biến đổi đa dạng tùy theo góc nhìn khác nhau.Quan sát theo phương ngang cầu, hai trụ chính thẳng đứng liên kết với dầm ngang tạo thành hình dáng chữ H đặc trưng. Dầm kết nối không chỉ đóng vai trò kết cấu, gia tăng độ ổn định ngang của toàn bộ tổ hợp trụ, mà còn được cách điệu với hiệu ứng vòm, mô phỏng hình ảnh cổng chào ở cả phía trên lẫn phía dưới, phục vụ ý đồ tạo hình chủ đạo của phương án kiến trúc.
Các mặt cong tạo vòm bên trong thân trụ và dầm ngang nối trụ được chia thành tổ hợp các diện phẳng tam giác nhỏ. Tổ hợp các diện tam giác nhỏ này tạo thành 1 mặt cong có chi tiết, tương phản với các diện lớn bê tông phẳng bên ngoài thân trụ. Đặc biệt, các diện tam giác này được hoàn thiện bằng lớp ốp gò đồng với độ nhám bề mặt khác nhau, được sắp xếp có chủ đích để tái hiện họa tiết mặt trời trên toàn bộ vòm cong. Giải pháp này không chỉ tạo hiệu ứng thị giác độc đáo mà còn làm cho ý niệm "Cổng Mặt Trời" trở thành sợi dây xuyên suốt, kết nối chặt chẽ từ tổng thể đến chi tiết, gia tăng giá trị biểu tượng của công trình.
Hệ thống đèn đường chiếu sáng cho cầu chính được thiết kế đặc biệt, các trụ đèn đường được thiết kế nghiêng theo tuyến treo dây văng, hệ đèn đường và dây văng tạo nên hình ảnh chùm tia sáng tỏa ra từ mặt trời, ý tưởng thiết kế này đặc biệt hiệu quả với hiệu ứng ánh sáng vào buổi tối. Lan can trên cầu chính và các khu vực lân cận được thiết kế với họa tiết mặt trời, tạo nên sự kết nối xuyên suốt trong tổng thể kiến trúc. Họa tiết trang trí được tối giản, đảm bảo thi công và bảo dưỡng dễ dàng, đồng thời mang lại hiệu ứng hình ảnh tinh tế, gợi lên hình ảnh mặt trời thấp thoáng, ý nhị khi di chuyển trên cầu. Giải pháp thiết kế này không chỉ củng cố sự thống nhất về ý niệm từ tổng thể đến chi tiết, mà còn đảm bảo sự cân bằng thị giác, tránh làm lu mờ các thành tố kiến trúc chính bởi những chi tiết trang trí nhỏ và rườm rà.
Tính điêu khắc của trụ cầu được biểu hiện rõ nét thông qua việc khai thác hiệu quả các cặp phạm trù tương phản. Đầu tiên là sự tương phản về tạo hình giữa các đường nét thẳng, chéo mạnh mẽ và những đường cong chuyển tiếp mềm mại tại thân trụ cũng như vòm cổng trụ cầu. Tiếp đến là sự đối lập chất cảm giữa vật liệu bê tông bề mặt bên ngoài thân trụ và vật liệu gò đồng hoàn thiện bên trong thân trụ. Những tương phản có chủ ý này giúp tổ hợp trụ cầu trở thành một tác phẩm điêu khắc giàu tính nghệ thuật, tạo nên ấn tượng mạnh mẽ trong trải nghiệm thị giác của người quan sát, không chỉ từ những góc nhìn toàn cảnh mà cả trong những góc nhìn gần - khi cảm nhận chi tiết về chất liệu và đường nét kiến trúc.
Lê Tươi