Ngày 24/4, nữ bệnh nhân 46 tuổi, ở TP Cần Thơ, người uống cùng lúc 140 viên thuốc hạ huyết áp đã được xuất viện về nhà.
Bác sĩ Dương Thiện Phước, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, đây là trường hợp đầu tiên dùng quá liều thuốc hạ huyết áp được đưa vào bệnh viện và được cứu sống bằng kỹ thuật EMCO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể).
Bác sĩ Phước là người quyết định phương án điều trị cho nữ bệnh nhân L.H.T.L, ông chia sẻ: Khuya 30/3, bà L. được xe cấp cứu của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hậu Giang chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng tụt hụt áp nặng, phải dùng thuốc trợ tim.
Nữ bệnh nhân được bác sĩ thăm khám và cho xuất viện. Ảnh: BVCC
Gia đình cho biết, bà L. có tiền sử tăng huyết áp được chỉ định uống thuốc hàng ngày. 24 giờ trước khi nhập viện, bệnh nhân đã uống cùng lúc khoảng 140 viên thuốc Amlodipine 5mg (thuốc điều trị tăng huyết áp nhóm ức chế kênh canxi).
Sau đó, bệnh nhân chóng mặt nhiều, nôn ói được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang cấp cứu và được hồi sức tích cực. Các bác sĩ đánh giá bệnh nhân cần can thiệp chuyên khoa sâu về lĩnh vực hồi sức tích cực nên chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Tại đây, bệnh nhân được điều trị nội khoa tích cực theo phác đồ chuyên sâu và lọc máu liên tục nhằm thăng bằng kiềm toan và ổn định huyết động.
“Dù đã được can thiệp kịp thời, tuy nhiên tình trạng của bệnh nhân không được cải thiện mà tiếp tục diễn tiến nặng, xuất hiện suy hô hấp, rối loạn tri giác. Đặc biệt, huyết áp của bệnh nhân tiếp tục giảm sâu, dù chúng tôi đã phối hợp thuốc vận mạch liều cao.
Trước tình trạng sốc kháng trị, bệnh nhân có khả năng tử vong, chúng tôi phải nhanh chóng quyết định thực hiện kỹ thuật ECMO - được coi là biện pháp hồi sức cuối cùng cứu sống bệnh nhân”, bác sĩ Phước nhớ lại và cho biết, khi đó do huyết áp của bệnh nhân tụt sâu và lâu nên gây suy đa tạng.
Quyết định xong phương án, bác sĩ Phước đến gặp người nhà bệnh nhân để giải thích. Chồng của nữ bệnh nhân đồng ý để bác sĩ dùng kỹ thuật ECMO cứu vợ mình.
“Chồng của nữ bệnh nhân khi đó hy vọng và tin tưởng vợ mình được bác sĩ cứu sống. Chúng tôi có giải thích rõ kỹ thuật ECMO là kỹ thuật cao nhất trong hồi sức hiện nay. Vì vậy, ngoài kỹ thuật ECMO ra thì không còn phương pháp nào để cứu bệnh nhân trong thời điểm đó. Ngoài giải thích rõ cho gia đình bệnh nhân, chúng tôi cũng báo cáo Ban Giám đốc Bệnh viện về dùng kỹ thuật ECMO để cứu bệnh nhân”, bác sĩ Phước nói.
Bằng năng lực chuyên môn, sự quyết tâm, kiên trì của tập thể y bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, đến ngày thứ 6 thực hiện kỹ thuật ECMO, tình trạng lâm sàng của bệnh nhân L. bắt đầu có dấu hiệu cải thiện. Ngoài thực hiện kỹ thuật ECMO, bệnh nhân còn được thay huyết tương, lọc máu liên tục, truyền đạm, dinh dưỡng,…
Đến ngày thứ 8 các chỉ số cận lâm sàng cùng tình trạng lâm sàng của bệnh nhân cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân có chỉ định ngừng ECMO và tiếp tục quá trình hồi sức tích cực.
Ngày 17/4, bệnh nhân tỉnh táo, dấu hiệu sinh tồn ổn định, được chỉ định cai máy thở, rút nội khí quản và chuyển về khoa Nội Hô hấp để tiếp tục theo dõi, điều trị và chăm sóc. Sau đó, bệnh nhân ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, các xét nghiệm trở về giá trị bình thường.
Theo bác sĩ Phước, nữ bệnh nhân này còn trẻ, chỉ có bệnh nền là tăng huyết áp. Ngay từ đầu khi bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã được các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị và chỉ định dùng kỹ thuật ECMO kịp thời.
Đặc biệt, đội ngũ êkíp kỹ thuật ECMO đã làm thành công nhiều ca trước đó nên khi can thiệp cho bệnh nhân này thì đã thành thục, an toàn cho người bệnh. Sau khi được cứu sống, nữ bệnh nhân và người nhà gửi lời cảm ơn đến bác sĩ.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, thành công của ca bệnh này là do phối hợp nhiều yếu tố, trong đó có sự hồi sức tích cực theo đúng phác đồ và chuyển viện kịp thời của bệnh viện tuyến dưới, trên hết là sự chuyên nghiệp ê kíp ECMO.
Bác sĩ Dương Thiện Phước cho biết, tình trạng quá liều thuốc ức chế kênh canxi có thể dẫn đến rối loạn chức năng tim nghiêm trọng. Thuốc ức chế các kênh canxi khi dùng quá liều sẽ gây suy tim, giãn mạch và tăng đường huyết.
“Các nghiên cứu liên quan đến việc sử dụng kỹ thuật ECMO trong điều trị quá liều thuốc ức chế kênh canxi cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận, với tỷ lệ sống đến khi xuất viện đạt 84,6%.
Trước khi được chỉ định ECMO, các bệnh nhân đều đã trải qua nhiều biện pháp điều trị nội khoa tích cực và các hỗ trợ chuyên sâu khác. Hồi sức tích cực vẫn là nền tảng trong điều trị loại quá liều này.
Tuy nhiên, những trường hợp không đáp ứng với điều trị nội khoa cần được đánh giá sớm tại các trung tâm có khả năng triển khai kỹ thuật ECMO”, bác sĩ Phước nói thêm.
Hoài Thanh