Pin mặt trời siêu mỏng có thể 'phun' lên balô

Pin mặt trời siêu mỏng có thể 'phun' lên balô
2 giờ trướcBài gốc
Pin mặt trời có nhiều loại, phần lớn là pin mảng lớn hay áp mái nhưng mới đây, khoa Vật lý của Đại học Oxford (Anh) đã phát triển thành công vật liệu hấp thụ ánh sáng siêu mỏng, đủ mềm để đặt lên bề mặt của bất kỳ vật thể nào, hiệu quả năng lượng nhiều gần gấp đôi pin mặt trời hiện có. Đây là loại pin mặt trời làm từ vật liệu perovskite, mỏng như dao cạo có thể "phun mực" lên balô nếu ở dạng lỏng hoặc điện thoại, nóc xe… để sinh ra điện sạch giá rẻ.
Theo Shuaifeng Hu, thành viên nghiên cứu ở Đại học Oxford, tấm phủ được làm từ vật liệu perovskite hấp thụ năng lượng mặt trời hiệu quả hơn so với tấm pin bằng silicon hiện nay. Nó có thể hấp thụ phổ ánh sáng rộng, chuyển đổi khoảng 27% năng lượng từ ánh sáng mặt trời, so với 22% của pin dùng vật liệu silicon. Với độ dày chỉ hơn 1 micron, lớp phủ mỏng hơn 150 lần so với lớp phủ silicon được sử dụng trong các tấm pin mặt trời truyền thống.
Không giống như các tấm pin silicon hiện có, perovskite có thể được áp dụng cho hầu hết bề mặt, kể cả nhựa và giấy nhờ máy in phun. Vấn đề nan giải của vật liệu perovskite là độ ổn định nên các nhà khoa học đang tìm cách cải tiến để sớm đưa vào sản xuất hàng loạt trong tương lai.
Mai Nguyễn (Tổng hợp)
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/pin-mat-troi-sieu-mong-co-the-phun-len-balo-20241023152724717.htm