Lễ hội tiêu tiền
Trong kỳ chuyển nhượng mùa đông, Premier League từng bàn đến trần lương, hạn chế chi tiêu và tính bền vững tài chính.
Khi mùa hè đến, mọi thứ trở thành “lễ hội tiêu dùng bóng đá” và không có dấu hiệu tiết chế.
MU kêu gọi tiết kiệm nhưng vẫn chi đậm cho bộ đôi Cunha và Mbeumo. Ảnh: MUFC
Tính đến ngày 23/7, 20 đội dự Premier League 2025/26 tiêu tổng cộng 1,845 tỷ euro chỉ riêng phí chuyển nhượng cầu thủ – nhiều hơn 4 giải đấu lớn khác ở châu Âu cộng lại: Serie A (666 triệu euro), Bundesliga (476), La Liga (409) và Ligue I (238).
Tại “hòn đảo tiêu tiền”, MU chi 150 triệu euro tăng cường hàng công với Bryan Mbeumo, người không có chỗ ở tuyển Pháp nên khoác áo Cameroon, và Matheus Cunha.
Mùa trước, MU kết thúc ở vị trí thứ 6 từ dưới lên, thua chung kết Europa League và không giành vé dự cúp châu Âu – điều hiếm hoi trong bối cảnh có đến tới 9 đội bóng Anh chinh chiến ở châu lục mùa mới.
Việc “Quỷ đỏ” lao vào thị trường chuyển nhượng một cách cuồng nhiệt là dễ hiểu, bởi họ tin rằng Mbeumo (20 bàn cho Brentford) và Cunha (15 bàn cho Wolves) sẽ giúp giải quyết bài toán bàn thắng.
Tuy nhiên, đội làm vỡ thị trường là ĐKVĐ Liverpool – khi chi 125 triệu euro để chiêu mộ Florian Wirtz, và 95 triệu euro cho Hugo Ekitike (con số này phụ thuộc hiệu suất tương lai) – người mà Frankfurt mua với giá 16 triệu euro cách đây 1 năm.
Tính đến hiện tại, Liverpool chi hơn 300 triệu euro mùa hè này, khi có thêm cặp hậu vệ biên Frimpong và Milos Kerkez.
Với 4 tân binh, họ tốn nhiều hơn toàn bộ số tiền mà Real Madrid bỏ ra trong suốt giai đoạn đại dịch cho đến đầu mùa hè này.
Thị trường chuyển nhượng còn hơn 1 tháng nữa mới đóng cửa, và vòng xoáy chi tiêu chưa dừng lại.
Arsenal chi 142 triệu euro, đang sắp hoàn tất thương vụ Viktor Gyokeres từ Sporting Lisbon (khoảng 70 triệu euro).
MU cũng từng tham gia vào cuộc đua giành Ekitike, nơi có cả Newcastle góp mặt, và họ còn tiếp tục tìm thêm viện binh.
Trong khi đó, Man City, dù bỏ ra 146 triệu euro trước kỳ FIFA Club World Cup 2025, vẫn cảm thấy thiếu - trước mắt là mua lại thủ môn James Trafford.
Liverpool gây ồn ào chuyển nhượng. Ảnh: LFC
Về phần mình, Chelsea chi 100 triệu euro cho Joao Pedro và Delap trên hành trình vô địch Club World Cup, tiếp tục ném vào thị trường thêm 143 triệu euro nữa. Họ sắp lấy thêm Xavi Simons và Jorrel Hato.
Tranh cãi
Kế hoạch áp trần chi tiêu – dù đã được phê duyệt – tiếp tục bị hoãn ít nhất một năm.
Lý do được đưa ra là cần thêm phân tích pháp lý để tránh việc xem những khoản rót vốn từ chủ sở hữu các CLB là “doping tài chính”, như chủ tịch Javier Tebas của La Liga chỉ trích.
“Đây là giải đấu dựa trên các khoản lỗ khổng lồ của các CLB”, ông Tebas từng tuyên bố. Tức là: chi nhiều hơn thu, dù nguồn thu cũng rất khủng.
Ví dụ, hợp đồng bản quyền truyền hình mới chỉ riêng ở Anh mang về 1,956 tỷ euro trong 4 năm tới – tăng 4% – nhưng cũng bao gồm thêm 70 trận đấu được phát sóng.
Nghĩa là, giá trị trung bình thu được cho mỗi trận bị giảm. Giá trị bản quyền truyền hình quốc tế cũng tương tự, dẫn đến tổng thu gần 4 tỷ euro.
Cuối cùng, câu chuyện xoay quanh cách quản lý tài chính. Nottingham Forest từng bị trừ 4 điểm vì vượt quá mức lỗ cho phép, nhưng giờ họ trở lại cúp châu Âu sau 29 năm.
Với Liverpool, Financial Times lý giải rằng việc đội bóng thường thận trọng nay bỗng “vung tay” là nhờ doanh thu tăng thêm 100 triệu euro, và chính sách chuyển nhượng khiến chi phí khấu hao hàng năm thấp hơn so với các đối thủ khác.
Chelsea mua sắm rất nhiều và sẽ chưa dừng lại. Ảnh: CFC
Chi phí khấu hao là khoản phân bổ dần chi phí chuyển nhượng theo thời hạn hợp đồng (tối đa 5 năm).
Chiêu trò của Chelsea là ký hợp đồng rất dài để chia nhỏ chi phí này. Còn Liverpool, năm nay chỉ phải hạch toán 23 triệu euro cho Wirtz và 15 triệu euro cho Ekitike.
Tổng khấu hao của các thương vụ năm nay gần như bằng với phần tăng doanh thu.
Liverpool thu nhiều hơn bao giờ hết (743 triệu euro mùa 2023/24), nhưng khoản lỗ từ 10 triệu tăng lên 69 triệu euro.
Premier League, ở góc độ nào đó, là một cuộc chơi mạo hiểm và đặt cược, nơi mà ai cũng thừa nhận đã hình thành một bong bóng.
“Hệ thống bóng đá Anh đang rất căng thẳng. Cần có chiến lược dài hạn để đảm bảo sự ổn định tài chính cho toàn giải”, báo cáo mới nhất của Deloitte kết luận.
Dù vậy, ít nhất là mùa hè này, các CLB vẫn biến chuyển nhượng thành lễ hội tiêu tiền.
Ngọc Huy