Ngay trong chiều 22/7, UBND phường đã huy động xe ô tô và cán bộ các phòng, ban chức năng, tổ dân phố cùng lực lượng công an, quân sự, y tế đã đồng loạt di dời người dân tại 5 khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bão số 3 về địa điểm an toàn.
Lực lượng chức năng hỗ trợ đưa người cao tuổi làng vạn chài về nơi tránh trú an toàn.
Phương án cụ thể là người dân khu vực làng vạn chài thuộc tổ 14, phường Thịnh Lang cũ di chuyển về nhà văn hóa của phường cũ. Người dân tổ 15, phường Đồng Tiến cũ di chuyển về nhà văn hóa tổ. Người dân khu tập thể May Sông Đà cũ, gồm các nhà A8, A9 thuộc tổ 3, phường Tân Thịnh cũ di chuyển về nhà văn hóa tổ và trụ sở Công an phường Tân Thịnh cũ, Đội Trật tự cũ. Người dân tổ dân phố Ngọc 2, phường Trung Minh cũ di chuyển về về nhà văn hóa tổ hoặc các hộ tự bố trí. Người dân khu vực tổ 1, phường Phương Lâm cũ và tổ 1, phường Quỳnh Lâm cũ di chuyển về nhà văn hóa tổ hoặc tự bố trí.
Lực lượng chức năng di chuyển trẻ em làng vạn chài về nơi tránh trú an toàn.
Làng vạn chài thuộc tổ 14, phường Thịnh Lang cũ bồng bềnh trong gió bão. Đây là khu vực nguy hiểm, mỗi khi xảy ra mưa bão hoặc xả lũ Thủy điện Hòa Bình lớn đều phải “chạy” để đảm bảo an toàn. Ông Nguyễn Quế Đoàn, Tổ trưởng tổ 14 thông tin: Làng vạn chài có 52 hộ, 192 nhân khẩu, trong đó 22 người cao tuổi, 90 cháu độ tuổi học sinh. Trên thực tế, một số người đi làm ăn xa, đi học, công nhân hoặc đã tự di chuyển đến nhà người thân quen. Người cao tuổi và trẻ nhỏ đã được lực lượng chức năng chuyển đến nơi an toàn.
Người dân làng vạn chài neo nhà bè vào cây to trên bờ đề phòng bị trôi.
Giữa cơn mưa xối xả, gió vần vũ rít từng cơn, được cán bộ đến tận nhà bè tuyên truyền, ông Nguyễn Xuân Hòa nhanh chóng chuẩn bị túi quần áo cho 5 người trong gia đình để di dời. Chị Ngô Thị Việt nhà kế bên thoăn thoắt buộc lại tấp liếp che nhà bè. Bà Ngô Thị Tới thì tất bật dùng dây thép và cây gỗ nẹp lại mái nhà và buộc dây thừng neo nhà vào gốc cây sung to trên bờ. “Tôi chằng cuộc nốt nhà bè cho yên tâm, rồi tối sẽ di chuyển đến nơi tránh trú. Chúng tôi cảm ơn chính quyền và cán bộ đã luôn kịp thời quan tâm để đảm bảo an toàn tính mạng cho dân” - bà Tới chia sẻ.
Tại khu tập thể May Sông Đà cũ, chính quyền đã căng dây cảnh báo nguy hiểm và di dời những người hiện có mặt tại 2 tòa nhà A8, A9 đến nơi an toàn. Theo ông Nguyễn Công Thưởng, Bí thư Chi tộ tổ 3, phường Tân Thịnh cũ, khu nhà này xây từ năm 1990, được cơ quan chức năng xác định đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy hiểm. Khu có 50 hộ, 165 nhân khẩu, một số người đi làm xa; còn lại chủ yếu làm công nhân may, nhưng đến khoảng 18 - 19 giờ mới hết ca trở về nhà. Tổ tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động người dân di chuyển đến nơi an toàn khi họ về nhà.
Người dân khu tập thể May Sông Đà cũ được di chuyển về nhà văn hóa tổ.
Ông Nguyễn Quốc Xuân Trung năm nay 83 tuổi, sống tại khu nhà A9 từ những năm đầu. Ông chia sẻ: Khi cán bộ tuyên truyền, tôi di chuyển ngay đến nhà văn hóa tổ. Tại đây sạch sẽ, thoáng mát và được hỗ trợ bữa ăn đầy đủ.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Tưởng, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng và Đô thị phường Hòa Bình cho biết: Tính đến 15 giờ ngày 22/7, lực lượng chức năng đã hỗ trợ di chuyển 58 người dân làng vạn chài, 50 người khu tập thể May Sông Đà, 7 người thuộc 2 hộ dân phường Trung Minh cũ về nơi an toàn theo kế hoạch. Người dân sẽ được hỗ trợ bữa ăn đến khi tình hình ổn định. Một số hộ khi được tuyên truyền đã tự di chuyển đến nhà người thân, người quen hoặc sẽ di chuyển sau.
Tuy nhiên, một số người dân vẫn còn chủ quan, không muốn di chuyển, thậm chí có hộ tại tổ 15, phường Đồng Tiến cũ không chấp hành. Khu vực này trước đây đã từng xảy ra sạt lở, có nhà bị sập đổ xuống sông Đà.
Lãnh đạo UBND phường Hòa Bình kiểm tra thực tế tại khu tập thể May Sông Đà cũ.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trong mùa mưa bão, UBND phường Hòa Bình, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN đã xây dựng phương án ứng phó. Đối với cơn bão số 3, UBND phường đã ban hành Quyết định thành lập 4 tổ phòng, chống; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Các tổ có nhiệm vụ báo hiệu, canh gác, hướng dẫn tại các điểm ngầm tràn, những nơi bị ngập sâu, sạt lở, chia cắt để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Thường xuyên nắm tình hình, kịp thời thông báo thông tin cho Nhân dân. Kiểm tra, phát hiện nguy cơ mất an toàn đối với nơi ở của người dân, các công trình, cơ sở hạ tầng. Hỗ trợ và triển khai sơ tán khẩn cấp người dân tại các khu vực phụ trách... Cùng với sự vào cuộc của chính quyền, người dân cũng cần hợp tác và chấp hành nghiêm thông báo để đảm bảo an toàn.
Cẩm Lệ