Cụ thể, phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy với các sở, cơ quan tương đương và đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố, Hà Nội đề xuất tiếp tục duy trì 10 sở và tương đương, gồm: Văn phòng UBND thành phố; Thanh tra thành phố; Sở Tư pháp; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Giao thông vận tải; Sở Xây dựng; Sở Quy hoạch - Kiến trúc; Sở Du lịch; Sở Ngoại vụ; Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố.
4 sở duy trì theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, gồm: Văn phòng UBND Thành phố, Thanh tra Thành phố, Sở Tư pháp, Sở Văn hóa và Thể thao;
5 sở: Giao thông vận tải; Xây dựng; Quy hoạch - Kiến trúc; Du lịch; Ngoại vụ được giữ lại bởi có yếu tố đặc thù của Thủ đô, cần thiết phải duy trì theo nội dung đánh giá. Cơ quan tương đương sở (không nằm trong cơ cấu 15 sở theo định hướng của Trung ương) được giữ lại là Trung tâm Phục vụ hành chính công (đơn vị đang thực hiện thí điểm theo chỉ đạo của Chính phủ).
Trong đề xuất nêu rõ, đề xuất duy trì các sở và tương đương nêu trên là cần thiết, bảo đảm tính đặc thù trong quản lý nhà nước của Thành phố, tính ổn định, kế thừa và phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay. Đối với các sở giữ nguyên, UBND TP. Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong đảm bảo mục đích, yêu cầu, nguyên tắc sắp xếp.
Phương án sắp xếp bộ máy của UBND TP. Hà Nội
Dự kiến, Hà Nội sẽ tiến hành sắp xếp, hợp nhất một số sở theo chủ trương của Trung ương. Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư hợp nhất với Sở Tài chính thành Sở Kinh tế - Tài chính; Sở Tài nguyên và Môi trường với Sở Nông nghiệp thành Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông; Sở Lao động Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ thành Sở Nội vụ và Lao động.
Hà Nội dự kiến không duy trì Ban Dân tộc trực thuộc UBND thành phố; chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của ban này về Sở Nội vụ và thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong cho phù hợp.
Sở Y tế dự kiến tiếp nhận chức năng quản lý Nhà nước về bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Sở Giáo dục và Đào tạo dự kiến tiếp nhận chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Sở Công Thương tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.
Hà Nội cũng đề xuất hợp nhất Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất và Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc; giải thể Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan có liên quan.
Thực hiện theo phương án trên, sau sắp xếp Hà Nội sẽ có 18 sở và cơ quan tương đương sở trực thuộc đúng với chỉ đạo định hướng tại văn bản ngày 18/12 của Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 của Chính phủ.
Hồng Quang