Phường Bến Thành mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ phường Bến Thành, Phạm Ngũ Lão và một phần diện tích hai phường Cầu Ông Lãnh, Nguyễn Thái Bình. Trụ sở phường đặt tại số 92 Nguyễn Trãi.
Với vị trí trung tâm, nơi đây quy tụ những biểu tượng đô thị đặc trưng như chợ Bến Thành trăm năm tuổi, khu phố Tây Bùi Viện sôi động và hàng loạt di tích, kiến trúc cổ xen lẫn nhịp sống hiện đại.
Chợ Bến Thành tọa lạc tại đường Lê Lợi, phường Bến Thành, TP.HCM. Chợ được xây dựng năm 1912, với thiết kế tháp đồng hồ ở mặt cổng chính (hướng Nam).
Chợ có hơn 1.400 gian hàng, bày bán đủ loại mặt hàng từ thực phẩm, vải vóc, thủ công mỹ nghệ đến các món ăn đường phố đặc trưng. Nơi đây không chỉ thu hút khách du lịch, mà còn là không gian mưu sinh của hàng trăm tiểu thương đã gắn bó với chợ qua nhiều thập niên.
Cùng với sự phát triển kinh tế, khu chợ này ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước tham quan, chụp ảnh. Năm 2024, chợ Bến Thành chính thức được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong hành trình gìn giữ một phần hồn phố giữa trung tâm đô thị đang thay đổi từng ngày.
Dinh Độc Lập được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 2009, là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của cả nước. Tọa lạc tại số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Dinh Độc Lập còn là biểu tượng chính trị, lịch sử gắn liền với những dấu mốc quan trọng của đất nước.
Trụ sở Hỏa xa có diện tích 2.769m2 nằm ngay giao lộ đường Hàm Nghi - Huỳnh Thúc Kháng, đối diện với chợ Bến Thành. Đây là công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu với hai tầng lầu, mái ngói đỏ, gắn liền với lịch sử ngành đường sắt Sài Gòn đầu thế kỷ 20. Được xây dựng khoảng năm 1910-1914, tòa nhà từng là trung tâm điều hành tuyến đường sắt Nam Kỳ.
Nằm ngay trung tâm phường Bến Thành, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM từng là tư dinh của đại gia Hui Bon Hoa (Chú Hỏa) một trong những nhân vật giàu có bậc nhất Sài Gòn cuối thế kỷ 19. Công trình gồm bốn tầng, được xây dựng kiên cố với phong cách kiến trúc Đông - Tây giao thoa, lưu giữ hơn 22.000 hiện vật nghệ thuật quý giá.
Công viên Tao Đàn rộng khoảng 10 ha, nằm giao giữa các đường Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng 8 và Nguyễn Du. Công viên được ví như là “ốc đảo xanh” giữa lòng trung tâm TP, với hơn 1.000 cây xanh cổ thụ từ nhiều loài đặc trưng nhiệt đới. Nơi đây là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện cộng đồng như lễ hội hoa xuân, không gian sinh hoạt văn hóa, điểm tham quan, dã ngoại của người dân TP. Trong công viên còn có Đền tưởng niệm các Vua Hùng (xây năm 1992) và ngôi mộ cổ họ Lâm từ cuối thế kỷ 19, cả hai đều đã được công nhận là di tích cấp Thành phố.
Nhà thờ Huyện Sỹ, nằm tại góc đường Tôn Thất Tùng - Nguyễn Trãi, là một trong những công trình kiến trúc Công giáo cổ của Thành phố, gắn liền với tên tuổi ông Huyện Sỹ - một trong “tứ đại phú hộ” cuối thế kỷ 19. Được xây dựng từ năm 1902 đến 1905, nhà thờ mang phong cách Gothic Pháp với mặt tiền ốp đá hoa cương Biên Hòa, cửa kính màu nhập từ Ý, tháp chuông cao 57 m có tượng gà trống phương Tây trên đỉnh.
Chùa Mariamman tọa lạc tại số 45 Trương Định, phường Bến Thành, là ngôi đền Hindu duy nhất còn hoạt động ở trung tâm TP.HCM. Ngôi đền được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 bởi cộng đồng người Ấn Độ, đền thờ nữ thần Mariamman - vị thần mang lại sự màu mỡ, sức khỏe và bình an theo tín ngưỡng Tamil. Điểm nổi bật của công trình là kiến trúc rực rỡ mang đậm sắc màu Nam Ấn, với tháp Gopuram (cổng chính) trang trí hàng chục tượng thần đủ hình dáng, màu sắc.
Ga metro Bến Thành là nhà ga trung tâm của tuyến metro số 1. Nhà ga nằm tại giao lộ Lê Lợi - Lê Lai - Hàm Nghi, trước chợ Bến Thành.
Ga có thiết kế hiện đại với hệ thống giếng trời hình hoa sen đường kính 21,6 m giúp chiếu sáng tự nhiên vào sâu bên trong cùng các tiện ích như thang máy, thang cuốn và sáu lối lên xuống thông thoáng.
Phố Tây Bùi Viện tọa lạc tại phường Bến Thành, từ lâu nơi đây đã trở thành biểu tượng sôi động về đêm bậc nhất TP.HCM. Con phố dài chưa đầy 1 km này quy tụ hàng trăm quán bar, pub, nhà hàng, cà phê, khách sạn giá rẻ… thu hút đông đảo người dân và du khách.
Ngã sáu Phù Đổng là một trong những giao lộ nổi bật và lâu đời ở trung tâm TP.HCM, nơi giao nhau của các tuyến đường lớn gồm: Cách Mạng Tháng Tám, Lý Tự Trọng, Nguyễn Trãi, Phạm Hồng Thái, Lê Thị Riêng và Nguyễn Thị Nghĩa. Năm 1966, tượng Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt được dựng tại đây, mang ý nghĩa tôn vinh tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Trên địa bàn phường Bến Thành quy tụ nhiều trục đường chính như Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trần Hưng Đạo và Võ Văn Kiệt. Đây đều là những tuyến giao thông huyết mạch, đóng vai trò kết nối các khu vực trọng điểm của TP.HCM, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển, giao thương và sinh hoạt của người dân.
NGUYỆT NHI
THUẬN VĂN