Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Minh Nhật
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Cửa Nam Phạm Tuấn Long, phường Cửa Nam là đơn vị hành chính mới được thành lập từ ngày 1/7/2025 trên cơ sở sáp nhập các phường thuộc quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng, phường Cửa Nam sở hữu vị trí trung tâm Thủ đô, tiếp giáp hồ Hoàn Kiếm và tập trung nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia, trụ sở các cơ quan Trung ương, trường đại học và bệnh viện lớn. Với diện tích chỉ 1,68 km² nhưng dân số trên 52.000 người, phường đang định hướng phát triển thành một khu vực xanh, hiện đại, sáng tạo. Từ những yếu tố trên, phường Cửa Nam có đầy đủ điều kiện để sẵn sàng triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND Thành phố, chỉ đạo của UBND Thành phố về thực hiện Vùng phát thải thấp, Khu phát triển thương mại và văn hóa và Trung tâm công nghiệp văn hóa trên địa bàn phường.
Về vùng phát thải thấp, UBND phường cho biết đang phối hợp với Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (Đại học Xây dựng) để mở rộng mô hình đã từng triển khai tại quận Hoàn Kiếm. Phạm vi áp dụng dự kiến bao phủ toàn bộ địa giới phường, tập trung kiểm soát khí thải từ giao thông, khuyến khích sử dụng phương tiện thân thiện môi trường, phát triển mạng lưới xe đạp công cộng và từng bước loại bỏ xe máy chạy xăng, phù hợp với lộ trình được nêu tại Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Không chỉ dừng lại ở giải pháp kỹ thuật, phường Cửa Nam còn chủ động đề xuất một số cơ chế đặc thù như tăng tỷ lệ cây xanh trên mái công trình, quy hoạch các bãi đỗ xe ngầm và kết nối vùng phát thải thấp với không gian đi bộ, các khu thương mại – văn hóa lân cận nhằm hình thành hệ sinh thái bền vững. Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện đề án vẫn gặp không ít khó khăn về thủ tục đấu thầu, nguồn kinh phí và áp lực về tiến độ, bởi mục tiêu đặt ra là phải trình HĐND Thành phố ngay trong năm 2025.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Minh Nhật
Trong lĩnh vực phát triển thương mại và văn hóa, phường đang xây dựng đề án thí điểm khu BID trên các tuyến phố đặc trưng như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hàng Bài, Nguyễn Chế Nghĩa… Mục tiêu là hình thành các không gian sáng tạo và hấp dẫn với chuỗi hoạt động như lễ hội văn hóa, nghệ thuật công cộng, mô hình phố đi bộ, phát triển sản phẩm du lịch bản địa gắn với cộng đồng cư dân. Mô hình Khu phát triển thương mại và văn hóa (BID) được đề xuất theo hướng tự quản, với sự tham gia của người dân, hộ kinh doanh và chính quyền sở tại.
Phường Cửa Nam kiến nghị Thành phố sớm ban hành quy chế mẫu cho mô hình BID để làm căn cứ pháp lý triển khai rộng rãi. Đồng thời, đề xuất cho phép linh hoạt về giờ hoạt động dịch vụ, cơ chế cấp phép tổ chức sự kiện và một số chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp, nghệ sĩ, cộng đồng sáng tạo cùng tham gia phát triển không gian đô thị.
Với trung tâm công nghiệp văn hóa, phường Cửa Nam mong muốn được thí điểm thành lập cơ sở đa chức năng tại một số địa điểm công sản như số 44 Trần Hưng Đạo, 12 Nguyễn Chế Nghĩa và 57 Cửa Nam. Các không gian này dự kiến bao gồm khu làm việc chung, phòng thí nghiệm công nghệ, khu trưng bày sản phẩm sáng tạo, tổ chức đào tạo, hội thảo, triển lãm. Phường đề xuất được giao quyền quản lý và vận hành theo mô hình hợp tác công – tư, qua đó huy động sự tham gia của sinh viên, startup, nghệ sĩ, chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sáng tạo.
Ngoài ra, phường Cửa Nam mong muốn được chính thức tham gia vào mạng lưới không gian sáng tạo của Hà Nội, đồng thời nhận hỗ trợ từ Thành phố về truyền thông, tài chính và đào tạo nguồn nhân lực khởi nghiệp. Phường nhấn mạnh vai trò của di tích lịch sử, nghề truyền thống và các trường học trong việc tích hợp văn hóa và công nghệ để hình thành bản sắc riêng cho đô thị sáng tạo tại trung tâm Thủ đô.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Cửa Nam Phạm Tuấn Long phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Nhật
Tại buổi làm việc, lãnh đạo phường kiến nghị Thành phố phê duyệt chủ trương thí điểm các mô hình trên, đồng thời hỗ trợ hoàn thiện thể chế, hạ tầng, cơ chế tài chính và hành lang pháp lý nhằm đảm bảo các nghị quyết của HĐND Thành phố được triển khai đúng tiến độ, đạt hiệu quả. Nếu các mô hình này thành công tại phường Cửa Nam, đây sẽ là cơ sở để nhân rộng ra nhiều địa bàn trung tâm khác, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành đô thị sáng tạo, xanh, văn minh và giàu bản sắc trong giai đoạn tới.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết nhằm cụ thể hóa ba nghị quyết lớn, đồng thời đưa ra các đề xuất thiết thực như: cần xây dựng kế hoạch cụ thể để giảm phát thải, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong nội đô; bảo tồn và phát triển các khu vực văn hóa, thương mại truyền thống; triển khai thí điểm các mô hình ở khu vực có tính biểu tượng nhằm đánh giá hiệu quả và nhân rộng phù hợp. Việc triển khai các nội dung này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành và chính quyền cơ sở.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn đánh giá cao tinh thần chủ động của phường Cửa Nam cũng như các ý kiến đóng góp từ đại diện sở, ngành và giới chuyên gia. Phó Chủ tịch UBND Thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch triển khai thi hành hai nghị quyết mới ban hành về lĩnh vực văn hóa, có hiệu lực từ ngày 20/7. Đồng thời, yêu cầu sớm hoàn thành công tác hành chính và xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công rõ nhiệm vụ cho từng sở, ngành. Trong đó, giao các phường như Hoàn Kiếm, Cửa Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng mô hình BID và trung tâm công nghiệp văn hóa, xác định rõ mốc thời gian thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông trong việc lan tỏa giá trị của các nghị quyết và đề nghị các cơ quan báo chí đồng hành, phản ánh kịp thời, sâu sắc quá trình triển khai, từ đó góp phần đưa nghị quyết vào cuộc sống một cách thực chất và hiệu quả.
Minh Nhật