Phương pháp học của chàng trai Quảng Ninh là thủ khoa ở Nhật

Phương pháp học của chàng trai Quảng Ninh là thủ khoa ở Nhật
11 giờ trướcBài gốc
Tại lễ tốt nghiệp của Đại học Teikyo tại Tokyo vào cuối tháng 3 vừa qua, Vũ Bình An được vinh danh là thủ khoa tốt nghiệp ngành Kinh doanh với điểm số 3.9/4.0. Trước đó, An có ba năm liên tiếp nhận học bổng của trường và của một tập đoàn Nhật Bản dành cho sinh viên có học lực xuất sắc.
Bình An trong ngày tốt nghiệp đại học.
Chia sẻ với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, chàng trai 26 tuổi cho biết: “Khi nhận tin là thủ khoa, mình đã trải qua hai cảm xúc đối lập, vừa vui mừng lẫn nuối tiếc. Vui vì sau nhiều năm du học, đây là thành quả nho nhỏ mà mình có thể tự hào và mang lại niềm vui cho gia đình.
Thế nhưng, cũng vì kết quả học tập luôn ổn định, mình đã có phần chủ quan. Mình tiếc vì chưa tập trung phát triển các kỹ năng mềm và không đầu tư đúng mức cho các chứng chỉ cần thiết cho quá trình tìm việc sau này”.
Mẹ của An từ Việt Nam sang Nhật và bạn bè đến chúc mừng cậu tại lễ tốt nghiệp đại học.
Sinh năm 1999 tại Hạ Long, An sớm được làm quen với công việc kinh doanh của gia đình. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, cậu chọn du học Nhật Bản bởi muốn tiếp cận nền giáo dục tiên tiến và rèn luyện tư duy quản trị toàn cầu.
Năm 2019, An bắt đầu học tại một trường Nhật ngữ trên đảo Kyushu. Trong hai năm học tiếng, cậu đã tự mày mò, tìm hiểu thông tin, lên kế hoạch học tập và ôn luyện để thi tuyển vào đại học. Với thành tích tốt, cậu thi đỗ vào Đại học Teikyo tại trung tâm kinh tế sôi động Tokyo.
An vẫn nhớ, trong buổi chào đón tân sinh viên tại trường Teikyo, những câu chuyện về các anh chị khóa trên đạt mức điểm 3.4-3.5/4.0 đã khiến cậu vô cùng ngưỡng mộ và mong muốn sẽ đạt được mức điểm tương tự. Vượt ngoài mong đợi, ngay trong học kỳ đầu tiên, An đạt điểm tổng kết 3.91/4.0.
Thành tích này khiến An rất vui và bất ngờ, cũng là động lực để cậu quyết tâm duy trì tinh thần học tập. Cậu tự thiết lập phương pháp học tập phù hợp với bản thân để giữ vững phong độ đến khi tốt nghiệp.
Từ năm thứ nhất, An lên kế hoạch sơ bộ cho toàn bộ chương trình đại học. Dù chưa cần đọc quá chi tiết từng môn học ở các năm sau, nhưng việc chọn môn từ sớm giúp cậu có cái nhìn tổng quan và tránh dồn quá nhiều môn khó vào một thời điểm.
Khi xây dựng thời khóa biểu mỗi học kỳ, An thường cân nhắc sự cân bằng giữa các môn học khó và dễ. Mỗi học kỳ cậu đăng ký 11-12 môn học, trong đó có khoảng 5 môn chuyên ngành. Xen kẽ là 6 đến 7 môn phụ, những môn nhẹ nhàng hơn để có thể dành thời gian đầu tư sâu vào các môn chính.
Sự chủ động của An còn thể hiện ở việc luôn tìm đến thầy cô ngay khi có thắc mắc. Theo An, đây là cách tốt nhất để giải đáp những điều chưa hiểu, đồng thời giúp tạo dựng mối quan hệ gần gũi với giảng viên. Cậu cũng luôn tin rằng “không có giáo viên nào từ chối một học sinh ham học hỏi”.
Là người dễ bị xao nhãng bởi mạng xã hội, An thấy phương pháp Pomodoro như “chiếc phao cứu sinh”. Cậu chia nhỏ thời gian học, với mỗi 25 phút tập trung và quãng nghỉ ngắn 5 phút. Kết hợp với đó là các video dạng “Study with me” trên YouTube và một tờ giấy ghi chú để tự nhắc nhở những việc có thể làm sau giờ học, nhằm tránh để tâm trí bị phân tán.
Bên cạnh đó, An cũng thường học nhóm với bạn bè, nhất là ở những môn quan trọng. Việc thảo luận giúp cậu nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, và không ít lần, một câu nói tình cờ từ bạn học lại khiến mọi người cùng “vỡ lẽ” nhiều đang loay hoay tìm hiểu.
An (áo trắng, đeo kính) cùng các bạn học tại trường Teikyo.
Nhờ sắp xếp hợp lý và tinh thần cầu tiến, An không chỉ duy trì điểm số cao mà còn cảm thấy việc học trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều. Học tập với cậu không chỉ là cuộc đua điểm số, mà còn là hành trình tự rèn luyện, khám phá và phát triển bản thân mỗi ngày.
Là sinh viên nhóm ngành Kinh tế, An ấn tượng nhất với môn Kinh tế học vi mô, với nhiều kiến thức chuyên ngành vẫn được cậu ghi nhớ đến tận bây giờ. Nhờ cách giảng sinh động, nhiều ví dụ thực tế của giảng viên, cậu đã hiểu rõ tính ứng dụng của các lý thuyết trong đời sống.
Ngược lại, Marketing lại là môn học khiến An gặp nhiều khó khăn. Khác với những môn học lý thuyết, Marketing yêu cầu sinh viên phải làm việc nhóm, nghiên cứu chiến lược thực tế từ các doanh nghiệp, thậm chí tự đề xuất ý tưởng mới.
Cường độ làm việc cao và áp lực từ sự nghiêm khắc của giảng viên đã khiến An không ít lần chật vật. Dù vậy, chính nhờ sự khắt khe đó, An dần hiểu rằng Marketing không chỉ là lý thuyết trong sách, mà còn là tư duy phản biện và nhạy bén với thị trường thực tế.
An vẫn có một lần tranh luận căng thẳng với thầy giáo môn Marketing về cách chấm điểm. Hay có những tối chủ nhật, cậu miệt mài làm bài đến tận 2-3 giờ sáng. Dẫu có mỏi mệt nhưng chính từ những trải nghiệm ấy, chàng trai trẻ đã học được nhiều hơn bất kỳ môn học nào khác.
Bằng khen ngày 21/3/2025 của Đại học Teikyo ghi “Trong quá trình học tập, em Vũ Bình An đã chăm chỉ và đạt thành tích xuất sắc, trở thành thủ khoa tốt nghiệp ngành Kinh doanh năm 2024”.
An cũng làm thêm nhiều công việc bán thời gian để trang trải chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở Tokyo. Cậu từng trải qua nhiều vị trí, từ nhân viên tại cửa hàng tiện lợi (combini), phụ bếp trong ký túc xá, cho đến phục vụ tại quán ăn. Để đảm bảo việc học không bị ảnh hưởng, An chủ yếu đi làm vào cuối tuần, còn các ngày trong tuần thì tập trung hoàn toàn cho việc học.
“Một trong những bài học đáng nhớ nhất của mình khi đi làm là lần bị một khách say xỉn gây sự vô cớ tại quán ăn. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm và đây là lần đầu gặp tình huống như vậy, mình đã rất hoang mang và lo lắng. Sau lần đó, mình rút ra được bài học quan trọng về việc giữ bình tĩnh và xử lý khéo léo các tình huống bất ngờ trong ngành dịch vụ”, An nhớ lại.
Thời gian rảnh, An tích cực tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa của trường. Cậu từng đảm nhận nhiều vai trò trong hội chợ văn hóa như thành viên ban tổ chức, trưởng nhóm, và sau này là cố vấn cho các sinh viên khóa dưới.
An còn là một thành viên tích cực tại câu lạc bộ cầu lông của trường, không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe mà còn giúp mở rộng kết nối bạn bè. An cũng thường xuyên tham gia các chuyến dã ngoại do sinh viên người Nhật tại trường Teikyo tổ chức, nhằm cân bằng học tập và cuộc sống.
An trong một chuyến du lịch tại Nhật.
Sau khi tốt nghiệp, An dự định ở lại Nhật Bản và ứng tuyển vào các công ty liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu. An kỳ vọng đây sẽ là bước khởi đầu quan trọng để xây dựng sự nghiệp lâu dài, đồng thời tạo nền tảng để tiến gần hơn tới những ý tưởng kinh doanh lớn trong tương lai.
“Mình đang tiếp tục hướng đến những thử thách mới. Mình tin rằng với những gì đã học được, dù con đường phía trước có ra sao, mình cũng sẽ cố gắng hết mình để theo đuổi ước mơ của bản thân”, chàng trai 26 tuổi khẳng định.
Ảnh: NVCC
Trịnh Vũ Lam Trang
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/phuong-phap-hoc-cua-chang-trai-quang-ninh-la-thu-khoa-o-nhat-post1736690.tpo