Phương án nào xóa ùn tắc, ô nhiễm tại Hà Nội, TPHCM?

Phương án nào xóa ùn tắc, ô nhiễm tại Hà Nội, TPHCM?
13 giờ trướcBài gốc
Hơn 200 thành phố trên thế giới đã có đường sắt đô thị
Bộ Giao thông vận tải - cơ quan soạn thảo - đã có tờ trình gửi Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TPHCM đến năm 2035.
Nói về vai trò của loại hình giao thông này, Bộ GTVT cho biết, trên thế giới đã có hơn 200 thành phố xây dựng hệ thống đường sắt đô thị. Đây là một phần quan trọng của hệ thống giao thông đô thị, giúp giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông, tai nạn và ô nhiễm môi trường.
Tại thành phố Hà Nội, có 10 tuyến đường sắt đô thị được đầu tư trước 2035.
Tại Nhật Bản, từ lâu quốc gia này đã dồn lực vào phát triển mạng lưới đường sắt đô thị, đặc biệt Thủ đô Tokyo sở hữu gần 900 nhà ga và năng lực vận chuyển lên đến 40 triệu lượt khách mỗi ngày. Các hệ thống đường sắt đô thị tại các thành phố như Paris, London, Berlin…đang được nâng cấp và mở rộng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của giao thông đô thị.
“Thực tiễn đã chứng minh, hạ tầng giao thông phát triển đến đâu, không gian phát triển mới được hình thành đến đó, quỹ đất được khai thác hiệu quả. Đường sắt đô thị là phương thức vận tải quan trọng, cung cấp hệ thống giao thông công cộng chất lượng cao, năng lực vận tải lớn, ổn định, tin cậy, an toàn, thân thiện môi trường”, Bộ GTVT nhấn mạnh.
Đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TPHCM bắt đầu triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng từ năm 2007, tuy nhiên, theo cơ quan soạn thảo, tiến độ triển khai còn chậm, không đáp ứng nhu cầu vận tải, hạ tầng giao thông không bắt kịp tốc độ đô thị hóa nhanh của thành phố.
Trong khi đó, hai thành phố lớn nhất cả nước xác định, đến năm 2035, phấn đấu cơ bản hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị theo các quy hoạch đã được duyệt, đảm nhận 30 - 40% thị phần vận tải hành khách công cộng.
Chính sách đặc thù huy động nguồn vốn
Theo Bộ GTVT, hiện TP. Hà Nội mới đưa vào vận hành khai thác tuyến số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông, chiều dài 13km; tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đoạn tuyến trên cao Nhổn Cầu - Giấy), chiều dài khoảng 8,5km. Trong khi đó, TPHCM đã vận hành, khai thác tuyến số 1, đoạn Bến Thành - Suối Tiên khoảng 19,7km.
“Việc triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại hai thành phố còn chậm, chưa đạt mục tiêu, nhu cầu phát triển và giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn trong thời gian qua. Vì vậy, cần nghiên cứu giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để huy động nguồn lực, rút ngắn trình tự, thủ tục nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị trong thời gian tới”, Bộ GTVT nêu rõ.
Trên cơ sở đó, dự thảo nghị quyết đề xuất nhóm chính sách về huy động nguồn vốn cho đường sắt đô thị tại hai thành phố này. Theo đó, Thủ tướng sẽ được quyết định phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán trong trường hợp ngân sách nhà nước bố trí hàng năm không đáp ứng tiến độ.
Ngoài ra, các thành phố này còn được sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác cho dự án trong trường hợp tương tự kể trên. “Việc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi không phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước”, Bộ GTVT cho hay.
Cùng với đó, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất cho phép thành phố huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện dự án; áp dụng theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định, hoặc đã có nhưng khác với quy định của nhà tài trợ nước ngoài.
Tại thành phố Hà Nội có 10 tuyến được đầu tư trước 2035:
Tuyến 1: Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh
Tuyến 2: Nội Bài - Thượng Đình - Bưởi
Tuyến 2A: Cát Linh - Hà Đông - Xuân Mai
Tuyến 3: Trôi - Nhổn - Yên Sở
Tuyến 4: Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà
Tuyến 5: Văn Cao - Hòa Lạc
Tuyến 6: Nội Bài - Ngọc Hồi
Tuyến 7: Mê Linh - Hà Đông
Tuyến 8: Sơn Đồng - Mai Dịch - vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá
Tuyến vệ tinh: Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai
Tại TPHCM có 7 tuyến được đầu tư trước 2035:
Tuyến 1: Suối Tiên - Bến Thành - An Hạ
Tuyến 2: Củ Chi - QL22 - An Sương - Bến Thành - Thủ Thiêm
Tuyến 3: Hiệp Bình Phước - Bình Triệu - Ngã 6 Cộng Hòa - Tân Kiên - An Hạ
Tuyến 4: Đông Thạnh (Hóc Môn) - sân bay Tân Sơn Nhất - Bến Thành - Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị Hiệp phước
Tuyến 5: Long Trường - Xa lộ Hà Nội - cầu Sài Gòn - Bảy Hiền - Depot Đa Phước
Tuyến số 6: Vành đai trong
Tuyến 7: Tân Kiên - đường Nguyễn Văn Linh - Thủ Thiêm - Thảo Điền - Thanh Đa - Khu Công nghệ cao - Vinhomes Grand park
Luân Dũng
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/phuong-an-nao-xoa-un-tac-o-nhiem-tai-ha-noi-tphcm-post1712650.tpo