PMI giảm mạnh, đơn hàng xuất khẩu sụt sâu: Trung Quốc đối mặt thách thức kép

PMI giảm mạnh, đơn hàng xuất khẩu sụt sâu: Trung Quốc đối mặt thách thức kép
7 giờ trướcBài gốc
Một nhà máy sản xuất thép tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Theo CNN, trong tháng 4 vừa qua, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong vòng 16 tháng, khi mức thuế quan cao của Mỹ gây thiệt hại nặng nề cho lĩnh vực sản xuất, khiến Bắc Kinh phải gấp rút triển khai các biện pháp kích thích kinh tế mới.
Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 30/4, Chỉ số Nhà quản lý Mua hàng (PMI) của ngành sản xuất đã giảm xuống còn 49,0 vào tháng 4, mức yếu nhất kể từ tháng 12/2023. Chỉ số dưới 50 báo hiệu sự suy giảm.
Zhao Qinghe, một chuyên gia thống kê cấp cao tại NBS, cho biết trong một tuyên bố rằng, sự suy giảm trong hoạt động của các nhà máy là do "những thay đổi mạnh mẽ trong môi trường bên ngoài và các yếu tố khác".
Sự suy giảm nghiêm trọng này nhấn mạnh thiệt hại mà mức thuế 145% do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đối với hàng hóa Trung Quốc đã gây ra cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu và sản xuất của nước này. Các nhà sản xuất Trung Quốc bắt đầu cảm thấy gánh nặng của mức thuế cao ngất ngưởng đó, khi tình trạng hủy đơn hàng và cắt giảm sản lượng lan rộng, làm dấy lên những lo ngại mới về triển vọng tăng trưởng của đất nước.
Dữ liệu tháng 4 đánh dấu một bước thụt lùi đối với Bắc Kinh, khi các nhà lãnh đạo cấp cao cố gắng duy trì tư thế thách thức và tự tin trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ. Nền kinh tế Trung Quốc vốn đã phải vật lộn với tình trạng tiêu dùng trong nước yếu kém và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.
Trong khi hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ và xây dựng của Trung Quốc cho thấy sự mở rộng không đáng kể, với PMI phi sản xuất đạt mức 50,4, dữ liệu tháng 4 chỉ ra sự suy thoái. Một thước đo song song về đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng giảm xuống còn 44,7, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2022 khi đất nước vẫn đang vật lộn với đại dịch Covid-19.
Robin Xing, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Morgan Stanley, đã viết trong một lưu ý nghiên cứu vào ngày 30/4 rằng sự sụt giảm của PMI cho thấy tác động của thuế quan, dẫn đến nhu cầu bên ngoài suy yếu.
"Chúng tôi tin rằng tác động của thuế quan sẽ là nghiêm trọng nhất trong quý này, vì nhiều nhà xuất khẩu đã dừng sản xuất và giao hàng sang Mỹ, do bất ổn về thuế quan gia tăng", báo cáo cho biết. "Khung chính sách chung vẫn mang tính phản ứng và tập trung vào nguồn cung, không đủ để bù đắp cho cú sốc thuế quan".
Các nhà phân tích dự đoán chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường kích thích tài chính và tiền tệ trong những tháng tới để thúc đẩy tăng trưởng.
Để ứng phó với những thách thức kinh tế, Bắc Kinh đã bắt đầu triển khai các biện pháp khiêm tốn kể từ cuối năm ngoái, bao gồm việc dễ dàng tiếp cận tín dụng hơn cho các công ty đang gặp khó khăn và các bước để thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Nhưng cho đến nay, các quan chức vẫn chưa đưa ra các biện pháp kích thích mạnh mẽ trên toàn quốc. Thay vào đó, Bắc Kinh đã cam kết hỗ trợ có mục tiêu để thúc đẩy tiêu dùng và giảm bớt áp lực cho các nhà xuất khẩu và ám chỉ các biện pháp bổ sung sẽ được công bố trong vài tháng tới.
Tại một cuộc họp báo của chính phủ vào thứ Hai, Zhao Chenxin, Phó chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan hoạch định nhà nước của Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh có "dự trữ chính sách dồi dào" để đáp ứng các nhu cầu kinh tế và sẽ đẩy nhanh việc thực hiện các biện pháp đã được đề ra.
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã bác bỏ lời kêu gọi đàm phán ngừng áp thuế quan với Washington, nói rằng việc nhượng bộ trước các mối đe dọa của Mỹ sẽ chỉ khiến Washington tiếp tục đưa ra các yêu sách mới.
Ông Vương Nghị đã tái khẳng định cam kết của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ nghĩa đa phương và các quy tắc thương mại đa phương. Ông cáo buộc nước Mỹ đang theo đuổi chủ nghĩa đơn phương và đặt lợi ích quốc gia của mình lên trên lợi ích chung toàn cầu.
"Mỹ từ lâu đã hưởng lợi rất lớn từ thương mại tự do, nhưng giờ đây lại sử dụng thuế quan như một đòn bẩy để áp đặt mức giá cao ngất ngưởng lên các quốc gia khác. Nếu chúng ta im lặng chấp nhận thỏa hiệp và nhượng bộ thì kẻ bắt nạt sẽ được đằng chân lân đằng đầu" - ông Vương Nghị phát biểu, và lưu ý rằng việc duy trì các quy tắc thương mại đa phương là vấn đề cấp thiết nhất hiện nay.
Ông Vương kêu gọi các nước thành viên BRICS cùng nhau phản đối mọi hình thức bảo hộ và kiên quyết bảo vệ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là trung tâm.
Trong khi đó, trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào ngày 29/4, ông Trump cho biết Trung Quốc "xứng đáng" phải chịu mức thuế 145% mà ông áp đặt, tuyên bố Bắc Kinh sẽ hấp thu được mức đó.
"Trung Quốc có thể sẽ chịu mức thuế đó. Nhưng ở mức 145%, về cơ bản họ không thể làm ăn nhiều với Mỹ", ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh ABC News.
Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/pmi-giam-manh-don-hang-xuat-khau-sut-sau-trung-quoc-doi-mat-thach-thuc-kep-20250501103151243.htm