Mỹ vẫn ép EU dùng tài sản bị đóng băng của Nga để giúp Ukraine. Ảnh: TASS
Nhận định với Quỹ Giáo dục Kinh tế (FEE - fee.org) mới đây, nhà bình luận Mark Nayler của tờ The Spectator và Foreign Policy cho rằng, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, khoảng 300 tỷ USD tài sản thuộc sở hữu của Nga ở nước ngoài đã bị đóng băng, với phần lớn (khoảng 200 tỷ USD) nằm tại các quốc gia châu Âu. Đến nay, dù Mỹ đã gây áp lực, các nhà lãnh đạo EU vẫn tỏ ra thận trọng trong việc chuyển giao số tiền này cho quốc phòng và tái thiết Ukraine, một quá trình ước tính tiêu tốn tới 520 tỷ USD. Tuy nhiên, với việc Mỹ có dấu hiệu quay lưng với Ukraine, ý tưởng sử dụng các tài sản bị đóng băng này đang được thảo luận một cách nghiêm túc hơn bao giờ hết.
Tháng 4/2024, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Tái thiết Thịnh vượng Kinh tế và Cơ hội cho Ukraine (REPO), cho phép Tổng thống Joe Biden khi đó thanh lý 5 tỷ USD tài sản Nga bị đóng băng tại Mỹ và chuyển vào Quỹ Hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, Mỹ cần sự đồng thuận của các đồng minh chủ chốt như G7 và EU, một sự ủng hộ vẫn còn nhiều trở ngại. Trong những ngày cuối nhiệm kỳ, chính quyền Biden vẫn nỗ lực thuyết phục các chính phủ châu Âu giải ngân các quỹ của Nga, phần lớn trong số đó đang được lưu giữ tại công ty lưu ký chứng khoán Bỉ Euroclear.
Một quan chức chính phủ Mỹ sắp mãn nhiệm thậm chí còn tuyên bố với CNN rằng họ muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Nếu Moskva muốn lấy lại tiền, Nga sẽ phải đến nói chuyện". Tháng trước, các thượng nghị sĩ Mỹ từ cả hai đảng đã cùng ký một lá thư kêu gọi Tổng thống Trump sử dụng "tất cả các công cụ tài chính" để gây áp lực buộc Nga chấm dứt giao tranh, bao gồm cả hàng tỷ USD tài sản bị đóng băng. Tuy nhiên, ông Trump vẫn chưa đưa ra lập trường rõ ràng.
Dường như châu Âu đang dần cởi mở hơn với ý tưởng này. Tháng 6 năm ngoái, G7 đã đồng ý cung cấp 50 tỷ USD cho Ukraine, được bảo đảm bằng khoản lãi suất hàng năm từ các quỹ của Nga đang được nắm giữ ở châu Âu, thông qua chương trình ERA (Extraordinary Revenue Acceleration). Đến tháng 3 năm nay, Anh đã chuyển 970 triệu USD cho Kiev, đợt đầu tiên trong ba đợt cam kết. Tuy nhiên, những khác biệt giữa các quốc gia đang đe dọa sự ổn định của sáng kiến ERA.
Một vấn đề lớn là các điều khoản mà các quốc gia khác nhau đưa ra để đóng góp vào khoản vay. Mỹ, Canada và Nhật Bản sẽ không yêu cầu Ukraine trả nợ nếu tài sản của Nga ngừng tạo ra lợi nhuận, nhưng EU thì có, khiến một quốc gia đang bị xung đột tàn phá phải gánh thêm khoản nợ 40 tỷ USD. Một lo ngại khác là yêu cầu gia hạn các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga sau mỗi sáu tháng. Nếu các lệnh trừng phạt bị dỡ bỏ, nguồn thu đảm bảo cho khoản vay sẽ cạn kiệt.
Cuộc gặp không mấy suôn sẻ giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và ông Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 2 càng làm tăng tính cấp thiết của cuộc tranh luận. Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha, José Manuel Albares, đề xuất sử dụng các tài sản bị đóng băng ở châu Âu như một khoản ứng trước cho khoản "bồi thường" mà Nga sẽ phải trả cho Ukraine trong tương lai. Ba Lan, Cộng hòa Séc và Estonia ủng hộ việc tịch thu các quỹ của Nga, và tháng trước, Quốc hội Pháp đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc kêu gọi EU hành động.
Tuy nhiên, không phải nhà lãnh đạo châu Âu nào cũng sẵn lòng sử dụng tiền của Nga. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde đã phản đối đề xuất này, cũng như Thủ tướng Anh Keir Starmer. Bộ trưởng Tài chính Pháp, Éric Lombard, cảnh báo rằng việc tịch thu có thể gây tổn hại đến lòng tin quốc tế vào đồng euro. Thủ tướng Bỉ Bart de Wever thậm chí còn gọi việc tịch thu là một "hành động chiến tranh" mang theo "rủi ro hệ thống đối với toàn bộ hệ thống tài chính thế giới".
Mặc dù phức tạp, nhưng những trở ngại pháp lý đối với việc tịch thu tài sản không phải là không thể vượt qua. Vấn đề cốt lõi theo luật pháp quốc tế là liệu việc tịch thu có đủ điều kiện là một biện pháp hợp pháp hay không. Một báo cáo gần đây của EU kết luận rằng họ có thể tịch thu, miễn là có các điều kiện kèm theo, chẳng hạn như cho Ukraine vay tiền và chỉ được hoàn trả nếu Nga đồng ý bồi thường.
Một yếu tố khác ủng hộ việc tịch thu tài sản là khả năng trả đũa hạn chế của Nga. Mặc dù ông Putin đã ký sắc lệnh cho phép tịch thu tài sản của Mỹ ở Nga, nhưng sự sụt giảm đầu tư nước ngoài vào Nga kể từ cuộc xung đột ở Ukraine khiến việc trả đũa tương xứng là khó khả thi.
Ông Nayler lưu ý, sự phức tạp về chính trị và pháp lý của việc tịch thu các khoản tiền bị đóng băng của Nga là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, những lý do cấp bách để thực hiện điều này cũng không thể bỏ qua, đặc biệt khi xét đến việc chính quyền Trump có thể rút lại sự ủng hộ dành cho Ukraine.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc