Ngay khi đồng Pi lên sàn, cộng đồng những người sở hữu đồng tiền này trên khắp thế giới đã chia thành 2 phe. Ảnh: Crypto News.
Đồng Pi cuối cùng đã chính thức mở mạng chính mainnet và được niêm yết trên các sàn giao dịch tiền điện tử lớn như OKX, Gate.io, Bitget và CoinDCX. Chiều 20/2, giá của nó trên OKX và Bitget đang ở mức 1,1 USDT. Có thời điểm, giá cao nhất đạt 2,2 USDT, nhưng biến động rất mạnh.
Ngay khi đồng Pi lên sàn, cộng đồng thợ đào Pi (Pioneers) - những người kiên trì tích lũy đồng tiền này trong suốt nhiều năm - đã chia thành 2 phe. Một bên kêu gọi giữ chặt (HODL), một bên lo ngại về biến động giá và muốn bán để chốt lời ngay lập tức.
Giữ hay bán?
Ở Việt Nam, nhiều người sở hữu Pi kêu gọi nhau giữ chặt đồng coin này, không bán ra quá sớm. Họ tin rằng giá trị của nó sẽ còn tăng cao. Trên các nhóm cộng đồng Facebook, hàng loạt bài đăng khuyến khích người dùng không bán.
Có thời điểm, đồng Pi chạm mốc USDT nhưng nhanh chóng lao dốc.
“Dự án Pi Network này rất tiềm năng và màu mỡ. Vượt trội về mọi mặt từ tính pháp lý đến minh bạch trong giao dịch, bảo mật cao, hệ thống blockchain vượt trội, hệ sinh thái rộng lớn, NFT, Games, Dapp…
Dù giá cao hay thấp, cũng nên giữ những đồng Pi của bạn thật lâu nhất có thể”, trích một bài đăng của người dùng Facebook.
Ở Reddit, phản ứng cũng tương tự. Một số người tin rằng hành động bán Pi ở mức giá hiện tại là sai lầm.
“Thư giãn đi nào, đây chỉ mới là ngày đầu tiên, chính xác hơn là những giờ đầu tiên. Giá sẽ lên xuống điên cuồng, nhưng rồi sẽ ổn định thôi. Hạnh phúc nhất là giờ đây, những kẻ từng chê bai Pi với giá 0.00001 USD phải câm nín”, một người dùng viết.
Người dùng Reddit khác bày tỏ bức xúc khi thấy cộng đồng bán Pi với mức giá quá thấp: “Xin đừng bán Pi với giá 2 USD. Đừng chấp nhận mức giá đó. HODL. Tôi không hiểu sao lại có những lệnh bán ở mức này. Nếu phiên đấu giá kết thúc ở mức 2 USD, không ai nên bán cả. Tôi nghĩ cá voi đang gom Pi với giá rẻ để tích lũy, rồi sau đó bán lại với giá cao hơn nhiều. Đừng bán”.
Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư tin rằng nếu cộng đồng giữ Pi, điều này sẽ thúc đẩy hệ sinh thái phát triển mạnh hơn.
“Nếu mọi người không bán Pi ngay khi mạng chính mainnet mở và giá đạt một mức hợp lý, tôi có thể tưởng tượng được hệ sinh thái sẽ phát triển ra sao. Hiện tại, các dApp trong hệ sinh thái Pi vẫn chưa thực sự mạnh. Một phần vì các công ty và nhà phát triển chưa dám đầu tư khi còn nhiều bất ổn.
Nhưng một khi Pi được định giá xứng đáng, họ chắc chắn sẽ nhảy vào. Vì vậy, giữ Pi ngay từ bây giờ là một quyết định không cần phải bàn cãi”, trích bài đăng trên Reddit.
Sự kiện chào đón Pi Network lên sàn tại Lào Cai. Ảnh: Lào Cai Online.
Tuy nhiên, lời khuyên đầu tư như vậy không phải lúc nào cũng đáng tin. Giá trị đồng tiền số được quyết định bởi giao dịch khớp lệnh, không phải con số đồng thuận trên mạng xã hội. Không ít trường hợp KOL kêu gọi người dùng mua token, nắm giữ nhiều năm nhưng chính họ là người âm thầm bán tháo.
Tình huống hiện tại càng gây chia rẽ cộng đồng đào Pi, khi đồng tiền số liên tục giảm khi lực xả tăng mạnh. Tối 21/2, nó được giao dịch ở mốc 0,8 USD/đồng, giảm hơn 50% so với đỉnh.
Bị chỉ trích vì giới hạn giao dịch
Đồng Pi đã được niêm yết, nhưng không phải ai cũng có thể giao dịch tự do. Theo thông báo chính thức của sàn OKX, đồng Pi bị áp dụng chế độ niêm yết cô lập (Isolated Listing Mode), theo yêu cầu của đội ngũ Pi Network. Điều này có nghĩa là người dùng tại một số quốc gia và khu vực sẽ không thể nạp hoặc giao dịch Pi trên sàn.
Niêm yết cô lập là một hình thức niêm yết đặc biệt dành cho các token có rủi ro liên quan đến pháp lý, thanh khoản hoặc do yêu cầu từ chính dự án. Khi áp dụng chế độ này, đồng coin có thể bị hạn chế ở một số cặp giao dịch hoặc không thể rút về ví cá nhân trong giai đoạn đầu.
Nhiều người lo ngại rằng đây là dấu hiệu cho thấy đội ngũ Pi Network thiếu minh bạch. Mặc dù OKX không công bố danh sách chính xác các quốc gia bị hạn chế, nhiều người suy đoán rằng Trung Quốc đại lục có thể là một trong số đó.
Quyết định này đã vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội từ cộng đồng. Các chuyên gia trong ngành cảnh báo rằng động thái này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh khoản của đồng Pi, khiến giá cả không thể phản ánh đúng cung - cầu trên thị trường.
Người dùng X (trước đây là Twitter) nổi tiếng với biệt danh FOMO HUNTER cảnh báo: “Hãy cẩn trọng khi giao dịch đồng Pi. Chế độ niêm yết cô lập có thể là dấu hiệu đáng lo ngại”.
Những người dùng Reddit kêu gọi không bán và chờ đợi một tương lai sáng sủa hơn cho đồng Pi họ đã theo đuổi trong suốt nhiều năm qua.
Hiện tại, đồng Pi vẫn chưa được niêm yết trên các sàn giao dịch tiền điện tử lớn như Binance hay Coinbase. Điều này càng làm dấy lên hoài nghi về tính hợp pháp và triển vọng dài hạn của dự án. CEO của sàn giao dịch ByBit nói rằng việc niêm yết Pi là “điều cuối cùng” mà ông muốn xem.
Các chuyên gia chỉ ra một số dấu hiệu đáng lo ngại như thời gian phát triển quá dài, những cập nhật không rõ ràng và yêu cầu KYC (xác minh danh tính) chặt chẽ khiến nhiều người không thể rút hoặc sử dụng số Pi của mình.
Song, Pi Network vẫn đang là một trong những dự án tiền điện tử được quan tâm nhất trên mạng xã hội. Hiện tại, tài khoản X của Pi Network có 3,8 triệu người theo dõi, vượt cả Ethereum và Solana. Ứng dụng di động của Pi Network cũng đã đạt hơn 100 triệu lượt tải xuống trên Google Play, tập trung tại Hàn Quốc và Ấn Độ.
Thông tin về loại tiền số trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Tri Thức - Znews. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.
Thúy Liên