Phường Hồng Hà: Điểm nhấn khu đô thị sông Hồng

Phường Hồng Hà: Điểm nhấn khu đô thị sông Hồng
4 giờ trướcBài gốc
Việc sắp xếp 126 đơn vị hành chính cơ sở của Hà Nội, trong đó có phường Hồng Hà được dựa trên những nguyên tắc thực tiễn, trong đó không chỉ dừng lại ở những đặc trưng về văn hóa, lịch sử mà còn được tiến hành dựa trên một số nguyên tắc, nhằm kiến tạo hệ thống quản lý hành chính hiệu quả và khoa học, như sự tuân thủ tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, đảm bảo phù hợp với đặc điểm từng khu vực.
Bến hoa Phúc Xá (quận Ba Đình) từ lâu đã trở thành địa điểm sinh hoạt cộng đồng cuối tuần của du khách, nơi trước đây là khu vực của rác thải hay cỏ dại. Những người dân đã đóng góp sức mình để cải tạo khu vực này trở thành bến hoa Phúc Xá với mong muốn tương lai những sắc hoa sẽ trải dài hai bên bờ sông, thay vì chỉ là một phần diện tích rất nhỏ này. Do vậy, việc quy hoạch, sắp xếp lại địa bàn này sẽ tạo một không gian phát triển mới - khai thác được giá trị cảnh quan của khu vực sông Hồng và dưới chân cây cầu Long Biên lịch sử.
Theo Quy hoạch chung Thủ đô và theo quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), được UBND Thành phố phê năm 2022, không chỉ địa bàn phường Phúc Xá mà còn nhiều địa bàn dân cư ngoài đê thuộc các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng đã được xác định là thuộc danh mục các khu dân cư tập trung hiện có trên bãi sông được tồn tại, bảo vệ.
Thời gian qua, nhiều hộ dân đã được cấp phép xây dựng nhà sau hàng chục năm mong chờ và cũng có nhiều tuyến đường ngoài đê được hình thành. Và cũng từ cơ sở pháp lý về quy hoạch, thành phố Hà Nội sẽ hiện thực hóa hạ tầng giao thông hai bờ sông, biến những khu vực đất đai ngoài bãi trở thành khu đô thị đáng sống.
Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết: "Trong quy hoạch phân khu dọc hai bên sông Hồng, chúng ta có hai trục giao thông rất quan trọng. Tôi nghĩ sự quản lý của hệ thống đô thị đó hay quản lý đô thị của phường đó là một trong những cơ hội tốt nhất để chúng ta có thể quản lý, phát triển và đầu tư một cách đồng bộ".
Theo Sở Nội vụ Hà Nội, tuyến đường, dòng sông là một trong những ranh giới được đưa ra để làm cơ sở phân định, tổ chức, sắp xếp lại các xã, phường. Trên thực tế, giờ đây dù sát nhau, nhưng 12 phường (toàn phần hoặc một phần) ngoài khu vực bãi sông Hồng lại chịu sự quản lý khác nhau của 5 quận trên cơ sở phân chia địa giới hành chính. Do vậy, sau khi hình thành phường Hồng Hà - nơi có chung đặc điểm tự nhiên sẽ chịu sự quản lý của một đơn vị hành chính cơ sở - việc này vừa thuận lợi cho người dân, vừa thuận lợi cho công tác quản lý điều hành. Từ đó, chính quyền sẽ gần dân hơn, sát dân hơn.
Ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội khẳng định: "Tương lai phát triển, nếu sau này có một chính quyền cơ sở trực tiếp, gần dân, sát dân và thực hiện các nhiệm vụ trong tương lai phát triển thì sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn".
Sông Hồng đi qua 13 quận, huyện của Thủ đô với diện tích khoảng 11.000 ha và dân số hơn 230.000 người. Việc hình thành đơn vị hành chính cơ sở ở khu vực ngoài bãi sẽ là cơ sở quan trọng để Hà Nội tối ưu hóa các nguồn tài nguyên, xây dựng đô thị ven sông Hồng hiện đại. Đây cũng là cơ sở để Hà Nội tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính - phường Hồng Hà - để từ đó có định hướng đầu tư xây dựng khu vực này trở thành một khu vực điểm nhấn của khu đô thị hiện đại hướng mặt về sông Hồng.
Khiếu Hương
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/phuong-hong-ha-diem-nhan-khu-do-thi-song-hong-326292.htm